Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình và Phu nhân thăm thành phố Miyako trong chuyến đi tháng 6/2011. |
Tháng 6/2011, ba tháng sau thảm họa, vợ chồng tôi cùng Thư ký Đại sứ Lê Hồng Hải và đại diện Thông tấn xã Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam đi thăm một số tỉnh đã chịu nhiều thiệt hại do thảm họa.
Chúng tôi đáp tàu cao tốc đi lên phía Đông Bắc, rồi đi ô tô men theo dải bờ biển. Mặc dù đã nhiều lần xem trên truyền hình nhưng khi chứng kiến tận mắt, chúng tôi mới thấy hết được sự khủng khiếp của thảm họa, con người chỉ như một chiếc lá mỏng manh giữa đại dương cuồng nộ...
Những đống xác ô tô được gom lại chất cao như núi, có thành phố bị sóng thần quét qua chỉ còn trơ lại những xác nhà, không còn một chiếc cửa nào. Những con tàu bị sóng quăng quật sâu vào đất liền, nằm úp trên mái nhà, trên đồi cao… Những con đê biển dày dặn mà nhiều đoạn bị sóng xé toạc. Một con tàu cao như toà nhà 6-7 tầng bị sóng thúc cắm sâu vào thân đê bê tông. Chúng tôi chứng kiến những người thợ đang khoan đục từng chút một để gỡ dần con tàu khổng lồ khỏi thân đê.
Tại thành phố Miyako, tỉnh Iwate, nơi đầu tiên chúng tôi đến, ông thị trưởng và ban lãnh đạo đón đoàn trong trang phục lao động. Thành phố vẫn là một đại công trường ngổn ngang mà không biết công cuộc tái thiết đến khi nào mới xong và những đau thương mất mát về con người bao giờ mới nguôi ngoai!
Ông thị trưởng còn rất trẻ, chừng ngoài 40 tuổi, thư sinh. Mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt, ông kể: “Nơi chúng ta đang ngồi là khu làm việc của lãnh đạo thành phố, tầng hai của toà nhà. Ngày sóng thần ập đến đã vặn xoắn cây cầu vượt ở quảng trường trước mặt, nước dâng ngập đến tầng hai toà nhà. Khủng khiếp nhất là cơn sóng thần lừ lừ tiến vào, vì con đê chắn sóng cao lớn nên mọi người ở trong đê vẫn không biết gì về tai họa đang tới! Rồi cả biển sóng nước mấy chục mét như từ trên trời cao đổ ập xuống, cuốn phăng đi tất cả...”.
Điểm đến tiếp theo của đoàn là một khu nhà tạm cũng thuộc tỉnh Iwate. Lãnh đạo địa phương cho biết chúng tôi là những vị khách ngoại giao đầu tiên đến thăm từ sau khi xảy ra thảm họa. Tại đây, đoàn được mời trồng cây lưu niệm và dự buổi biểu diễn của đoàn nghệ thuật Hoa Đào từ TP. Hồ Chí Minh sang.
Phía bạn chọn cho chúng tôi trồng cây Nemuno, một loại cây có hoa nở ra chùm ba, tượng trưng cho gia đình Cha - Mẹ - Con cái, với ý nghĩa sự sống sẽ hồi sinh trên mảnh đất này! Vợ chồng tôi trồng cây ở giữa, anh chị em diễn viên trồng cây hai bên. Sau này các bạn gửi ảnh cho chúng tôi, thông báo là những cây đó đã lên xanh tốt, trổ hoa, cùng với sự hồi sinh của con người và mảnh đất nơi đây!
Đại sứ Nguyễn Phú Bình và Phu nhân trồng cây Nemuno trên mảnh đất thảm họa vừa đi qua. |
Đoàn nghệ thuật Hoa Đào là một nhóm nghệ sỹ của TP. Hồ Chí Minh, khoảng 10 người, gồm chị Hải Phượng (đàn Tranh), anh Tấn (đàn Đáy), ca sỹ Kim Luyên, nhóm múa và chơi nhạc... Từ năm 2000, đoàn sang biểu diễn tại Nhật với sự bảo trợ của Hội đồng Hoà bình & Hữu nghị Nhật - Việt, do cựu Thủ tướng Murayama sáng lập. Số tiền thu được từ biểu diễn hàng năm đều được dành để ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam.
Năm đó, đoàn nghệ thuật Việt Nam quyết định đi diễn miễn phí tại các vùng bị thảm họa để góp một phần nhỏ bé động viên khích lệ tinh thần những người dân nơi đó.
Đúng buổi tối đoàn biểu diễn thì trùng hợp ở khu dân cư có một cuộc họp quan trọng, để bàn chuyện: Sẽ tái thiết thành phố ven biển này, hay di chuyển lên những khu đất cao hơn? Các gia đình phân công đàn ông đi họp, còn các mẹ, các chị sẽ đi xem văn công Việt Nam.
Đoàn nghệ thuật hết sức nhỏ gọn nhưng nhờ tài năng của nghệ sỹ, sự giao cảm giữa nghệ sỹ và công chúng, một đêm diễn đã diễn ra thành công, hết sức tuyệt vời, một món quà tinh thần thật sự ý nghĩa cho bà con nơi đây. Chúng tôi không thể ngăn được nước mắt khi chứng kiến những người bà, người mẹ, người chị quên đi thực tại, chăm chú thưởng thức nghệ thuật Việt Nam với sự háo hức và những cặp mắt long lanh ướt.
Cuối buổi diễn, các nghệ sỹ và khán giả đã nắm chặt tay, ôm nhau, quệt nước mắt... Bà con luôn nói lời cảm ơn các nghệ sỹ từ xa xôi tới đây với tấm lòng sẻ chia, vô cùng ấm áp!
| Xây dựng nền móng thương hiệu bằng sự tôn trọng khách hàng Việt kiều Nhật Bản Nigita Hạnh có cuộc trao đổi với về vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia, trong đó có lĩnh vực ... |
| Vài suy ngẫm về tương lai quan hệ Nhật Bản - Việt Nam Tôi cho rằng về phía Nhật Bản, vấn đề quan trọng nhất là việc nhận thức được giá trị của Việt Nam đối với Nhật ... |
| Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân hội kiến Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cảm ơn về những tình cảm tốt đẹp và sự quan tâm sâu sắc mà Nhà vua, Hoàng hậu, ... |
| VUAJ và sứ mệnh vì 'một cộng đồng, gắn kết hai nền văn hóa' Việt Nam-Nhật Bản Liên hiệp Hội người Việt Nam tại Nhật Bản (VUAJ) hướng tới trở thành hạt nhân gắn kết cộng đồng, là cầu nối quan trọng ... |
| Việt Nam-Nhật Bản: Trao truyền mối thâm tình cho các thế hệ sau Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được cùng người dân Việt Nam kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản ... |