Toàn cảnh chùa Yên Tử, Quảng Ninh. (Nguồn: Vinpearl) |
Nhân dân hạnh phúc là đích đến
Tại Hội thảo khoa học "Quảng Ninh nhận diện và phát huy các giá trị văn hóa, con người, tạo nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững" diễn ra ngày 26/9, PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản cho rằng, hiện nay, nguồn lực văn hóa đang được nhận diện với các ngành công nghiệp văn hóa. Tiềm năng, lợi thế của Quảng Ninh hiện diện ở nhiều ngành và đặc biệt hiện diện nổi bật ở ngành du lịch văn hóa.
Đây được xác định là nguồn lực quan trọng vừa đáp ứng nhu cầu tinh thần cho nhân dân trong tỉnh và khách du lịch trong cũng như ngoài nước khi đến với Quảng Ninh. Đây cũng là “con đường” ngắn nhất quảng bá hình ảnh Quảng Ninh với nhân dân cả nước và với bạn bè quốc tế.
Tin liên quan |
Quảng Ninh: Nỗ lực không ngừng với mục tiêu trở thành điểm đến quốc tế |
Theo PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Quảng Ninh là tỉnh có lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Con người nơi đây cũng thể hiện những đặc trưng chung, đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, kết hợp với bản sắc rất riêng của vùng đất được coi là “cái nôi” của giai cấp công nhân Việt Nam.
Trải qua quá trình phát triển, các đặc trưng “Năng động-sáng tạo-hào sảng-lành mạnh-văn minh-thân thiện” đã được nhận diện là những đặc trưng của con người Quảng Ninh.
Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cũng nhấn mạnh, hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh là tổng thể những đặc trưng, thuộc tính, phẩm chất căn cốt nhất, có tính đại diện tiêu biểu của địa phương, tổng hòa trên tất cả các mặt, lĩnh vực, từ thiên nhiên, văn hóa, xã hội, con người đến đặc điểm kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại...
Những điều này được hun đúc, định hình từ điều kiện tự nhiên, từ kết quả quá trình lao động, đấu tranh để sinh tồn và phát triển của cộng đồng địa phương trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của vùng đất, có tính bao trùm, được đa số cộng đồng công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ bằng ý thức tự giác.
Chủ tịch Nguyễn Xuân Ký khẳng định: "Hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh là sợi dây nối quá khứ, hiện tại và tương lai, vừa mang tính truyền thống, vừa mang tính đương đại, phản ánh hơi thở của thời đại, trở thành mục tiêu, động lực, phương châm chỉ đạo, 'hệ đường ray' để quy tụ lòng người, đoàn kết xã hội, xác định, gắn kết các định hướng lớn cho xây dựng, phát triển bền vững địa phương ở hiện tại và tương lai.
Các giá trị 'Thiên nhiên tươi đẹp-văn hóa đặc sắc-xã hội văn minh-hành chính minh bạch-kinh tế phát triển-nhân dân hạnh phúc' là hệ giá trị hợp trội được định hình dựa trên cơ sở địa phương hóa các giá trị tốt đẹp của quốc gia - dân tộc và nhân loại, tổng hợp hóa và nâng tầm các giá trị riêng lẻ của văn hóa, con người Quảng Ninh, làm thành bản sắc, cốt cách riêng có, trở thành tầm nhìn phát triển địa phương.
Đồng thời, giữa các thành tố của hệ giá trị Quảng Ninh có quan hệ khăng khít, chặt chẽ, tương hỗ, bao quát khá toàn diện trên các lĩnh vực: điều kiện tự nhiên-văn hóa-xã hội-chính trị-kinh tế-con người, trong đó, thiên nhiên tươi đẹp là điều kiện; văn hóa đặc sắc là nền tảng; xã hội văn minh là chuẩn mực; hành chính minh bạch là môi trường; kinh tế phát triển là phương tiện và nhân dân hạnh phúc là mục tiêu cuối cùng hướng đến.
Đây cũng là nội hàm cốt lõi trong mục tiêu quản trị phát triển bền vững địa phương với mô hình phát triển bền vững dựa trên việc tìm kiếm sự cân bằng giữa ba yếu tố: kinh tế, xã hội và môi trường, gắn với nâng cao năng lực chống chịu, ứng phó trước các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng cực đoan hơn".
Ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam (thứ ba, phải sang) xem tái hiện đám cưới của người Sán Chỉ tại xã Lục Hồn (Bình Liêu). (Ảnh: Mai Linh) |
Khơi nguồn lực cho quá trình phát triển
Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Minh Tuấn nhận thấy, xu thế vận động và phát triển tiếp tục đặt ra yêu cầu mới, đòi hỏi Quảng Ninh không chỉ tiếp cận những nhận thức mới về phát triển bền vững, nhận diện mới về các giá trị văn hóa, con người mà còn phải có giải pháp thực tế, hiệu quả để chuyển hóa các giá trị này thực sự trở thành nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển là tất yếu.
PGS.TS Phạm Duy Đức, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho hay, bản sắc văn hóa và giá trị con người Quảng Ninh chính là tài sản vô giá, là động lực quan trọng để phát triển địa phương ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Do đó, khơi nguồn lực cho quá trình phát triển, việc nhận diện để xác định phương hướng, giải pháp phát huy bản sắc văn hóa và sức mạnh con người Quảng Ninh là một trong những vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn hiện nay.
Theo ông Phạm Duy Đức, trong thời gian tới, để phát huy hơn nữa vai trò của bản sắc văn hóa Quảng Ninh trong xây dựng, phát triển tỉnh Quảng Ninh phồn vinh, hạnh phúc, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như:
Thứ nhất, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa, con người trong các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, các chương trình, dự án đề ra về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của tỉnh để nâng cao hơn nữa chất lượng của các hoạt động văn hóa, khẳng định mạnh mẽ vai trò, vị thế của văn hóa tỉnh. Đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là nguồn lực nội sinh quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tổng thể về nguồn lực văn hóa tạo nên bản sắc văn hóa của Quảng Ninh.
Đặc biệt, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, cần tập trung vào phát triển mạnh mẽ hơn các ngành công nghiệp văn hóa; kết nối phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở địa phương với sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Trung ương và các tỉnh bạn trên phạm vi cả nước. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh văn hóa và con người Quảng Ninh, giới thiệu bản sắc văn hóa của Quảng Ninh đối với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.
Cùng với đó, điều tiết sự phát triển văn hóa thông qua đòn bẩy kinh tế; tập trung đào tạo, bồi dưỡng bồi dưỡng nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật…
Về phía địa phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Đặng Xuân Phương cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng văn hóa trong Đảng, trong bộ máy nhà nước; coi trọng văn hóa nêu gương, làm gương; văn hóa trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân. Phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Xây dựng văn hóa trong kinh tế, văn hóa trong doanh nghiệp, văn hóa trong tôn giáo, tín ngưỡng.
"Ngoài ra, Quảng Ninh sẽ xây dựng môi trường văn hóa gắn với 'Phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh' gắn với triển khai Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2030. Duy trì hoạt động ngoại giao văn hóa giữa các địa phương trong tỉnh có quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống cũng như phát triển, mở rộng giao lưu, hợp tác với các thành phố, địa phương trên thế giới", ông Đặng Xuân Phương nhấn mạnh.
| Định vị thương hiệu, đưa 'hạt gạo làng ta' vươn biển lớn Gạo Việt Nam đang ngày càng vươn xa, khẳng định vai trò vị thế trên thị trường xuất khẩu thế giới. Tuy nhiên, mặt hàng ... |
| Chương trình Thương hiệu Quốc gia 'chắp cánh' cho doanh nghiệp Việt bay xa Với sự hỗ trợ của Chương trình Thương hiệu Quốc gia, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của ... |
| Để nền kinh tế tiếp tục vượt ‘gió ngược’ Kinh tế Việt Nam cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức trước những “cơn gió ngược” và đạt được nhiều kết ... |
| Việt Nam gia tăng sức hút với nhà đầu tư nước ngoài, điều tuyệt vời nhất vẫn chưa đến Ngày 21/9, chuyên về phân tích tài chính Gfmag (trụ sở tại Mỹ) đăng tải bài viết cho hay, một loạt chính sách thân thiện ... |
| Tổng điểm về mức độ tự do kinh tế của Việt Nam năm 2023 đạt 6,26, tăng 4 bậc Mới đây, Viện Fraser của Canada công bố Báo cáo tự do kinh tế thế giới năm 2023. Theo đó, chỉ số tự do kinh ... |