📞

Nhật Bản trình làng pin thể rắn dung lượng cao, bước đột phá của ngành ô tô điện

VIỆT HÀ 09:00 | 20/03/2021
TGVN. Tập đoàn Hitachi Zosen của Nhật Bản đã phát triển loại pin thể rắn có dung lượng vào hàng cao nhất thế giới, có khả năng hoạt động trong môi trường khắc nghiệt, đồng thời mở ra tiềm năng ứng dụng trong các vệ tinh nhân tạo và máy móc công nghiệp.
Pin thể rắn của Hitachi Zosen có thể hoạt động trong nhiều môi trường khắc nghiệt, kể cả ngoài vũ trụ. (Nguồn: Nikkei Asia)

Được ra mắt vào ngày 3/3 tại một triển lãm ở Tokyo, loại pin của Hitachi Zosen có dung lượng lên tới 1000 mAh – gấp bảy lần các sản phẩm trước đó của tập đoàn này. Loại pin mới trình làng cũng có thể hoạt động trong khoảng nhiệt độ từ âm 40 độ C tới 100 độ C.

Pin thể rắn có nguy cơ cháy nổ thấp hơn và hiệu suất cao hơn pin lithium thông thường và được coi là nguồn năng lượng của tương lai. Những doanh nghiệp đang dẫn đầu trong công nghệ sản xuất pin thể rắn bao gồm Toyota Motor và Murata Manufacturing, nhưng hai hãng này đều phải đối mặt với thách thức trong việc tăng dung lượng pin và giảm giá thành.

Các loại pin của Hitachi Zosen sử dụng chất điện phân rắn không bao gồm dung môi hay chất bịt kín. Theo tập đoàn này, việc sử dụng ít chất độn sẽ giúp làm giảm điện trở và tăng hiệu suất pin.

Hitachi Zosen nhận thấy nhu cầu sử dụng pin thể rắn trong các điều kiện khắc nghiệt như vũ trụ, hay phục vụ các thiết bị công nghiệp hoạt động ở môi trường đặc thù. Đặt mục tiêu tăng gấp đôi dung lượng của pin vào năm 2025, tập đoàn này bắt đầu sản xuất sản phẩm mẫu trên quy mô nhỏ cũng như tìm kiếm đối tác để đưa sản phẩm ra thị trường.

Vào tháng Hai, Hitachi Zosen đã đạt được thỏa thuận với Cơ quan Thám hiểm Vũ trụ Nhật Bản để thử nghiệm khả năng ứng dụng thực tiễn của pin thể rắn trong vũ trụ. Những camera có trang bị loại pin này sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm Kibo của xứ sở hoa anh đào trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) trong năm nay để thử nghiệm sáu tháng.

Pin thể rắn là công nghệ sản xuất pin trong đó cả điện cực và chất điện phân đều ở thể rắn, thay vì dung dịch chất điện phân như trong các loại pin thông thường. Các chất điện phân thường được sử dụng là creamics và polyme rắn.

Mặc dù có độ an toàn và mật độ năng lượng cao hơn so với các loại pin thông thường, song giá thành của pin thể rắn được coi là cao hơn mặt bằng chung.

Ngoài ra, các nhà sản xuất pin thể rắn còn phải đối mặt với các thách thức khác như độ nhạy, độ bền, độ ổn định và dung lượng. Dù dung lượng của pin thể rắn đã được cải thiệu đáng kể trong những năm qua, con số này vẫn thua xa các loại pin lithium truyền thống – pin lithium dùng trong smartphone có dung lượng lên tới hàng ngàn mAh.

Ứng dụng của pin thể rắn trong ô tô điện đang được coi là nhân tố “thay đổi cuộc chơi” đối với ngành công nghiệp xe điện nói riêng và toàn ngành ô tô nói chung.

Theo đó, Toyota đã lên kế hoạch tung ra thị trường mẫu xe sử dụng loại pin thể rắn trong năm 2021, còn VinFast cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với công ty công nghệ ProLogium (Đài Loan, Trung Quốc) nhằm thành lập liên doanh sản xuất pin thể rắn cho xe điện ở Việt Nam.

Ngoài ra, một số hãng xe lớn khác như Volkswagen, General Motors, Hyundai hay Ford đều dành ra một khoản đầu tư đáng kể cho các công ty công nghệ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất pin thể rắn.

Ngoài ra, pin thể rắn còn có các ứng dụng trong các lĩnh vực như công nghệ vũ trụ hay sản xuất thiết bị chính xác. Theo tổ chức đánh giá thị trường Grand View Research, quy mô ngành công nghiệp pin thể rắn đạt 32,9 tỷ USD vào năm 2019 và được dự báo có tốc độ tăng trưởng trung bình 13% trong giai đoạn 2020-2027.