Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Công Nghiệp (Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội), bất kỳ quốc gia nào cũng luôn tồn tại hai nền kinh tế, một nền kinh tế chính thức thống kê được, tổng hợp, kiểm soát được và một nền kinh tế phi chính thức, không thống kê được, không tổng hợp được và không kiểm soát được. Nó thường ẩn sau nền kinh tế chính thức.
Mặc dù kinh tế phi chính thức tồn tại ở mọi nền kinh tế, nhưng ở các nước đang phát triển, do hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, hệ thống kiểm tra, giám sát và bộ máy hành chính còn yếu, nên hoạt động của khu vực này diễn ra mạnh.
Trên 50% lực lượng lao động phi nông nghiệp ở phần lớn các nền kinh tế có mức thu nhập thấp và trung bình làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức. Khu vực kinh tế phi chính thức chiếm khoảng 30% GDP ở Mỹ Latin, trên 50% ở Ấn Độ và trên 60% ở vùng Tiểu Sahara châu Phi.
Toàn cảnh Hội thảo ngày 13/12. (Ảnh: Vi Vi) |
“Tại Việt Nam, số liệu về quy mô của khu vực kinh tế phi chính thức còn khác nhau, có ý kiến cho rằng con số này dao động từ 20 – 30% GDP trong khi Tổng cục Thống kê chưa đưa ra con số chính thức, nhưng cho rằng quy mô khu vực kinh tế phi chính thức chưa chiếm tới 30% GDP. Dù con số cụ thể là bao nhiêu thì cũng không thể phủ nhận, các hoạt động kinh tế phi chính thức của Việt Nam đang diễn ra rất phức tạp”, ông Nghiệp lo ngại.
Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, với tổng dân số hơn 90 triệu người, hơn 58 triệu người dùng Internet, hơn 125 triệu thuê bao di động, hơn 3.000 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo..., Việt Nam đang được đánh giá là một trong các quốc gia tiềm năng lớn để phát triển nền kinh tế số.
Tuy nhiên, ông Doanh cho rằng, sự phát triển quá nhanh của công nghệ và sự năng động của nền kinh tế hội nhập sâu vào kinh tế khu vực và thế giới, cũng có thể tạo ra những kẽ hở để một số loại hình kinh tế số có thể trở thành một bộ phận mới của mảng kinh tế phi chính thức. Loại hình kinh tế này đang chiếm tỷ lệ cao về lao động và GDP của nền kinh tế truyền thống, dẫn đến bất công trong xã hội, làm tăng chênh lệnh giàu - nghèo.
“Để phát triển nền kinh tế số một cách chính quy, hợp pháp, nhà nước cần xây dựng kịp thời môi trường pháp lý phù hợp cho loại hình này”, ông Doanh khuyến nghị.
Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thừa nhận, khu vực kinh tế chưa được quan sát tồn tại chủ yếu ở nhóm hoạt động kinh tế ngầm, hoạt động kinh tế bất hợp pháp thường bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê.
Bà Hương cho biết, nhằm đánh giá, phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn phạm vi kết quả sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế chưa được quan sát, Tổng cục Thống kê đã nghiên cứu, biên soạn "Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát".Dự thảo đang xin ý kiến góp ý của các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và sẽ được hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 12/2018.