📞

Nhận diện ‘điểm nóng mới’ trong xung đột Mỹ-Trung Quốc ở châu Á

Việt Hà 16:45 | 31/07/2020
TGVN. Trong bài viết mới đây trên SCMP, chuyên gia Michael Vatikiotis nhận định rằng, cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đang định hình lại bàn cờ địa chính trị ở châu Á, làm dấy lên nguy cơ nổ ra các cuộc xung đột ủy nhiệm giữa hai cường quốc.
Cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc làm dấy lên nguy cơ nổ ra các cuộc xung đột ủy nhiệm giữa hai cường quốc. (Nguồn: AP)

Từ Biển Đông đến Mekong

Ở Biển Đông, Mỹ đang thúc giục các nước Đông Nam Á cùng các đồng minh trong khu vực kháng cự mạnh mẽ hơn với yêu sách hàng hải của Trung Quốc và có biện pháp quyết liệt hơn để bảo vệ các quốc gia này. Trong năm 2020, Hải quân Mỹ đã thực hiện 6 cuộc tuần tra “tự do hàng hải” trong khu vực, với sự góp mặt của các tàu khu trục có tên lửa hành trình và tàu sân bay hạt nhân.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức bác bỏ các yêu sách trên biển của Trung Quốc vì “đi ngược lại với luật pháp quốc tế”. Theo nhiều chuyên gia về quốc phòng, tuyên bố này có thể dẫn đến các động thái quân sự mạnh mẽ hơn của Mỹ trong khu vực.

Theo chuyên gia Michael, Mỹ và Trung Quốc ít có khả năng chủ động gây xung đột, tuy nhiên hai bên đều lo ngại nguy cơ xảy ra những tình huống không thể lường trước, chẳng hạn như một vụ va chạm tình cờ trên biển. Với việc hệ thống liên lạc giữa giới quân sự Mỹ và Trung Quốc rất hiếm khi được sử dụng, các chuyên gia lo ngại, trong trường hợp một vụ va chạm xảy ra, căng thẳng sẽ leo thang nhanh chóng và có thể biến thành một cuộc xung đột không thể tránh khỏi.

Kể cả khi Mỹ và Trung Quốc tìm được cách tránh xung đột trực tiếp trên Biển Đông, nhiều dấu hiệu cho thấy, hai quốc gia này sẽ thúc đẩy các cuộc “xung đột ủy nhiệm” trong khu vực. Xu hướng này đang diễn ra trong cả những lĩnh vực vốn không có xung đột, cả về chính trị lẫn kinh tế.

Bên cạnh đó, một điểm nóng đang nổi lên là sông Mekong - con sông dài thứ 7 châu Á và cung cấp nước cho nhiều vựa lúa lớn của khu vực với hơn 100 triệu dân. Năm 2015, Trung Quốc thành lập Diễn đàn Hợp tác Mekong – Lan Thương và sử dụng các khoản viện trợ, đầu tư và biện pháp ngoại giao để kéo các nước trong khu vực vào các dự án phát triển chung.

Trong khi đó, Mỹ khởi xướng Sáng kiến Hạ lưu sông Mekong (LMI) với sự tham gia của cả Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam từ năm 2009. Sáng kiến này sử dụng các nguồn vốn từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nhằm đào tạo kỹ thuật và phát triển cơ sở hạ tầng cho các nước trong khu vực. Trong thời gian gần đây, Mỹ đã tăng cường sự ủng hộ với LMI và kêu gọi nguồn vốn hỗ trợ từ Hàn Quốc hay Nhật Bản.

Những "chiến địa" mới

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày một leo thang, Đại sứ quán của hai quốc gia trong khu vực trở thành "tiền đồn" của những tranh cãi. Đại sứ quán Mỹ ở Myanmar, Thái Lan và Campuchia đã gọi các dự án hợp tác và đầu tư của Trung Quốc là mối đe dọa với chủ quyền quốc gia.

Theo đó, Đại sứ quán Mỹ ở Yangon tuyên bố các dự án của Trung Quốc nhằm phát triển cơ sở hạ tầng và đặc khu kinh tế ở Myanmar “ngập trong nợ” và “có lợi cho Trung Quốc nhiều hơn người dân Myanmar”. Đại sứ quán Trung Quốc đáp trả rằng, Washington đang dùng các biện pháp “ghê tởm” để kiềm chế Bắc Kinh.

Có những nghi ngờ rằng, Trung Quốc đang viện trợ vũ khí và tài chính cho các nhóm phiến quân ở Ấn Độ và Myanmar. Mặc dù Trung Quốc luôn phủ nhận những cáo buộc này, song cuối tháng 6 vừa qua, một lô vũ khí có nguồn gốc Trung Quốc đã bị giữ lại ở biên giới Thái Lan – Myanmar. Trong khi đó, theo truyền thông Ấn Độ, một số nhóm phiến quân ở Đông Bắc Ấn Độ đang tiếp cận Trung Quốc trong bối cảnh cuộc đụng độ đẫm máu ở biên giới Ấn – Trung vừa nổ ra không lâu.

Xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc còn được thể hiện trên lĩnh vực kinh tế, với việc Mỹ đang gây sức ép, yêu cầu nhiều quốc gia từ chối các khoản đầu tư và công nghệ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc đang đứng trước cơ hội lớn khi nhiều quốc gia đang tìm kiếm các dự án đầu tư sau đại dịch Covid-19.

Tháo ngòi nổ xung đột?

Thời gian tới, cả Mỹ và Trung Quốc sẽ tìm cách gia tăng ảnh hưởng trong bối cảnh nhiều Chính phủ đã phải chịu tác động do dịch Covid-19. Các quốc gia trong khu vực có thể góp phần ngăn chặn xung đột tiềm tàng giữa Mỹ và Trung Quốc bằng cách chống lại những áp lực buộc họ phải chọn phe trong tranh chấp, cũng như tạo ra một cơ chế cân bằng có hiệu quả giữa hai cường quốc.

Cựu ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã kêu gọi ASEAN trở thành trung gian hòa giải giữa Mỹ và Trung Quốc. Kế hoạch này sẽ khả thi nếu các cường quốc tầm trung như Canada, Australia hay Nhật Bản cùng tham gia vào nỗ lực kéo Mỹ và Trung Quốc vào một diễn đàn đa phương nhằm ngăn chặn đà leo thang xung đột. Tuy vậy, dự án này khó có thể trở thành hiện thực trong tương lai gần.

(theo SCMP)