Nhật Bản còn có tên gọi là “xứ sở hoa anh đào”, vì cây hoa anh đào (sakura) mọc trên khắp đất nước, từ Bắc xuống Nam. (Nguồn: Mainichi) |
Theo sử sách, tên Nhật Bản do nhà thám hiểm, thương gia người Italy thế kỷ XIII là Marco Polo ở Trung Quốc rất lâu phiên âm là Cipangu. Các thương nhân Bồ Đào Nha là những người đầu tiên mang từ này đến châu Âu, nó được ghi bằng tiếng Anh là Giapan. Sau đó, chuyển sang tiếng Anh và Đức là Japan, tiếng Pháp là Japon. Còn theo đúng thổ âm Nhật thì đọc là “Nihon” (Nippon hay Nippon Koku-nguồn gốc của mặt trời hay vùng đất mặt trời mọc).
Đến Nhật Bản, du khách chạnh nhớ đến truyền thuyết Hai hòn Trống mái đã tạo ra đất nước này. Chuyện kể trong tập Kojiki, cuốn sách cổ nhất còn lưu lại được ở Nhật Bản viết vào thế kỷ VIII. Sách ghi bằng chữ Hán những truyền thuyết dân gian xa xưa về thuở khai thiên lập địa, thế giới thần linh, sự hình thành của dân tộc Nhật Bản, sự xuất hiện dòng dõi Nhật hoàng.
Chuyện kể rằng: Ngày xửa ngày xưa, khi chưa có trời đất, chỉ có một dải phù sa tách làm đôi. Phần trên là nơi ở của các thần linh. Phần dưới là nước mênh mông; có hai vị thần dùng giáo khuấy đại dương phù sa ấy cho đến khi bọt khí sủi lên thành nơi trú chân.
Vị thần nam tên là Izanagi (Y Trang Nặc), vị thần nữ là Izanami (Y Trang Sách) đều có nghĩa là “người đứng ra mời”. Hai bên nam nữ nhìn nhau, xúc cảm dạt dào. Thần nữ thốt lên: “Em cảm thấy trong người thiếu thiếu cái gì ấy!” . Thần nam đáp: “Anh lại cảm thấy trong người thừa thừa cái gì ấy!”. Thế là cặp nam nữ vào cuộc mây mưa.
Sau đó, Izanami sinh ra những hòn đảo là lãnh thổ Nhật Bản. Ngày nay, ở Vịnh Isê (Y Thế) thiêng liêng, gần thành phố Kobe (nằm trên đảo Honsu), vẫn còn hai hòn đảo đá nhỏ gọi là “đá vợ chồng”, “hòn trống” là chồng và “hòn mái” là vợ được buộc vào nhau bởi dây tơ hồng, là một sợi dây thừng; hàng năm, ngày mùng 5 tháng Giêng, có cử lễ thay sợi dây thừng ấy. Nếu trong năm thừng đứt là điềm gở, đất nước có nhiều tai họa.
Nữ thần Mặt trời (Amateraxu) là một giọt nước mắt của Izanagi khi chàng trở về dương thế, tắm ở suối để tống các chất dịch trong cơ thể ra. Truyền thuyết về nữ thần Mặt trời mang lại cho Nhật Bản cái tên “xứ gốc của mặt trời”.
Truyền thuyết về núi Fuji (Phú Sĩ) giải thích một hình tượng nữa của đất nước. Fuji có nghĩa là “thuốc trường sinh”. Truyện kể rằng, có vị hoàng đế mê một tiên nữ bị đày từ cung trăng xuống làm con nuôi vợ chồng một ông lão tiều phu. Mối tình không được đền đáp. Hết hạn lưu đày ở trần gian, tiên nữ bay về cung trăng, để lại cho bố nuôi một lá ngọc thư và thuốc trường sinh ném vào ngọn núi lửa cao gần Mặt trăng nhất. Đến nay, khói thiêng vẫn tỏa lên như một niềm lưu luyến từ núi thuốc trường sinh Fuji.
Nhật Bản còn có tên gọi là “xứ sở hoa anh đào”, vì cây hoa anh đào (sakura) mọc trên khắp đất nước, từ Bắc xuống Nam. Nhật Bản cũng được gọi là “đất nước hoa cúc”. Vì bông hoa cúc 16 cánh giống như Mặt trời tỏa sáng, là biểu tượng của hoàng gia, là quốc huy của Nhật Bản hiện nay.
Nhật Bản gồm bốn đảo lớn và trên nghìn đảo nhỏ rải ra theo hình cánh cung dài khoảng 3.800 km ở ngoài khơi phía đông lục địa châu Á. Đảo Honsu là đảo lớn nhất, rộng bằng Bắc bộ và Nam bộ của ta cộng lại.
Tính chất “đảo” là một yếu tố địa lý hết sức quan trọng đối với Nhật Bản, có lẽ hơn cả đối với nước Anh, vì quần đảo Anh sớm gắn với lục địa châu Âu, còn quần đảo Nhật Bản là “hạt kê ở xa tít bên rìa vũ trụ”.
Do sinh hoạt trên các đảo tách biệt lục địa nên các nhóm chủng tộc Nhật có điều kiện thuận lợi hòa trộn để sớm hình thành trong lịch sử một dân tộc với những nét riêng biệt. Có nhà xã hội học cho là tính chất “đảo” khiến cho tâm lý người Nhật có khuynh hướng “hướng nội” (introversion), cũng y như dân tộc Thụy Điển (vì những lý do khác).
Do giao thông giữa đảo và lục địa khó khăn, nên những yếu tố văn hóa ngoại lai không thấm dần mà có những lúc nhập vào ồ ạt. Có những thời gian Nhật Bản đóng cửa, không tiếp xúc với bên ngoài: thời kỳ Heian (Bình An), quan hệ với Trung Quốc bị gián đoạn trong ba trăm năm; thời kỳ từ 1630-1867, Nhật Bản đóng cửa, đặc biệt với các nước phương Tây, trong hơn hai trăm năm.
Vị trí quần đảo ở rìa lục địa cũng khiến cho Nhật Bản ít phải đối phó với nạn ngoại xâm liên miên như ở Việt Nam; trên thực tế, mãi đến năm 1945, hầu như Nhật Bản chưa bị nước ngoài chiếm đóng.
Các đảo của Nhật Bản là phần cao của một dải núi ngầm chìm sâu đến 6.000-8.000m ở đáy Thái Bình Dương, ở giữa mỗi đảo là phần cao của một rặng núi chìm sâu; đồi núi chiếm hai phần ba diện tích cả nước. Vì nằm tiếp xúc với một số mảng kiến tạo (Á - Âu, Bắc Mỹ, Thái Bình Dương và Philippines) và quá trình “tạo núi” còn “trẻ” nên Nhật Bản có hai đặc trưng tự nhiên, khiến cho nước này nổi tiếng thế giới là: có nhiều núi lửa, lắm động đất và sóng thần (do động đất ngoài khơi).
Thiên nhiên Nhật Bản tuy đẹp, nhưng quả thực ác nghiệt đối với con người. Đất trồng trọt ít, người đông (khoảng 125 triệu người trên 377,435 km2 – gần như Việt Nam - 100 triệu người trên 329.600km2), nguồn lợi thiên nhiên hiếm hoi, lại không được hưởng thiên thời và địa lợi.
Vậy mà ở nơi đây, một nền văn minh rực rỡ đã ra đời, một quốc gia từ lạc hậu đã vươn lên một cách độc đáo. Sau hơn một trăm năm biến thiên, một nền kinh tế hàng đầu thế giới đã xuất hiện. Sự thành công đó là thắng lợi của con người Nhật Bản đối với thiên nhiên.