Đảm nhận vị trí Chủ tịch CPTPP năm nay, Nhật Bản đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. (Nguồn: news.cgtn.com) |
Dù ông Abe Shinzo đã từ chức và ông Suga Yoshihide, một người chưa có nhiều kinh nghiệm về ngoại giao lên nắm quyền lãnh đạo đất nước, Nhật Bản một lần nữa trở lại vai trò then chốt trong việc duy trì lợi thế cho Mỹ trên mặt trận thương mại chống lại sự sự ảnh hưởng của Trung Quốc.
Vai trò dẫn dắt của Nhật Bản
Ông Abe được ghi nhận là người đã "cứu vãn" Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận thương mại này. Ông đã góp phần định hình lại TPP thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) gồm 11 quốc gia.
Giờ đây, mọi con mắt đang đổ dồn vào Thủ tướng Suga, bởi Nhật Bản đảm nhận vai trò Chủ tịch CPTPP năm nay, để xem Tokyo sẽ làm gì để có thể cân bằng, vừa thúc đẩy thương mại tự do vừa giúp khu vực chống lại sự chi phối ngày càng tăng của Trung Quốc trước một nước Mỹ đang bị phân tâm.
Trong cuộc tranh giành quyền lực trên nhiều mặt trận giữa Trung Quốc và Mỹ, thương mại vừa là đấu trường, vừa là vũ khí và là công cụ để các nước khẳng định ảnh hưởng đối với các nước khác.
Các đòn bẩy rất nhiều và đa dạng, từ thuế quan đến kiểm soát xuất khẩu cho tới tầm quan trọng tuyệt đối của việc nước này là người mua hàng lớn nhất đối với các mặt hàng xuất khẩu của nước kia.
Các nước ngày càng nhận thức rõ tác động của những đòn bẩy này, nhất là khi Trung Quốc đã sử dụng chúng như một vũ khí chính sách đối ngoại chống lại Na Uy, Hàn Quốc và gần đây nhất là Australia.
Và các biện pháp thuế quan là “cây gậy” ưa thích của Tổng thống Trump chống lại Trung Quốc, thậm chí cả các đồng minh của Mỹ.
Trong một môi trường như vậy, như nhà kinh tế Fukunari Kimura thuộc trường Đại học Keio nhận xét: “Thương mại đang dần dần bị chi phối bởi những vấn đề ‘an ninh quốc gia’ được xác định một cách mơ hồ”.
Điều mà Thủ tướng Suga sẽ phải đối phó là một Trung Quốc đang ngày càng trở nên mạnh hơn trên tất cả các mặt trận. Quốc gia này được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2028, sớm hơn 5 năm so với những dự báo trước đó.
Trong khi Mỹ, bị tác động nặng nề bởi dịch Covid-19 và bị xáo trộn bởi những rắc rối trong nội bộ, sẽ có thời gian đầy khó khăn để tập trung đầy đủ vào việc hàn gắn các mối quan hệ có phần “lạnh nhạt” mà ông Trump để lại.
Ngay sau khi lên nắm quyền, ông Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi TPP mà người tiền nhiệm của ông là Barack Obama đã xây dựng. Đối với ông Obama, TPP còn hơn cả một hiệp ước thương mại, đây còn là một công cụ chiến lược của các nền kinh tế có cùng tư tưởng để chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Với việc Mỹ rút khỏi hiệp định thương mại tự do Vành đai Thái Bình Dương mà nước này thiết lập, Washington sẽ không thể thực hiện vai trò lãnh đạo trong cuộc đối đầu với Trung Quốc trên đấu trường thương mại khu vực. Giờ đây, mọi việc sẽ phụ thuộc vào ông Suga với tư cách là “người gác cổng” cho tới khi Mỹ sẵn sàng gia nhập trở lại.
Đây sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng đối với vị Thủ tướng Nhật Bản, vì thứ nhất, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không thể có số vốn chính trị để giành thắng lợi trước một bộ phận cử tri đã trở nên ngày càng “dè chừng” với các hiệp định thương mại tự do mở rộng.
Thứ hai, Trung Quốc đang hành động rất nhanh để lấp vào chỗ trống mà Mỹ để lại. Vừa ký xong hiệp định thương mại lớn nhất thế giới là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) gồm 15 quốc gia, Bắc Kinh đã bày tỏ sự quan tâm gia nhập CPTPP.
Tính toán của Tokyo
Nhật Bản vẫn tỏ ra băn khoăn bất chấp tín hiệu tích cực từ việc RCEP - chiếm 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, bao gồm 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng với Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc được ký kết.
Sự lo lắng của Nhật Bản bắt nguồn từ sự thiếu vắng Ấn Độ, vốn đã cản trở việc ký kết thỏa thuận lớn này vì những lý do trong nước.
Nhật Bản đã hy vọng rằng Ấn Độ, với sức ảnh hưởng của mình, sẽ là một đối tác then chốt trong việc ngăn chặn Bắc Kinh chi phối RCEP và trong việc định hình lại Hiệp định theo những mục tiêu của riêng mình.
Nhà đàm phán thương mại TPP của Nhật Bản Naoko Munakata đã phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Asahi Shimbun vào tháng 12/2020 rằng, bà coi nỗ lực gia nhập CPTPP của Trung Quốc là “chiến lược để tận dụng lợi thế”, khi Mỹ đang vướng vào những rắc rối trong nước đến mức không chú ý đến những diễn biến thương mại của châu Á.
Tin liên quan |
Vì sao Trung Quốc mong muốn tham gia CPTPP? |
Theo Tiến sỹ Heng Yee Kuang, chuyên gia nghiên cứu về sức mạnh mềm và các vấn đề an ninh thuộc Đại học Tokyo, một ưu tiên then chốt đối với Nhật Bản trên cương vị Chủ tịch CPTPP năm nay là đảm bảo chắc chắn rằng Trung Quốc không lấp đầy được khoảng trống mà chính quyền Mỹ để lại.
Trong vai trò Chủ tịch, Nhật Bản có thể nhấn mạnh việc duy trì các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Hiệp định trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, quyền sở hữu trí tuệ và các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước mà Bắc Kinh có thể không đáp ứng được.
Đối với mối quan tâm của Bắc Kinh muốn gia nhập CPTPP, ông Suga đã phát đi tín hiệu rằng vấn đề này ở mức thấp trong những ưu tiên của Nhật Bản. Ông lưu ý rằng Hiệp định có 11 thành viên, “các nước mới không thể gia nhập nếu không được sự đồng ý của họ. Chúng tôi sẽ suy nghĩ một cách chiến lược và sẽ có phản hồi”.
Nhật Bản có lý do để thận trọng. Năm 2001, việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được dựa trên tiền đề là nước này sẽ trở thành một “cổ đông” có trách nhiệm tuân thủ các chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, điều đó đã không diễn ra.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Nhật Bản không tin rằng Trung Quốc sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn của CPTPP.
Bà Munakata đánh giá: “Nếu Trung Quốc gia nhập CPTPP, việc giảm thuế quan cho xuất khẩu sang thị trường khổng lồ của nước này dường như là điều hấp dẫn. Tuy nhiên, một khi các nguyên tắc của CPTPP được nới lỏng nhằm tìm kiếm những lợi ích ngắn hạn, lực đòn bẩy để buộc Trung Quốc phải cải cách thị trường sẽ mất đi vĩnh viễn”.
Hiện CPTPP đã có hiệu lực với 7 trong 11 nước thành viên đã phê chuẩn hiệp định. Chuyên gia nghiên cứu cấp cao Viện nghiên cứu Mizuho, Junichi Sugawara, lưu ý rằng, những ưu tiên của Nhật Bản sẽ là thuyết phục 4 quốc gia còn lại (Brunei, Chile, Malaysia, Peru) vượt qua sự phản đối trong nước để phê chuẩn Hiệp định.
Một ưu tiên khác của Nhật Bản sẽ là mở rộng tư cách thành viên CPTPP theo "hướng ưa thích" của mình. Tiến sỹ Kimura lưu ý đây là ưu tiên cao nhất của Nhật Bản.
Theo ông, Nhật Bản coi sự lớn mạnh của câu lạc bộ CPTPP là công cụ để tăng cường những tiêu chuẩn cao hơn của tự do hóa và thiết lập nguyên tắc được hình thành bởi dàn xếp thương mại tự do, cũng như mở đường cho một liên minh quyền lực trung lưu ủng hộ thương mại.
| Anh thể hiện quyết tâm gia nhập CPTPP TGVN. Ngày 10/9, Anh thảo luận với các nước thành viên của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương ... |
Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan đã bày tỏ sự quan tâm đến CPTPP, nhưng Anh mới là ứng cử viên có thể nhanh chóng trở thành thành viên của câu lạc bộ này dù quốc gia châu Âu không có vị trí địa lý gần Thái Bình Dương.
Theo Tiến sỹ Heng, Tokyo đang tìm cách thu hút sự hiện diện lớn hơn của Anh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ủng hộ tầm nhìn “Nước Anh toàn cầu”.
Nhật Bản là nước đầu tiên ký hiệp định thương mại tự do với Anh sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit), và mới đây Tokyo đã hoan nghênh kế hoạch của London phái một nhóm tác chiến tàu sân bay đến Tây Thái Bình Dương.
Tiến trình để Mỹ quay trở lại CPTPP sẽ mất nhiều năm. (Nguồn: Global Times) |
Mỹ có quay trở lại CPTPP?
Tiến sỹ Matt Gertken, chiến lược gia hàng đầu về địa chính trị thuộc tổ chức BCA ResearchGertken cho rằng, Mỹ sẽ không quá nhanh chóng quay trở lại CPTPP.
Ông nói: “CPTPP rõ ràng là về an ninh quốc tế - đây là một phần của chính sách 'xoay trục' của Mỹ sang châu Á, và đây là lý do chính giải thích tại sao cuối cùng Mỹ sẽ gia nhập trở lại, không giống như một số thỏa thuận thương mại khác không có thành phần chiến lược”.
Tin liên quan |
Mỹ sẽ quay lại CPTPP vì Trung Quốc? |
Tuy nhiên, các chuyên gia khác tin rằng, tiến trình này có thể sẽ mất nhiều năm, chứ không phải nhiều tháng, và sẽ liên quan đến việc xây dựng lại một cách thận trọng các mối quan hệ - và quan trọng nhất là lòng tin - giữa các nước CPTPP và Mỹ.
Ông Suga có kế hoạch đến Washington ngay trong tháng tới để gặp ông Biden, hy vọng tăng cường liên minh an ninh Mỹ-Nhật. CPTPP có khả năng sẽ được đề cập.
Tờ Yomiuri Shimbun nhận định, Nhật Bản có trách nhiệm “kiên trì giải thích cho Mỹ hiểu rằng sự tham gia của nước này vào CPTPP sẽ hữu ích trong việc kiềm chế Trung Quốc”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với tờ Jiji Press rằng, Tokyo hoan nghênh Mỹ quay trở lại khuôn khổ TPP.
Cách thức Nhật Bản quản lý phương hướng và thành phần của CPTPP rõ ràng sẽ có tác động vượt ra ngoài các thỏa thuận thương mại giữa 11 thành viên của khối.