Nhỏ Bình thường Lớn

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Chúng ta chưa chủ động tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại

PGS.TS. nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng, việc tiếp thu ảnh hưởng văn hóa bên ngoài đôi khi bị sa đà và xô bồ, nhất là trong các lĩnh vực nghệ thuật giải trí, ca nhạc, phim ảnh... khiến cho môi trường văn hóa nước nhà bị xâm thực, 'ô nhiễm' khá nghiêm trọng.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Việc tiếp thu văn hóa bên ngoài còn bị sa đà, xô bồ
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng, việc tiếp thu văn hóa bên ngoài còn bị sa đà, xô bồ

Chiều 24/11, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, PGS.TS. nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đã phát biểu tham luận "Đội ngũ văn nghệ sĩ đồng hành cùng dân tộc".

"Việc tiếp thu văn hóa bên ngoài còn khá xô bồ"

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng, trong công cuộc đổi mới đất nước, nền văn hóa Việt Nam nói chung và nền văn học, nghệ thuật Việt Nam đã có những bước chuyển mình sâu sắc, mạnh mẽ và khá toàn diện, với những bước thăng trầm đáng ghi nhớ và những bài học bổ ích đáng suy ngẫm.

Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn thừa nhận "những thành tựu văn học - nghệ thuật mà chúng ta đã đạt được trong 35 năm qua chưa tương xứng với sự nghiệp đổi mới của đất nước, chưa đáp ứng được kỳ vọng, mong đợi của nhân dân".

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân dẫn chứng cụ thể: "Các tác phẩm văn học - nghệ thuật chưa phản ánh được thật sinh động và đầy đủ, toàn diện thực tiễn công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, chưa thổi bùng lên khát vọng phát triển đất nước mạnh giàu, lòng tự hào dân tộc và ý chí độc lập tự cường.

Trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật còn ít những tác phẩm, công trình có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc và thời đại, có sức sống lâu bền trong lòng công chúng.

Trong khi những cái đẹp, cái tốt, những giá trị chân, thiện, mỹ, những điển hình tiên tiến chưa được phản ánh, cổ vũ, tô đậm, thì không ít trường hợp lạc hướng, trực tiếp hay gián tiếp sa vào việc tuyên truyền cho cái xấu, cái lệch chuẩn, cái lạc hậu. Hiện tượng nghiệp dư hóa là nguy cơ trong các loại hình văn học nghệ thuật.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, chúng ta còn tỏ ra lúng túng và bị động, chưa chủ động tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu có thêm đời sống văn hóa của nhân dân. Việc tiếp thu ảnh hưởng văn hóa bên ngoài đôi khi bị sa đà và xô bồ, nhất là trong các lĩnh vực nghệ thuật giải trí, ca nhạc, phim ảnh... khiến cho môi trường văn hóa nước nhà bị xâm thực, 'ô nhiễm' khá nghiêm trọng".

Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, những hiện tượng kể trên tồn tại trong một thời gian khá dài, tác động tới đời sống văn học - nghệ thuật, làm chững lại nhịp phát triển, kéo theo những sa sút về văn hóa và nhân cách con người.

NSND Thanh Hoa: Cần phải yêu thương nhau từ gốc

Tôi hy vọng khi lãnh đạo cao cấp của Đảng và Chính phủ đã quan tâm, nhìn nhận sâu sắc mọi khía cạnh được và chưa được của văn hoá nước nhà hiện nay, chắc chắn bước ngoặt lịch sử về văn hoá sẽ sang trang - vì văn hoá là nhân cách, là ứng xử, là tôn ti trật tự, là tri thức của con người.

Kỳ vọng của tôi là Thủ đô và thành phố lớn sẽ có nền văn minh đô thị - văn hoá nghệ thuật Việt Nam không lai tạp - truyền thông Việt Nam không phủ sóng phim - ca nhạc tới 80% là của nước ngoài như hiện nay. Các cháu thiếu nhi không bị đánh cắp tuổi thơ ép thành người lớn trong nghệ thuật và còn nhiều chi tiết văn hoá cần được quan tâm.

Hiện nay tôi thấy trống vắng nhất là ý thức văn hóa cộng đồng. Những lễ nghĩa tinh tế, trên dưới nề nếp, tôn sư trọng đạo, tình làng nghĩa xóm… của ông cha ta phải được bảo tồn. Thực tế khi gặp bão lụt, hoạn nạn, vẫn có người đứng ra từ thiện, tình nguyện chia sẻ nhưng chỉ là tức thời. Đó vẫn chỉ là cái ngọn.

Người ta cần phải yêu thương nhau từ gốc. Trong xã hội phải có văn hóa, văn minh, ý thức cộng đồng. Trong kinh doanh không giả dối, không lừa lọc hại nhau. Nếu kinh tế phát triển mà không có văn hóa sẽ thành chộp giật và chúng ta tự giết lẫn nhau.

Không có ý thức văn hóa cộng đồng tôi nghĩ làm bất cứ thứ gì cũng thất bại. Nếu có ý thức, có văn hóa, người ta không được quyền lăng nhục, xúc phạm người khác trên không gian công cộng. Khi chạy theo trào lưu nói xấu, tung tin đồn thất thiệt về người khác, người đó thể hiện phông văn hóa. Trào lưu rồi sẽ qua đi nhưng những tổn thương có thể sẽ không bao giờ hàn gắn được.

Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát: Nếu thiếu văn hóa, xã hội đi về đâu?

"Tôi và mọi người bất ngờ vì đại hội lần này được tổ chức, bởi văn hóa chìm đắm đã rất lâu rồi, hơn 40 năm Hội nghị Văn hóa mới được tổ chức lần thứ 3.

Sau một thời gian tập trung vào kinh tế rồi các lĩnh vực khác quan trọng hơn, đến giờ chúng ta mới giật mình thấy văn hóa quả thực rất quan trọng, nếu không có nó thì những sự no đủ hay giàu có cũng vô nghĩa.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Chúng ta chưa chủ động tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại
Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát.

Nếu thiếu văn hóa thì xã hội đi về đâu? Tất cả các lĩnh vực đều cần đến văn hóa, văn hóa sống, văn hóa ứng xử, văn hóa đạo nghĩa, văn hóa mà dân tộc gìn giữ từ xưa đến giờ giờ buông lỏng rất nhiều nên xã hội loạn nhiều thứ, loạn bằng cấp, loạn về vị trí xã hội... Văn hóa nghệ thuật chuyên sâu cũng gần như bị thả nổi để kinh tế thị trường chi phối, mà hầu như không được đầu tư.

Văn hóa chính là con người, con người trong ứng xử, con người trong cuộc sống, con người trong tôn sư trọng đạo, con người trong đạo lý của gia đình, trong xã hội... Con người trong cả công việc sáng tạo của mình nữa. Nhiều loại hình văn học nghệ thuật rất sang trọng nhưng ẩn trong đó có nhiều điều cần phải nói như nhân cách, đạo đức, ứng xử không đẹp như tác phẩm họ viết ra. Trong lĩnh vực văn hóa cũng phải rất văn hóa.

Trong nghị quyết Đại hội Đảng lần nào cũng có chương về văn hóa văn nghệ, rất nhiều nghị quyết nói về văn hóa nhưng dường như người ta không chú ý đến điều đó. Đầu tư cho văn hóa ngày càng ít đi và đầu tư cho các ngành nghệ thuật cũng vậy, rất dè sẻn.

Tôi thấy Hội nghị Văn hóa thế này vô vùng quan trọng và mong rằng, hội nghị đánh trống không nên bỏ dùi mà triển khai tích cực trong các ngành từ trung ương đến địa phương, từ các tỉnh thành đến quận huyện, xã, thôn".

NSND Trung Hiếu (Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội): Cần tạo điều kiện tốt nhất cho nghệ sĩ phát triển

"Tôi cảm thấy rất vui mừng khi tham dự Hội nghị Văn hóa Toàn quốc lần thứ 3. Đây chính là dịp để chúng ta có cái nhìn tổng quát về văn hóa, trong đó có nền văn hóa Hà Nội nói riêng, cũng như văn hóa nghệ thuật của cả nước nói chung.

Nếu để các nghệ sĩ tài năng phải bỏ nghề thì rất đáng tiếc, nhất là khi nhiều nghệ sĩ là những người có tài năng thiên bẩm. Vì vậy, làm sao có cơ chế đặc thù cho nghệ thuật và tạo điều kiện tốt nhất cho các nghệ sĩ phát triển một cách ổn định là điều rất quan trọng".

Giá trị văn hóa tốt đẹp được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ những khi đất nước khó khăn

Giá trị văn hóa tốt đẹp được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ những khi đất nước khó khăn

'Những lúc đất nước khó khăn thì các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ; ...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hy vọng về dấu mốc mới trên con đường chấn hưng văn hóa Việt Nam

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hy vọng về dấu mốc mới trên con đường chấn hưng văn hóa Việt Nam

Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn công tác văn hóa sẽ có bước ...

Nguyệt Anh (tổng hợp)