Người dân Nhật Bản đi lại trên đường phố Tokyo ngày 14/8. (Nguồn: Reuters) |
Quyết định trên được công bố sau khi một nhóm chuyên gia của MHLW đưa ra kết luận, việc tiêm mũi vaccine tăng cường là cần thiết khi các nghiên cứu nước ngoài cho thấy, hiệu quả của các loại vaccine hiện nay sẽ giảm dần theo thời gian.
Bên cạnh đó, theo nhóm chuyên gia này, một số quốc gia đã bắt đầu tiêm mũi tăng cường cho người dân.
Các quan chức của MHLW cho biết, các phiếu tiêm vaccine sẽ được gửi cho người dân 8 tháng sau khi họ đã được tiêm mũi thứ 2.
Nhóm chuyên gia của MHLW sẽ thảo luận ưu tiên tiêm mũi tăng cường cho các đối tượng nào trước trên cơ sở dữ liệu và kinh nghiệm ở các nước khác.
Liên quan khả năng tiêm kết hợp vaccine của nhiều nhà sản xuất, MHLW cho biết, các mũi 1 và 2 đều phải là vaccine do một hãng sản xuất. Tuy nhiên, bộ này sẽ sửa đổi quy định để cho phép người dân được tiêm mũi vaccine tăng cường do hãng khác sản xuất trong một số tình huống nhất định.
Cùng ngày, chính quyền tỉnh Osaka, miền Tây Nhật Bản cho hay, sẽ là địa phương đầu tiên trên cả nước áp dụng phương pháp điều trị “hỗn hợp kháng thể” cho bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà.
Biện pháp điều trị dùng “hỗn hợp kháng thể” được Nhật Bản phê chuẩn hồi tháng trước, theo đó bệnh nhân được truyền tĩnh mạch đồng thời 2 loại thuốc để khống chế virus SARS-CoV-2.
Khi ấy, biện pháp này chỉ được giới hạn áp dụng cho bệnh nhân nằm viện hoặc điều trị ngoại trú.
Bộ Y tế Nhật Bản thông tin, để điều trị tại nhà bằng phương pháp này, phải có hệ thống giám sát tình trạng của bệnh nhân trong vòng 24 giờ sau khi được truyền tĩnh mạch.
Theo thông báo của chính quyền Osaka, trong quá trình thử nghiệm, bác sĩ đến khám sẽ điều trị bằng “hỗn hợp kháng thể” nhằm ngăn các triệu chứng nặng.
Thống đốc Osaka Hirofumi Yoshimura cho rằng, đối tượng áp dụng là các bệnh nhân dưới 40 tuổi, có triệu chứng nhẹ nhưng có nguy cơ diễn biến nặng.
Bằng cách điều trị càng sớm càng tốt cho các bệnh nhân tự cách ly tại nhà, chính quyền Osaka muốn giảm càng nhiều càng tốt số bệnh nhân có triệu chứng nặng, nhằm ứng phó với khả năng xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ 6.