Nhật Bản là minh chứng cho thấy rằng tương lai của châu Á không nhất thiết phải phụ thuộc vào các siêu cường như Mỹ hay Trung Quốc. (Nguồn: Getty) |
Trong giai đoạn hiện nay, sẽ là lỗi thời nếu các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách chỉ coi quan hệ quốc tế khu vực châu Á về cơ bản là cuộc đấu tranh giành quyền lực Mỹ-Trung. Bên cạnh cuộc đua tranh của các siêu cường, các cường quốc bậc trung đang đóng vai trò ngày càng quan trọng và mang tính xây dựng trong việc định hình tương lai châu Á.
Có thể nói không cường quốc bậc trung nào tại châu Á là quan trọng như Nhật Bản. Điều này đặc biệt đúng ở Đông Nam Á, nơi Nhật Bản không chỉ là nguồn đầu tư cơ sở hạ tầng hàng đầu và hỗ trợ phát triển (ODA) mà còn nhận được những thiện chí to lớn của cả các nhà lãnh đạo cũng như công chúng trong khu vực.
Trong khi vẫn duy trì sự trung thành về mặt pháp lý với Hiến pháp hòa bình (không có quân đội) của mình, Nhật Bản cũng đã dần trở thành nguồn hỗ trợ an ninh hàng hải quan trọng cho các nước Đông Nam Á đang phát triển.
Đối tác hàng đầu của Philippines
Mối quan hệ Nhật Bản-Philippines có thể là minh chứng sống động nhất. Bất chấp những thay đổi khác trong chính sách đối nội và đối ngoại của mình trong những năm gần đây, Manila đã hết lòng coi Tokyo như một đối tác quan trọng cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực.
Sau thất bại trong Thế chiến thứ II, phát xít Nhật đầu hàng và Nhật Bản từ bỏ vị thế đế quốc rồi trở thành cường quốc kinh tế trong những năm 1970 và 1980.
Tuy nhiên, cuộc suy thoái kéo dài vào đầu thế kỷ đã làm giảm vị thế toàn cầu của Nhật Bản và tạo điều kiện cho sự nổi lên của Trung Quốc như một cường quốc ưu việt hơn ở châu Á.
Mặt khác, Điều 9 của Hiến pháp thời hậu chiến đã cấm Nhật Bản có quân đội hay phục vụ mục đích quân sự, mà chỉ được áp dụng chính sách quốc phòng.
Mặc dù vậy, Nhật Bản vẫn là một thế lực cần được cân nhắc đến.
Đây là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, có lực lượng hải quân tiên tiến ở châu Á và sở hữu nhiều tập đoàn sản xuất lớn.
Trong thập kỷ qua, chính quyền cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã giám sát quá trình chuyển đổi đất nước thành một cường quốc tầm trung trong khu vực.
Mặc dù thiếu sức mạnh chính trị, quân sự và ngoại giao để vươn lên tầm siêu cường như Mỹ, nhưng Nhật Bản vẫn tích cực đóng góp vào hòa bình và ổn định khu vực, tăng cường liên minh với các cường quốc cùng chí hướng trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và từng bước phát triển khả năng tự vệ trong bối cảnh căng thẳng hàng hải gia tăng ở châu Á.
Và Philippines đã trở thành nước ủng hộ chính cho vai trò mới của Nhật trong khu vực.
Chính sách đối ngoại của Philippines trong giai đoạn gần đây là sự mâu thuẫn về mối quan hệ với Trung Quốc của hai đời tổng thống.
Trong khi chính quyền cựu Tổng thống Benigno Aquino III là người ủng hộ trung thành việc mở rộng dấu chân quân sự của Mỹ ở châu Á để đối phó với tham vọng của Trung Quốc, thì chính quyền kế nhiệm của ông Rodrigo Duterte lại đặt câu hỏi về các nguyên tắc cơ bản của liên minh với Mỹ nhằm ủng hộ mối quan hệ nồng ấm hơn với Trung Quốc.
Mặc dù cả hai nhà lãnh đạo Philippines có nhiều khuynh hướng và chiến lược khác biệt, nhưng có một điểm chung là đều theo đuổi tăng cường mối quan hệ với Nhật Bản.
Trong suốt nhiệm kỳ của mình, hai vị Tổng thống Philippines đã nhiều lần đến thăm Tokyo, nhấn mạnh ưu tiên mà họ dành cho quan hệ Philippines-Nhật Bản.
Trong bài phát biểu vào năm 2015, ông Aquino đã cảm ơn Nhật Bản vì đã "hỗ trợ kích thích và duy trì tăng trưởng kinh tế Philippines” và "tăng cường khả năng phục hồi sau thảm họa của Philippines.”
Còn Tổng thống Duterte đã ca ngợi Nhật Bản là “một người bạn thân thiết hơn một người anh em” và “một người bạn không giống bất kỳ nước nào” hay “một tình bạn đặc biệt mà giá trị của nó vượt xa mọi thước đo”.
Ba mặt trận quan trọng
Đổi lại, các nền kinh tế Đông Nam Á như Philippines là một phần không thể thiếu trong chiến lược đa dạng hóa đầu tư của Nhật Bản. Có lẽ nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, khu vực này là nơi Tokyo đã tìm thấy những đối tác có thể ủng hộ chính sách đối ngoại và quốc phòng của mình.
Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã đóng một vai trò không thể thiếu và mang tính xây dựng trong khu vực trên ba mặt trận quan trọng.
Một là, xây dựng và duy trì các mối quan hệ với các nước ở Đông Nam Á. Điều này rất quan trọng và là yếu tố giúp Nhật tăng tốc trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc ở khu vực.
Với nhiều nét tương đồng, tăng cường quan hệ với các nước khu vực Đông Nam Á cũng thuận lợi hơn cho Nhật Bản so với các nước phương Tây, vốn có nhiều bất đồng về các vấn đề nhân quyền và dân chủ.
Ví dụ, thay vì chỉ trích hoặc tán thành với chủ trương trấn áp tội phạm ma túy mạnh tay của Tổng thống Duterte, Nhật Bản đẩy mạnh hỗ trợ cơ sở khoa học và sức khỏe cộng đồng, chẳng hạn như việc thành lập các cơ sở cai nghiện ma túy ở Philippines.
Đồng thời, Tokyo trở thành trung gian kết nối trong giai đoạn căng thẳng giữa ông Duterte và cựu Tổng thống Donald Trump.
Hai là, cung cấp một giải pháp thay thế khả thi cho sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
Tại Philippines, Nhật Bản đã tham gia vào nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn, bao gồm dự án tàu điện ngầm đầu tiên ở Metro-Manila cũng như dự án đường sắt đi lại Bắc Nam, kết nối các trung tâm công nghiệp lớn của đất nước.
Gần đây, Nhật Bản cũng bắt tay với các cường quốc Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ cao cho khu vực, đặc biệt là trong lĩnh vực viễn thông 5G và trí tuệ nhân tạo. Ngoài ra, xứ sở mặt trời mọc cũng tạo ra mối yên tâm về quản trị cũng như tạo nhiều công ăn việc làm cho các quốc gia trong khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kenji Wakamiya trong lễ chuyển giao máy bay huấn luyện của Nhật Bản cho Hải quân Philippines hồi tháng 3/2017. (Nguồn: Reuters) |
Ba là, hỗ trợ tăng cường an ninh hàng hải. Trong những năm gần đây, Nhật Bản hỗ trợ một số quốc gia Đông Nam Á như Philippines, Malaysia, Indonesia... phát triển khả năng giám sát và phòng thủ trên biển.
Nhật Bản đã tặng cho Philippines khoảng 10 tàu tuần tra tiên tiến cũng như máy bay trinh sát TC-90. Theo thỏa thuận quốc phòng trị giá 100 triệu USD, Nhật Bản dự kiến sẽ xuất khẩu hệ thống radar hàng không cho Philippines, với các tàu tuần tra lớn hơn do Nhật Bản sản xuất dự kiến vào năm tới.
Với Indonesia, Nhật cũng hoàn tất một thỏa thuận quốc phòng mới nhằm tăng cường khả năng an ninh hàng hải của nước này.
Tựu trung, sự có mặt của cường quốc bậc trung Nhật Bản sẽ khiến quan hệ ở châu Á trở nên đa dạng hơn và cho thấy rằng tương lai của khu vực này không nhất thiết phải phụ thuộc vào các siêu cường như Mỹ hay Trung Quốc.
* Bài viết của học giả người Philippines Richard Javad Heydarian, chuyên gia về các vấn đề địa chính trị và kinh tế châu Á, tác giả của nhiều sách nghiên cứu, trong đó có The Rise of Duterte: A Populist Revolt against Elite Democracy, The Indo-Pacific: Trump, China and the New Struggle for Global Mastery...