📞

Nhân loại sẽ đối đầu với trí tuệ nhân tạo như thế nào?

Trần Xuân Tiến 19:00 | 05/12/2022
Khi máy móc, trí tuệ nhân tạo trở nên thông minh hơn thì việc định hình khung nhận thức là điều rất quan trọng và chỉ con người mới có thể làm được. Cuốn sách Framers-Nhân loại đối đầu nhân tạo sẽ giúp người đọc cải thiện năng lực này.

Nỗi lo... công nghệ phát triển

Nhân loại đang chứng kiến sự phát triển chưa từng thấy của khoa học công nghệ. Rất nhiều vấn đề khó khăn, nan giải đối với con người đã có thể được giải quyết bởi những phát minh khoa học. Và con đường phát triển ấy chưa dừng lại. Nó sẽ còn tiến xa với tốc độ càng ngày nhanh.

Nhưng cũng trong bối cảnh đó, nhân loại dần nhận ra mặt trái của phát triển công nghệ. Đáng sợ nhất trong số đó là khả năng nhân loại có thể phần nào phụ thuộc bởi công nghệ, thậm chí trở thành nô lệ của công nghệ, bị công nghệ thao thay thế, thao túng.

Bản dịch Việt ngữ được thực hiện bởi dịch giả Tân Nhàn do Nhà xuất bản Thế giới ấn hành tháng 11/2022. (Ảnh: Xuân Tiến)

Thật nhiều những viễn tượng cảnh báo được đưa ra bởi nhiều chuyên gia trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, xã hội học, tâm lý, văn hóa… Thế nên, nhân loại hào hứng bao nhiêu với sự phát triển của công nghệ, thì cũng lo ngại bấy nhiêu vì điều đó.

Con người vẫn có lợi thế

Xóa tan sự lo ngại đó, trong cuốn sách Framers – Nhân loại đối đầu nhân tạo, các tác giả nhận định con người vẫn có lợi thế trong thời đại công nghệ.

Các tác giả phân tích: “Từ đại dịch đến chủ nghĩa dân túy, bất bình đẳng giàu nghèo đến biến đổi khí hậu, nhân loại phải đối mặt với những thách thức chưa từng có đe dọa sự tồn tại.

Cho dù là vấn đề dịch bệnh, vũ khí mới hoặc công nghệ mới, biến đổi khí hậu hay bất bình đẳng, cách thức đối phó của con người chính là yếu tố quyết định sự tồn vong của xã hội”.

Như vậy, chỉ có con người, và chỉ có con người mới có thể đưa ra cách thức đối phó trước những nan đề của cuộc sống xã hội. Nguồn gốc sức mạnh của con người không phải ở cơ bắp hay trí tuệ mà chính là ở các mô hình tâm trí.

Khung nhận thức quyết định hành động

Tuy nhiên, làm sao để con người hành động đúng đắn? Các tác giả cho rằng: cách thức hành động phụ thuộc vào cách thức chúng ta nhìn nhận vấn đề.

Khung nhận thức là các mô hình tâm trí mà chúng ta lựa chọn và áp dụng. Chúng quyết định cách thức con người nhìn nhận thế giới thực tại và hành động trong thế giới ấy. Khi khung nhận thức hiện tại không phù hợp, chúng ta có thể chọn khung khác, hoặc sáng tạo ra một khung mới hơn và tốt hơn.

Trong mọi lĩnh vực, việc thấu hiểu sức mạnh của khung nhận thức là điều hết sức cần thiết. Chúng ta cần nhìn vấn đề theo một cách khác biệt để giải quyết nó.

Dù là ở cấp độ cá nhân, cộng đồng, quốc gia hay nền văn minh, tâm điểm của các phương pháp ứng phó cho mọi vấn đề nan giải luôn nằm bên trong chúng ta: năng lực định hình khung nhận thức (framing) của riêng loài người.

Framers – Nhân loại đối đầu nhân tạo giúp chúng ta tái sử dụng khung nhận thức của lĩnh vực này vào lĩnh vực khác, tức là cân nhắc mở rộng phạm vi bằng cách sửa đổi khung nhận thức cũ cho phù hợp với bối cảnh và mục đích mới.

Đặc biệt, khi máy móc, trí tuệ nhân tạo trở nên thông minh hơn thì việc định hình khung nhận thức là điều rất quan trọng và chỉ con người mới có thể làm được. Tuy nhiên, chúng ta cần cải thiện năng lực này và cuốn sách sẽ giải thích phương pháp thực hiện điều đó.

Framers – Nhân loại đối đầu nhân tạo (tên gốc: Framers - Human Advantage in an Age of Technology and Turmoil) là tác phẩm được viết bởi ba tác giả nổi tiếng. Trong đó, Kenneth Cukier và Viktor Mayer-Schönberger là hai giáo sư khoa học về quản lý và công nghệ hàng đầu của Đại học Oxford và Harvard. Còn Kenneth Cukier là biên tập viên cấp cao của tờ The Economist.