Bên trong nhà tắm công cộng Kogane-yu tại Tokyo, Nhật Bản. (Nguồn: Nikkei Asia) |
Yoga hay đĩa than vinyl không phải là đặc điểm điển hình của sento - loại hình nhà tắm công cộng đặc trưng của xứ sở hoa anh đào. Nhưng hiện tại, làn gió mới này lại cần thiết với anh Shimbo Takuya, chủ sở hữu của hai nhà tắm ở Tokyo.
Anh Shimbo, 41 tuổi, là ông chủ đời thứ ba của Daikoku-yu, nhà tắm công cộng có thâm niên 71 năm ở phía Bắc Tokyo. Ba năm trước, anh cùng vợ là Tomoko tiếp quản Kogane-yu, nhà tắm cũ cách đó năm phút đi bộ.
Giờ đây, khi 95% người dân Nhật Bản xây phòng tắm tại nhà, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ tắm công cộng đang thu hẹp lại và nhiều sento phải đóng cửa. Dù vậy, ông chủ Shimbo vẫn giữ niềm tin rằng, sento sẽ không bị loại bỏ hoàn toàn khỏi đời sống của người Nhật.
Những ý tưởng mới mẻ như bán hàng tạp hóa hay mở cửa phòng tắm Daikoku-yu suốt đêm của anh Shimbo trước đại dịch Covid-19 đã thu hút 800 khách hàng mỗi ngày. Vì vậy, anh quyết định thay đổi hoàn toàn cơ sở Kogane-yu.
Dù được xây bằng bê tông, gỗ vàng và lát gạch mới, nhưng Kogane-yu vẫn giữ lại các yếu tố cốt lõi của sento cổ điển, như phòng thay đồ, rèm vải noren phân chia từng phòng, các dãy vòi hoa sen thấp và các phòng tắm lớn tách biệt, tất nhiên không thể thiếu bức tranh núi Phú Sỹ rực rỡ.
Anh Shimbo nói: “Tôi sử dụng nhạc vinyl cho sento của mình, đó là sự khởi đầu cho cuộc trò chuyện tuyệt vời giữa những người khách trẻ và lớn tuổi. Tôi thực sự cảm thấy rằng, sento có thể đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các khách hàng. Người dân ở Tokyo nói riêng và Nhật Bản nói chung luôn yêu thích văn hóa tắm bồn”.
Ở Nhật Bản, sento không chỉ là để tắm, đó là nơi dành cho cộng đồng, địa điểm để mọi người thư giãn, trò chuyện. Với áp lực công việc đang đè nặng lên người trẻ xứ Phù Tang, sento sẽ trở thành nơi lý tưởng để giải tỏa căng thẳng và tạo dựng thêm các mối quan hệ.