Nhưng có lẽ Hà Nội cần hơn những cuộc đấu tranh thẳng thắn, lôi đích danh những thói hư tật xấu cụ thể ra để bài trừ, hơn là những khẩu hiệu hay những cuộc tuyên truyền chung chung. Gạn đục khơi trong luôn là cần thiết, nhưng phải làm một cách thiết thực và cụ thể.
Nhà văn Tô Hoài |
Cái nụ cười hóm hỉnh đặc trưng của vị tiên chỉ làng văn lại xuất hiện khi chúng tôi chuyển sang cái đề tài mà dễ đến hơn hai lần tôi quấy quả cụ: những câu chuyện về Hà Nội và người Hà Nội. Chẳng biết tại sao cứ hễ đề cập đến đề tài này là nụ cười ấy, cái nheo nheo mắt ấy, cái cách nói xa xôi cứ lẩn mẩn tận đẩu tận đâu mà lại rất dí dỏm và sâu sắc gửi đến một thông điệp rõ ràng ấy lại xuất hiện.
"Chung chung quá, biết bắt đầu từ đâu nhỉ?", tác giả của "Chuyện cũ Hà Nội" thoáng chút tư lự. Tôi cũng bối rối chẳng kém, vì cái lứa hậu sinh lùi đến ba đời như tôi cũng chỉ là người thuộc lòng khái niệm "người Hà Nội", rồi "người Hà Nội thanh lịch" chứ cũng có mấy khi được cảm nhận được nếm cái vị thanh lịch ấy nó ra sao. Thôi thì cứ từ chuyện xưa chuyện cũ vậy.
Một Hà Nội xưa và những người Hà Nội xưa trong hoài niệm của nhà văn Tô Hoài là một Hà Nội nền nếp và nền nã, từ đường phố cho đến con người, mà cái sự nền nếp ấy nó xuất phát từ sự nghiêm khắc của pháp luật.
Nhà văn Tô Hoài không rõ thuở trước sự nền nếp biểu hiện như thế nào, nhưng dưới con mắt bắt đầu biết nhận thức của một cậu bé mười tuổi, đó là một Hà Nội dưới thời Pháp thuộc hết sức phong quang, hết sức nghiêm túc, dù không giàu có, không "hào nhoáng, ồn ào, hỗn độn và chụp giật" như Hà Nội nay.
Đó là một Hà Nội có phố vỉa hè nhưng người ở mặt tiền phải chịu trách nhiệm về sự sạch sẽ toàn bộ khu vực trước cửa nhà mình, cứ có rác xuất hiện ở vỉa hè nhà mình là phải chịu phạt. Đó là một Hà Nội mà các biển hiệu quảng cáo không được phép chìa ra ngoài đường. Đó cũng là một Hà Nội mà trên phố luôn có một lính Tây và 2 đội xếp đi tuần liên tục cả ngày, sẵn sàng xé vé phạt bất cứ lúc nào đối với mọi hành vi vô ý thức.
Đó cũng là một Hà Nội của những gánh hàng rong trước khi vào nội thị phải đứng xếp hàng ở đầu ô để nhân viên thuế vụ dán tem thuế lên đòn gánh, đóng thuế rồi mới được quảy gánh đi, và đi là đi liên tục trên đường, "quảy đi" chứ không được "quảy đứng", đứng lại bán hàng là bị phạt ngay...
Trong một môi trường nghiêm khắc đến như vậy, một Hà Nội thuở ấy với 20 vạn người yên ả và tĩnh lặng, chậm rãi và nền nếp. Các cô gái, các chàng trai từ mọi miền đổ về Hà Nội tạo dựng cơ nghiệp, trở thành thành viên chính thức của cộng đồng 20 vạn người ấy cũng bắt buộc phải tuân thủ những quy định nghiêm khắc đã thành luật, phải từ bỏ những thói quen không phù hợp với cuộc sống văn minh đô thị.
Và dưới con mắt của những người ra đất Hà Nội Kẻ Chợ chơi, đó là một thế giới của sự nghiêm túc, nền nếp, thanh lịch, cho dù người đi trên phố có là một phu kéo xe chạy chân trần hay một công chức sở Tây mặc sơ mi trắng đi giày tây.
Cái nếp sống tự giác ấy một thời mạnh đến nỗi nhiều trí thức Hà Nội khi lên chiến khu hoặc khi về làm việc trong một Hà Nội đã hoàn toàn giải phóng nhiều khi bị các đồng chí hiểu nhầm, trách móc là khách sáo, là tiểu tư sản, là không thật lòng, là kiểu cách...
Ấy thế rồi trong quãng thời gian gần đây, khi một phần Hà Nội đã trở nên ồn ào, xô bồ, hỗn độn, chụp giật trong cả cách ăn uống, nói năng lẫn chửi tục, những giá trị của một thời bỗng nhiên được nuối tiếc, được tôn vinh, được tìm kiếm.
Chưa bao giờ ý thức của người Thủ đô mạnh như bây giờ, mạnh mẽ đấu tranh với những cái không tốt đẹp, mạnh mẽ vận động về những giá trị lịch thiệp, mạnh mẽ tuyên truyền cho những điều tốt đẹp xưa cũ... Nhưng kết quả xem ra luôn là hạn chế.
Phải chăng là những cái gì chưa hay thường dễ đập vào mắt người ta hơn cả nên ai đó đang cho rằng, Hà Nội nay đa phần hào nhoáng và giàu có, và người Hà Nội nay đa phần là người Hà Nội nói to, văng tục tốt, dễ dàng cáu kỉnh và gây sự, nhổ bậy phì phì và vứt rác khắp nơi miễn là nhà mình sạch, người mình sạch, xe mình sạch (?)...
Có lẽ Hà Nội cần hơn những cuộc đấu tranh thẳng thắn, lôi đích danh những thói hư tật xấu cụ thể ra để bài trừ, hơn là những khẩu hiệu hay những cuộc tuyên truyền chung chung. Gạn đục khơi trong luôn là cần thiết, nhưng phải làm một cách thiết thực và cụ thể.
"Nói thật với anh, tôi đã 89 tuổi rồi, và trong quãng thời gian vừa qua khi những cuộc vận động nâng cao văn minh Thủ đô được đẩy mạnh, tôi hay được mời trả lời phỏng vấn hay đưa ra những ý kiến đóng góp, và việc cứ phải nói về những cái đề tài chung chung như thế này khiến tôi chán nản và mệt mỏi rồi", ông cười dủm dỉm.
"Tôi cho rằng bên cạnh những sự kiện kiểu như 1.000 năm Thăng Long này phải nên có cả những cái vận động gia giáo cụ thể hơn như 100 năm, 10 năm, 1 năm cho đến hằng ngày, hằng giờ. Tuyên truyền đã đành, nhưng tuyên truyền mang tính pháp lý là quan trọng nhất. Nghiêm mới tạo thành nền nếp, nghiêm mới giáo dục được phong tục. Có phong tục tốt sẽ có những con người tuân thủ nó. Có phong tục thanh lịch sẽ có những con người thanh lịch. Hãy nên phong tục hóa một vấn đề bằng phương pháp rộng rãi một cách bắt buộc", nhà văn Tô Hoài nhấn mạnh.
Theo ANTG