📞

Nhật Bản chấp nhận phiêu lưu

11:00 | 02/04/2016
Cụm từ “Thập kỷ mất mát” được dùng để nói về suy thoái của kinh tế Nhật Bản trong thập niên 1990. Nhưng có vẻ nó chưa kết thúc như những chu kỳ khủng hoảng khác, bởi thêm hai thập kỷ nữa sắp qua đi mà kinh tế Nhật Bản vẫn chưa thể trở về quỹ đạo.
Xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng - một trong những vấn đề cần giải quyết của nền kinh tế Nhật Bản. (Ảnh minh họa)

Sau hơn 13 năm bong bóng chứng khoán “nổ tung” (năm 2003) và hơn 25 năm bong bóng bất động sản đi vào quá khứ, tính đến nay đã là thập kỷ thứ ba, Nhật Bản vẫn tiếp tục vật lộn với giảm phát, lãi suất 0%, hệ thống ngân hàng ốm yếu, thất nghiệp tăng, tăng trưởng trì trệ và dân số già hóa với tốc độ nhanh hơn bất cứ nền kinh tế lớn nào khác. Người ta nói rằng, Nhật Bản đang có mọi đặc điểm của một cuộc suy thoái lớn chưa từng thấy kể từ thập niên 1930.

Lãi suất âm - chiến lược hay thất bại

Suy thoái khác với các cuộc khủng hoảng theo chu kỳ kinh doanh vì chúng là kết quả của những rào cản mang tính cấu trúc đối với tăng trưởng, nó kìm hãm sự hình thành vốn, đầu tư và việc làm. Các chính sách tài khóa và tiền tệ chỉ có thể đem lại giải pháp tình thế và tác dụng của chúng sẽ giảm dần theo thời gian. Còn vấn đề mang tính cấu trúc phải được giải quyết bằng biện pháp mang tính cấu trúc tương ứng. Với việc áp dụng lãi suất âm và cải cách cấu trúc chưa được thực hiện, triển vọng phục hồi của Nhật Bản đang bị đánh giá là ngày càng xa vời.

Ngày 29/1, Ngân hàng Trung ương Nhật bản (BOJ) đã làm “choáng váng” thị trường toàn cầu khi tuyên bố sẽ áp dụng mức lãi suất âm đối với một phần các khoản tiền mà các định chế tài chính gửi tại ngân hàng này. Trên lý thuyết, lãi suất âm không có rủi ro, tuy nhiên, chúng đang che đậy một thực tế hoàn toàn trái ngược là gây ra áp lực tài chính cho thị trường.

Trong một cuốn sách viết về những thất bại của Nhật Bản khi thực thi chính sách lãi suất âm, tác giả Reiko Tokukatsu, chiến lược gia của Ngân hàng BNP Paribas tại Tokyo cho rằng, lợi suất trái phiếu ở mức thấp hơn lạm phát đang khiến gánh nặng nợ dồn lên vai thế hệ tương lai, trong khi để cho các công ty “xác sống” tiếp tục có cơ hội tồn tại. Điều này đang mâu thuẫn với mục tiêu ban đầu khi BOJ quyết định áp dụng cơ chế lãi suất âm là phục hồi nền kinh tế và “lành mạnh hóa” khối doanh nghiệp.

Theo ông Tokukatsu, chỉ có Chính phủ là đối tượng chủ yếu được lợi từ chính sách tiền tệ nới lỏng bởi chi phí lãi vay và gánh nặng nợ công giảm. Còn trên thực tế, trong khi BOJ đặt niềm tin rằng mức lãi suất dưới 0 sẽ giảm chi phí đi vay, kích thích nhu cầu đi vay cũng như đầu tư thay vì giữ tiền, thì người dân lại đang có xu hướng ngược lại.

Vậy hiện tại lãi suất âm có ý nghĩa gì đối với kinh tế Nhật Bản, nó có gì khác với tình trạng tương tự ở châu Âu? Như tờ Wall Street Journal từng viết, “Cuộc phiêu lưu trong vùng lãi suất tiêu cực của châu Âu mới chỉ bắt đầu và còn cách đích đến khá xa. Lãi suất tiêu cực mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) áp dụng giúp làm giảm giá trị đồng Euro, lạc quan hóa mọi chuyện đối với nhà xuất khẩu và hàng hóa của họ vì chúng trở nên rẻ hơn trong mắt người mua nước ngoài.

Tuy nhiên nền kinh tế châu Âu vẫn tăng trưởng rất thấp và lạm phát vẫn mắc kẹt ở mức gần 0”. Đáng tiếc là nội dung trên nghe có vẻ quen thuộc đối với những nhà quan sát kinh tế Nhật Bản trong thời gian qua. Mục đích của BOJ cũng giống của ECB, tuy nhiên, khi đồng nội tệ yếu có tạo ra tác động như mong muốn hay không và lãi suất âm có đủ sức để kích thích kinh tế còn là những câu hỏi có thể trả lời ngay được.

Kết quả “đo” được sau khi Nhật Bản áp dụng lãi suất âm là thị trường chứng khoán lao dốc và tăng trưởng GDP tiếp tục bị co hẹp lại. Đây là số liệu đáng thất vọng đối với Thủ tướng Shinzo Abe và Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda, khi điều này tiếp tục chứng minh nền kinh tế vẫn đang lún sâu vào suy thoái.

Khi những mũi tên đã bắn

Như vậy, kích thích tiền tệ không tạo ra phép màu. Một số chuyên gia cho rằng, Tokyo cần sử dụng một lúc cả “ba mũi tên - chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và tái cấu trúc nền kinh tế” của Abenomics để vực dậy nền kinh tế. Tuy nhiên, ba mũi tên có thể làm nên điều kỳ diệu đã “rơi rụng” theo các cách khác nhau và có vẻ như Nhật Bản vẫn chưa thể tìm thấy lối thoát cho ba thập kỷ mất mát của mình.

Mũi tên thứ nhất được cho là đã trúng đích, ít nhất là trong ngắn hạn với những kết quả khả quan từ hoạt động xuất khẩu, nền kinh tế đạt được một số chỉ tiêu nhất định. Tuy nhiên, mũi tên thứ hai đã chệch hướng. Thay vì sử dụng chính sách tài khóa để giảm thuế và kích cầu, Nhật Bản lại tăng thuế tiêu dùng, làm phanh lại đột ngột nền kinh tế vốn trì trệ. GDP của Nhật Bản lập tức giảm 1,9% trong quý II/2014 và giảm thêm 0,6% trong quý III cùng năm. 

Còn mũi tên thứ ba được cho là chưa bao giờ được bắn ra. Cải cách cấu trúc tức là phải giải quyết được các vấn đề như nhập cư, vai trò của phụ nữ trong lực lượng lao động, cải thiện hiệu suất của mạng lưới phân phối bán lẻ và xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng… Mũi tên này có vai trò sống còn vì cải cách cấu trúc là giải pháp dài hạn duy nhất giải quyết tình trạng nền kinh tế ảm đạm kéo dài.

Kết quả là, sau ba năm thực thi chính sách Abenomics, kinh tế Nhật Bản vẫn tăng trưởng chậm chạp, chi tiêu hộ gia đình chưa tạo động lực hỗ trợ tăng trưởng và xuất khẩu vẫn còn thấp trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy yếu.

Theo số liệu điều chỉnh mới nhất được Văn phòng nội các Nhật Bản công bố ngày 8/3, GDP Quý IV/2015 của nước này giảm 1,1% so với quý trước, khả quan hơn so với dữ liệu công bố trước đó (giảm 1,4%). Tuy nhiên, trong ba quý vừa qua, kinh tế Nhật Bản đã hai lần rơi vào tăng trưởng âm. Điều đó cho thấy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang rất khó khăn để trở lại con đường tăng trưởng bền vững.