Nghịch lý nông thôn – thị thành
Đối với những du khách nước ngoài đến các thành phố đông đúc của nước Nhật hay cư dân ở các thành phố lớn thì để có một chỗ ở “tươm tất” không phải là điều dễ dàng.
Tuy nhiên, điều này trái ngược hoàn toàn với thực tế là: có khoảng 8,2 triệu ngôi nhà trống trên toàn nước Nhật. Nguyên nhân của vấn đề này là do già hóa dân số, tỷ lệ sinh giảm cũng như làn sóng di cư hàng loạt của các thanh niên trẻ đổ về các thành phố làm việc. Những ngôi nhà bị bỏ hoang ở nhiều vùng nông thôn, gọi là akiya trong tiếng Nhật, đang thực sự trở thành một vấn đề nan giải đối với nhà chức trách.
Trong 6 tỉnh thành lớn của vùng Kansai, bao gồm Osaka, Kyoto, Nara, Hyogo, Shiga và Wakayama, vấn đề không đến mức báo động như ở nơi khác. Tuy nhiên, những tỉnh như Hyogo, thậm chí cả các thành phố như Kyoto và Nara, đang tăng cường áp dụng các biện pháp nhằm giảm số lượng các ngôi nhà bỏ trống, bao gồm cả cung cấp các khoản trợ cấp cho chủ sở hữu.
Có khoảng 8,2 triệu ngôi nhà trống trên toàn nước Nhật. (Nguồn: Japan Times) |
Một cuộc khảo sát năm 2013 của chính quyền trung ương cho thấy, 18,1% ngôi nhà của tỉnh Wakayama, bao gồm căn hộ chung cư cao tầng, chính thức được coi là nhà hoang - tỷ lệ cao nhất trong số 6 tỉnh của vùng Kansai. Tỉnh Osaka có 14,8% ngôi nhà trống, trong khi con số của tỉnh Nara đứng ở mức 13,85% . Kyoto có số nhà trống ở mức 13,3%, Hyogo là 13% và Shiga là 12,9%.
Trong khi đó, có 11,1 % ngôi nhà ở Tokyo bị bỏ trống năm 2013 và tỷ lệ trung bình đối với 47 tỉnh trên toàn quốc là 13,5.%.
Trợ cấp hào phóng
Tỉnh Hyogo đưa ra nhiều biện pháp để đưa dân đến sinh sống trong những ngôi nhà bỏ hoang của tỉnh. Họ sửa sang lại ngôi nhà trống để sinh sống, kinh doanh hoặc sử dụng cho các mục đích giao lưu cộng đồng. Nếu người đến ở đồng ý để sử dụng chúng trong ít nhất 10 năm sẽ đủ điều kiện để nhận các khoản trợ cấp.
Các quỹ này có thể chi 1/3 đến một nửa chi phí cho một cuộc “đại tu” cơ bản, tùy thuộc vào mục đích của việc tu sửa. Đối với các căn nhà được sửa để ở hoặc kinh doanh, có thể nhận được khoảng 3 triệu Yen tiền trợ cấp. Đối với mục đích trao đổi cộng đồng, khoản tiền trợ cấp có thể lên đến 1 triệu Yen. Đôi khi, tiền trợ cấp có thể không được chi vào mục đích như chủ sở hữu mong muốn mà phải theo quyết định của nhà chức trách, chẳng hạn chỉ có thể dùng khoản tiền đó để lắp đặt nhà vệ sinh hiện đại hoặc để chống lại các tác động xấu của thời tiết.
Tuân thủ luật pháp
Ngoài các điều kiện nêu trên, những người nhận được trợ cấp được yêu cầu phải tuân thủ luật pháp và các quy định khác liên quan.
Ví dụ, nếu chủ sở hữu căn nhà muốn mở một nhà hàng hay một cửa hàng bán sản phẩm địa phương, việc tuân thủ nghiêm túc Luật Nông nghiệp là điều kiện tiên quyết.
Với những người có ý định kinh doanh dịch vụ lưu trú, việc tuân thủ Luật Kinh doanh khách sạn là điều kiện bắt buộc. Quy định này được nhấn mạnh trong bối cảnh xuất hiện nhiều cơ sở kinh doanh du lịch minpaku (hình thức homestay) bất hợp pháp.
Tại thành phố Kyoto, lượng khách du lịch tăng cùng với tình trạng thiếu khách sạn đã dẫn đến sự nở rộ của hình thức minpaku, cả hợp pháp và bất hợp pháp. Điều này nguyên nhân là do nguồn cung cấp nhà và căn hộ trống ở đây ngày càng phong phú, cho phép đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các du khách đi nghỉ ngắn hạn.
Ở một số nơi của thành phố Higashiyama, khu vực có các khu du lịch nổi tiếng như đền Yasaka, khu tham quan Gion và đền Kiyomizu, 22,5% căn hộ và nhà được chính thức niêm yết là akiya trong năm 2013, tỷ lệ cao nhất trong tỉnh.
Trong khi Kyoto từ lâu đã có nhiều hình thức hỗ trợ cho những người chuyển về ở các ngôi nhà trống, các vấn đề liên quan đến khách du lịch lưu trú tại nhà trống và các tòa nhà chung cư đang gây đau đầu. Thành phố đã đưa ra các biện pháp quản lý các ngôi nhà được sử dụng cho mục đích lưu trú bất hợp pháp nhưng vấn đề không có dấu hiệu giảm.
"Hiện nay, 118 ngôi nhà thuộc quyền quản lý của chúng tôi, trong đó có một nửa nhà và căn hộ được đăng ký mục đích sử dụng là sinh sống", Chiaki Tanigaki, người đại diện cho một tổ chức phi lợi nhuận Kyoto được thành lập để quản lý tốt hơn các cơ sở nhà ở các khu vực Kyoto và Shiga.
Nhiều căn nhà ở Nhật bị đóng cửa từ hàng chục năm nay. (Nguồn: Bloomberg) |
"Gần đây, một số trong số các ngôi nhà đã được dùng làm cơ sở riêng cho du khách, đặc biệt là những nhà nằm gần các đền thờ nổi tiếng và ngôi chùa thu hút nhiều khách du lịch. Nhiều người trong số các chủ sở hữu, là người nước ngoài hoặc người Nhật, không thực sự cư trú tại các căn hộ của mình và quảng cáo chúng với hình thức minpaku trên Internet", Tanigaki nói.
Nara tìm lối đi riêng
Theo quy hoạch mới công bố vào cuối tháng Tám, thành phố Nara sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính lên đến 4 triệu Yen cho những chủ nhà muốn sửa sang lại ngôi nhà bỏ trống của mình cho mục đích giúp đỡ phát triển cộng đồng.
Nara cung cấp các khoản trợ cấp với hy vọng tạo thêm nhiều cơ sở lưu trú, nhà hàng, cửa hàng bán thực phẩm được sản xuất tại địa phương, cũng như làm các cơ sở thể thao, phòng trưng bày nghệ thuật và các trung tâm học tập thực hành, đặc biệt là các trung tâm dành cho trẻ em.
"Một cuộc khảo sát năm ngoái cho thấy, có tới 2.722 ngôi nhà bị bỏ trống”, Hitomi Hirata, một quan chức phụ trách quảng bá thương hiệu của thành phố Nara cho biết. "Chúng tôi đang xem xét đơn của những người nộp đơn xin trợ cấp và sẽ đưa ra quyết định vào tháng 11".
Theo một nghiên cứu năm ngoái của Viện Nghiên cứu Nomura dự đoán, số lượng nhà và các tòa nhà chung cư trống trên toàn quốc sẽ tăng vọt lên 21,5 triệu vào năm 2033, từ 8,2 mức triệu vào năm 2013. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng không hề dễ dàng để thuyết phục những người già đã sống lâu năm ở thành phố về sống ở những căn nhà bỏ hoang ngày càng đang nhiều lên.
Trong khi đó, cho dù mức hỗ trợ tài chính tăng lên cùng các biện pháp khác có thể dịch chuyển một số người về sống ở nông thông nhưng việc làm thế nào để họ “châm ngòi” cho tái thiết kinh tế địa phương là một câu hỏi khác hoàn toàn.