📞

“Nhân tai” đang góp tay tàn phá môi trường

14:42 | 19/11/2016
Con người là một trong những nhân tố chính đang làm tình trạng ô nhiễm môi trường thêm trầm trọng.  

Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam năm 2015 được cập nhật theo lộ trình đã được xác định trong chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu cho thấy, diễn biến thời tiết ở Việt Nam sẽ theo hướng ngày càng khắc nghiệt với nhiệt độ trung bình có thể tăng lên khoảng 1,7oC vào giữa và 2,4oC vào cuối thế kỷ 21 thời kỳ 1986 - 2005.

Theo thông tin mới được cập nhật, mức tăng nhiệt độ hiện dao động từ 1,3 đến 2,4oC ở các vùng khí hậu khác nhau. Lượng mưa mùa khô ở một số vùng có xu thế giảm. Việc lượng mưa giảm trong mùa khô sẽ dẫn tới tình trạng hạn hán diễn ra với cường độ mạnh hơn ở nhiều nơi. Đồng thời, lượng mưa giảm  kết hợp với nước biển dâng cũng làm cho tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong giai đoạn tới diễn ra ngày càng gay gắt hơn.

Ô nhiễm ngày càng trầm trọng

Mặc dù Việt Nam không phải quốc gia gây tác động nghiêm trọng tới quá trình nóng lên toàn cầu nhưng lại nằm trong nhóm 25 quốc gia thu nhập thấp - trung bình dẫn đầu về phát thải khí nhà kính hàng năm. Cùng với quá trình phát triển kinh tế, tình trạng ô nhiễm môi trường và sự cố môi trường ngày càng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong trung và dài hạn. Đặc biệt, ô nhiễm nguồn nước, không khí, đất đai tại các đô thị, khu dân cư lớn, các làng nghề đã và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Hội thảo khoa học quốc tế “Kinh tế Việt Nam trong trung hạn: triển vọng và một số ảnh hưởng của yếu tố môi trường, diễn ra tại Hà Nội, ngày 18/11. (Ảnh: Nguyễn Việt)

Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường tác động tới tất cả các vùng, miền, các lĩnh vực về tài nguyên, môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội, trong đó tài nguyên nước, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế - sức khoẻ và vùng ven biển sẽ chịu tác động mạnh nhất. Dự báo trung bình giai đoạn 2016 – 2020, thiên tai và ô nhiễm môi trường có thể làm giảm GDP khoảng 0,6%/năm.

Mô hình kinh tế lượng có cấu trúc sử dụng để phân tích và dự báo kinh tế vĩ mô Việt Nam (mô hình VanMieu) của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia đã được phát triển thêm khối năng lượng, sử dụng để đưa ra đánh giá ban đầu về mối tương quan giữa yếu tố năng lượng và tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Theo đó, nghiên cứu đã chỉ ra điện là nhân tố quan trọng cho sản xuất ở Việt Nam, tuy nhiên nhu cầu về năng lượng tăng nhanh hơn mức tăng GDP, cụ thể để tăng 1% GDP thì cầu về năng lượng điện cần tăng tương ứng từ 3-4%. Kết quả nghiên cứu cũng phản ánh sự thay đổi cơ cấu sử dụng năng lượng trong ngành sản xuất ở Việt Nam trong thập kỷ qua.

Đừng “đổ” hết tội cho “ông Trời”

Chia sẻ tại Hội thảo khoa học quốc tế “Kinh tế Việt Nam trong trung hạn: triển vọng và một số ảnh hưởng của yếu tố môi trường” vừa diễn ra tại Hà Nội, PGS. TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, khi nói đến ô nhiễm môi trường như đất, nước, không khí… người ta thường nghĩ và “đổ tội” do biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu chịu một phần trách nhiệm, nhưng “nhân tai” tàn phá cũng không hề thua kém. Ví dụ, ô nhiễm biển miền Trung hay cá hồ Tây chết chủ yếu do con người gây ra bằng cách xả thải.

“Đừng vội đổ hết tội cho ông Trời, trách nhiệm từ con người cũng kha khá, thậm chí còn hơn cả ông Trời”, ông Bá ví von. Trước hiện trạng này, ông đặt vấn đề: nếu biết đổi mới sáng tạo có khi lại trở thành lợi thế.

Gần đây, nước biển dâng khiến Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) “cuống hết cả lên” vì chuyện trồng lúa. Nhưng theo đánh giá của GS. Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, đây có thể lại là cơ hội: “Tại sao ĐBSCL cứ phải trồng lúa? Nước ngập mặn chuyển hướng sang nuôi tôm liệu có được không? Không nhất định chỉ có cây lúa, làm cái gì đó khác biết đâu lại có lợi hơn cây lúa?”

“Vấn đề quan trọng nhất hiện nay phụ thuộc vào năng lực dự báo, dự đoán, dám thay đổi và làm cái gì thích hợp với điều kiện hoàn cảnh”, ông Bá nhấn mạnh.

Vậy, làm thế nào để vừa tăng trưởng nhưng vẫn giữ sạch môi trường? Theo GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, việc đầu tiên phải nghĩ đến là cơ cấu kinh tế nhằm giúp chúng ta có thể đạt được mục tiêu đó. Bản thân GS. Mại đã rất nhiều lần phản đối một số ngành vẫn cố tiếp tục phát triển như thép, xi măng, hóa chất.

“Chúng ta đang nói đến câu chuyện công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, nói đến những bài học đã phải trả giá đắt như sự kiện Formosa gây ra thảm họa môi trường tại miền Trung. Nhưng hiện nay Bộ Công thương vẫn đưa dự án Thép Cà Ná của doanh nhân Lê Phước Vũ vào quy hoạch. Nếu đứng dưới góc độ một đất nước đang phát triển như Việt Nam, đi sau các nước và đang tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng, mà vẫn sản xuất thép theo dạng lò cao là không thể chấp nhận được”, ông Mại bày tỏ thái độ bất bình. GS Mại cũng cực lực phản đối nhiều dự án về thép khác.

Điều khiến GS Mại lo hơn cả là Chính phủ, Quốc hội thì bàn nhưng thực hiện lại là các địa phương. Ông Mại dẫn ra câu chuyện việc cắt giảm 15% từ nguồn thu của TP. Hồ Chí Minh. “Khi bị cắt thì ngay lập tức họ viện dẫn thiếu tài chính để xử lý việc ngập lụt, môi trường, biến đổi khí hậu tác động đến thành phố này. Họ đang đề nghị, nếu bị cắt 15% thì trung ương phải đầu tư thêm bao nhiêu cho thành phố để giải quyết những vấn đề trên”, ông Mại nói.