📞

Nhân tố chủ chốt giúp đạt được các mục tiêu phát triển bền vững

16:04 | 27/09/2018
Theo nghiên cứu lớn nhất về doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB) tại Việt Nam, được Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và trường Đại học kinh tế quốc dân (NEU) công bố sáng ngày 27/9 tại Hà Nội, SIB chỉ chiếm 4% khu vực tư nhân.

Nghiên cứu “Thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam” nêu bật sự cần thiết phải hỗ trợ cho việc phát triển khu vực Doanh nghiệp tạo Tác động Xã hội tại Việt Nam, đồng thời ghi nhận các doanh nghiệp, các doanh nhân trong khu vực này như là một trong những nhân tố chủ chốt giúp đạt được các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (SDG).

SIB được định nghĩa là “một tổ chức, ở đó hoạt động thương mại và cam kết tạo tác động tích cực lên xã hội/môi trường là hai nguyên lý trung tâm của chiến lược vận hành tổ chức. Việc cân bằng giữa mục tiêu xã hội/môi trường với mô hình thương mại cho phép loại hình tổ chức này có thể giải quyết các thách thức xã hội và môi trường một cách bền vững”.

Đại diện nhóm nghiên cứu trình bày về kết quả của dự án. (Ảnh: PH)

Nghiên cứu do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Northampton và UNDP cùng phối hợp thực hiện, cho thấy doanh nghiệp cân bằng mục tiêu xã hội và kinh tế là mô hình kinh doanh bền vững. 70% SIB đang kinh doanh có lợi nhuận. 59% SIB ở Việt Nam lựa chọn cân bằng giữa mục tiêu xã hội và kinh tế, 34% tập trung vào mục tiêu xã hội. Việc làm, Cuộc sống mạnh khỏe hạnh phúc cho mọi người và Bảo vệ môi trường là ba lĩnh vực tác động hàng đầu của SIB.

Phát biểu tại Hội thảo công bố Nghiên cứu, Giáo sư Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, NEU đã bắt đầu tham gia vào việc thúc đẩy tinh thần kinh doanh vì xã hội, phát triển bền vững từ năm 2009 và sự ra đời của Trung tâm Sáng tạo Xã hội và Khởi nghiệp (CSIE) thể hiện cam kết cao của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trong lĩnh vực này.

Giáo sư nói: “Tôi tin rằng, mô hình kinh doanh vì xã hội, vì phát triển bền vững là mô hình kinh doanh của thế kỷ 21, mô hình này là một mô hình cùng thắng, mô hình đa giá trị - ở đó các doanh nhân vừa tạo giá trị kinh tế cho bản thân, vừa tạo tác động lên xã hội, vừa giảm thiểu tác động lên môi trường”.

Bà Catherine Phuong, Trợ lý Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam, tán thành ý kiến của Giáo sư Trần Thọ Đạt. Bà nói: “Nắm bắt mô hình kinh doanh này là tối quan trọng đối với Việt Nam. Chính là phát triển cách tiếp cận bền vững và bao trùm hơn cho tăng trưởng kinh tế, thông qua đổi mới sáng tạo và công nghệ; nâng cao năng suất lao động, đồng thời giải quyết những thách thức về xã hội và môi trường mà quốc gia đang đối mặt và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững”.

Theo Nghiên cứu, SIB ở Việt Nam thường có quy mô nhỏ về nhân sự và doanh thu. Nhưng SIB đi đầu trong việc thúc đẩy sự đa dạng và bao trùm trong kinh doanh. Gần như tất cả các SIB đều có nhân viên là nữ và ba phần tư số doanh nghiệp này có người khuyết tật trong đội ngũ nhân viên của mình.

Để thúc đẩy sự phát triển của khu vực Doanh nghiệp tạo Tác động Xã hội tại Việt Nam, Nghiên cứu khuyến nghị cần tăng cường tiếp cận nguồn vốn và các phương pháp tài chính sáng tạo khác cho khu vực SIB; đẩy mạnh sự kết nối giữa SIB và các doanh nghiệp khác trong khối tư nhân và thành lập mạng lưới đại diện cho khu vực SIB.

Kết quả nghiên cứu dựa trên gần 500 phiếu điểu tra khảo sát, phỏng vấn 62 cá nhân đại diện cho các bên hữu quan, thông qua hình thức phỏng vấn 1-1 hoặc nhóm tập trung, và 3 hội thảo tham vấn các bên liên quan.