📞

Nhật Bản – Hàn Quốc: Bất ổn ngoài để trong yên

Dịch Dung 16:01 | 14/08/2019
TGVN. Nhật Bản – Hàn Quốc đang “ăn miếng trả miếng” nhau về thương mại. Nguyên nhân bất hòa bắt nguồn từ quá khứ lịch sử. Tại sao câu chuyện này lại được khơi lại và trở nên thời sự? Phân tích của Báo Thế giới & Việt Nam.
Hai bên để cho chuyện bất hoà vì quá khứ lịch sử lây lan thành xung khắc thương mại. Biếm họa của Park Yong-Seok. (Nguồn: Korea Joongang Daily)

Mối bất hoà giữa Nhật Bản và Hàn Quốc về chuyện xảy ra trong quá khứ lịch sử đã làm nảy sinh cuộc xung khắc thương mại hiện tại. Chuyện quá khứ lịch sử là những tội lỗi mà quân đội thực dân và phát xít Nhật Bản đã gây ra khi xâm lược, chiếm đóng và đô hộ bán đảo Triều Tiên trong nửa đầu của thế kỷ trước mà nhạy cảm nhất về mọi phương diện đối với cả hai bên là việc phụ nữ Triều Tiên bị quân đội Nhật Bản cưỡng bức làm nô lệ tình dục.

Hồi đầu tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã phản ứng việc Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nêu lại yêu cầu đòi phía Nhật Bản xử lý thoả đáng chuyện quá khứ này bằng quyết định hạn chế và kiểm soát xuất khẩu sang Hàn Quốc một số sản phẩm của Nhật Bản có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn công nghệ cao của Hàn Quốc. Sau đấy, chính phủ Nhật Bản loại Hàn Quốc ra khỏi cái gọi là "Danh sách trắng" bao gồm các đối tác được Nhật Bản ưu đãi trong quan hệ hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại.

Mới đây, phía Hàn Quốc cũng quyết định chấm dứt mọi chính sách ưu đãi đối với Nhật Bản. Chuyện quá khứ lịch sử hiện phủ bóng đen xuống quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước như thế.

Nhật Bản - Hàn Quốc mưu tính gì?

Bất đồng quan điểm giữa hai nước này về chuyện quá khứ lịch sử vốn không mới mẻ và lạ lẫm gì đối với thế giới bên ngoài. Nhưng từ những diễn biến liên quan trong thời gian vừa qua lại thấy có 3 điều rất đáng được chú ý, bởi nếu suy xét chúng thì có thể nhận diện được mưu tính và mục đích của từng bên cũng như có thể dự đoán được triển vọng chuyện này trong tương lai.

Thứ nhất là bất hoà lại trở nên thời sự sau khi có sự thay đổi tổng thống ở Hàn Quốc. Ông Abe có lý do để không hài lòng khi ông Moon Jae-in thời sự hoá chuyện quá khứ lịch sử này. Xưa nay, quan điểm chung của các thời chính phủ ở Nhật Bản là phía Nhật Bản đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm cả pháp lý lẫn đạo lý về những gì đã gây ra trên bán đảo Triều Tiên trong quá khứ bằng những xác nhận và cam kết về chính trị cũng như bồi thường vật chất khi Nhật Bản và Hàn Quốc thoả thuận thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức năm 1965. Ngoài ra, năm 2015, chính ông Abe đã cùng tổng thống Hàn Quốc khi ấy là bà Park Geun-hye, người tiền nhiệm trực tiếp của ông Moon Jae-in, ký kết thoả thuận mới xử lý dứt điểm chuyện này.

Ông Moon Jae-in cho rằng, thoả thuận ấy vừa quá vội vàng vừa chưa thoả đáng đối với Hàn Quốc và đòi Nhật Bản xử lý lại với Hàn Quốc, nhưng không đưa ra yêu cầu hay điều kiện gì cụ thể mà phía Nhật Bản phải đáp ứng ngoài đòi hỏi Nhật Bản giải quyết lại vấn đề. Ông Abe bị đẩy vào tình thế khó xử vì nếu đáp ứng yêu cầu của ông Moon Jae-in thì sẽ gặp khó khăn lớn trong nội bộ giữa lúc đang cần phải gây dựng, củng cố và tăng cường sự thống nhất trong nội bộ ở Nhật Bản để yên ổn cầm quyền và thực hiện tham vọng lớn về sửa đổi cơ bản hoặc thay đổi hiến pháp hiện hành ở Nhật Bản. Hơn nữa, nếu nhượng bộ ông Moon Jae-in thì ông Abe sẽ tạo tiền lệ có thể vô cùng tai hại đối với Nhật Bản trong tương lai khi không thể loại trừ được kịch bản người kế nhiệm ông Moon Jae-in ở Hàn Quốc rồi cũng sẽ lại lật ngược mọi thoả thuận có thể đạt được giữa ông Moon Jae-in và ông Abe liên quan đến chuyện quá khứ lịch sử này.

Thứ hai, mối bất hoà này xưa nay tuy luôn phủ bóng đen xuống quan hệ chính trị giữa hai nước nhưng chưa khi nào ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp tới quan hệ hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại giữa hai bên như hiện tại. Điều này là điềm rất không lành cho toàn bộ quan hệ song phương giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, cho thấy, nếu chuyện quá khứ lịch sử kia không được nhanh chóng giải quyết ổn thoả thì rồi đây sẽ còn thêm cả những lĩnh vực quan hệ song phương khác bị vạ lây.

Thứ ba, bản "Danh sách trắng" của Nhật Bản có từ lâu và Hàn Quốc là đối tác duy nhất trong danh sách ấy, tức là Hàn Quốc giờ bình đẳng với tất cả các đối tác kinh tế và thương mại khác của Nhật Bản. Và Nhật Bản là nước duy nhất trong danh sách Hàn Quốc mới dựng nên cho những đối tác kinh tế và thương mại không được Hàn Quốc đối xử bình đẳng như những đối tác khác do "hệ thống kiểm soát xuất khẩu của những đối tác này không phù hợp với những nguyên tắc và tiêu chí quốc tế về kiểm soát xuất khẩu".

Nhật Bản - Hàn Quốc rồi sẽ đi về đâu?

Nhật Bản chuyển từ dành ưu đãi sang bình đẳng trong khi Hàn Quốc chuyển từ đối xử bình đẳng sang phân biệt đối xử. Cách thức đối xử có khác nhau nhưng cả hai bên đều không cấm xuất khẩu, đều không áp thuế quan bảo hộ mà thật ra chỉ kéo dài thời gian xử lý thủ tục cho phép xuất khẩu. Tuy là láng giềng của nhau nhưng kinh tế hai nước này ít gắn kết với nhau, kim ngạch trao đổi thương mại thấp và mức độ tuỳ thuộc lẫn nhau về kinh tế, thương mại và đầu tư không cao.

Từ đó có thể nhận thấy, cả hai bên để cho chuyện bất hoà vì quá khứ lịch sử lây lan thành xung khắc thương mại nhưng chủ ý không để quan hệ hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại song phương bị ảnh hưởng tiêu cực ngay và nhiều. Bên nào cũng dùng chuyện này để thể hiện sự kiên định quan điểm. Ông Abe và ông Moon Jae-in cần và dùng sự thể hiện kiên định quan điểm này để tranh thủ nội bộ và đều chơi con bài chủ nghĩa dân tộc. Họ chủ ý dùng sự bất ổn bên ngoài này để giữ bên trong được yên.

Ở Hàn Quốc, ông Moon Jae-in vừa đưa ra kế hoạch đầu tư hơn 6 tỷ USD để thực hiện một gói những biện pháp nhằm giảm sự lệ thuộc của Hàn Quốc vào cung ứng nguyên vật liệu từ Nhật Bản. Nhật Bản cho biết sẽ có sự đáp trả mới. Xem ra, hai bên không những chưa sẵn sàng cùng nhau xử lý mắc mớ cũ và mới này mà còn chủ ý tiếp tục duy trì nó trong thời gian tới.

Dịch Dung