Nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực từ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - Brexit, Chính phủ Nhật Bản đã công bố gói kích thích kinh tế khổng lồ trị giá hơn 28.000 tỷ Yen (tương đương 266 tỷ USD).
Gói kích thích kinh tế mới của Nhật Bản trị giá hơn 28.000 tỷ Yen (khoảng 266 tỷ USD). (Nguồn: Nydailynews) |
Tuyên bố chi tiết về sự kiện này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định, gói kích thích này bao gồm khoảng 13.000 tỷ Yen trong chi tiêu chính phủ. Các khoản chi công cho các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng như đẩy mạnh xuất khẩu nông sản và thu hút thêm du khách quốc tế được tăng lên đáng kể.
Ông cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của tự do thương mại toàn cầu và khẳng định sẽ thúc đẩy thỏa thuận Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trong khi đó, các nguồn thạo tin cùng ngày cho hay, các quan chức tài chính Nhật Bản và Hàn Quốc đang lên kế hoạch gặp nhau vào cuối tháng 8 tại Seoul để thảo luận về sự hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh tình hình bất ổn trên thị trường sau quyết định Brexit.
Trước đó, giới nghiên cứu dự đoán gói kích thích chỉ rơi vào khoảng 10.000 - 20.000 tỷ Yen, tức chỉ bằng một nửa so với con số 28.000 tỷ Yen vừa được thông báo. Tuy nhiên, việc xem xét những chính sách tiền tệ táo bạo hơn được cho là sẽ được Chính phủ của ông Shinzo Abe và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) triển khai trong thời gian tới nhằm thúc đẩy nền kinh tế.
Thử nghiệm với mức lãi suất âm dường như đã mang lại những hiệu ứng bất ngờ. Các khoản tiền gửi tại BoJ vẫn tăng 20% kể từ khi BoJ bắt đầu áp dụng lãi suất âm vào giữa tháng 2 vừa qua, chứng tỏ chính sách kinh tế này đã thảm bại hoàn toàn. Nhiều khả năng BoJ sẽ ngừng chính sách này, bởi lãi suất càng giảm sâu sẽ chỉ mang lại những điều phức tạp hơn. Thêm vào đó, mục tiêu lạm phát 2% đang ngày càng ngoài tầm với.
Tất cả những khó khăn đó thúc đẩy BoJ phải có những biện pháp kích thích kinh tế táo bạo và cực đoan hơn. Tuy nhiên, nếu cứ thay đổi chính sách kích thích nền kinh tế một khi không hiệu quả trong thời gian ngắn, rất có thể thị trường sẽ bắt đầu xem các ngân hàng trung ương như công cụ tạo ra sự bất ổn hơn là ổn định.