📞

Nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an: Nửa chặng đường nhìn lại và bước tiếp

THU TRANG 16:00 | 07/03/2021
TGVN. Qua nửa chặng đường trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2020-2021), Việt Nam đã để lại những dấu ấn đậm nét trong một năm “chưa từng có tiền lệ”.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ngày 9/1/2020.

Năm 2020 là một năm đặc biệt khó khăn với những thách thức nổi cộm đối với thế giới nói chung và các diễn đàn đa phương, trong đó có Liên hợp quốc (LHQ) và Hội đồng bảo an (HĐBA) nói riêng. Những tác động tiêu cực, đa chiều của đại dịch Covid-19 tới mọi mặt của đời sống quốc tế khiến các quốc gia đều phải điều chỉnh ưu tiên đối nội lẫn đối ngoại để ứng phó và hồi phục.

Khẳng định vị thế quốc tế

Trong bối cảnh “muôn vàn sóng gió” đó, trên cương vị là Ủy viên Không thường trực HĐBA LHQ, Việt Nam đã tham gia đóng góp vào công việc chung của HĐBA với tinh thần độc lập, tự chủ, tích cực, trách nhiệm và cân bằng, thể hiện rõ lập trường ủng hộ tuân thủ Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Đồng thời, Việt Nam cũng ủng hộ tìm kiếm giải pháp cho các cuộc xung đột khu vực và quốc tế thông qua đàm phán, thương lượng hòa bình.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, Việt Nam đã đặc biệt “ghi điểm” thông qua tổ chức hai sự kiện là Thảo luận mở “Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” trong Tháng Chủ tịch 1/2020 của Việt Nam với kỷ lục 111 diễn giả từ 106 quốc gia, thông qua Tuyên bố của Chủ tịch HĐBA đầu tiên đề cập riêng về việc tuân thủ Hiến chương LHQ và Cuộc họp về “Hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực và tiểu khu vực trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế: vai trò của ASEAN”, lần đầu tiên tạo diễn đàn trao đổi hợp tác giữa HĐBA và ASEAN.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã hoàn thành tốt nhiều công việc định kỳ và đột xuất khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐBA, bao gồm xây dựng và thông qua chương trình làm việc của tháng, chủ trì các cuộc họp chính thức và tham vấn kín của HĐBA, thúc đẩy thương lượng và chủ trì thông qua các quyết định của HĐBA, chủ trì làm việc giữa các nước thành viên HĐBA với Tổng Thư ký (TTK) LHQ…

Thứ trưởng Lê Hoài Trung đánh giá, nhờ sự tham gia, đóng góp tích cực đó, Việt Nam đã bước đầu để lại dấu ấn, khẳng định vị thế quốc tế, triển khai các vấn đề ưu tiên đề ra, kết nối vai trò Chủ tịch ASEAN với HĐBA và tăng cường hình ảnh vị thế của ASEAN tại HĐBA.

Việc tổ chức thành công các sự kiện quan trọng cùng với các kết quả cụ thể, thực chất được LHQ và các nước hoan nghênh, đánh giá cao, qua đó Việt Nam đã chứng tỏ năng lực và khả năng tham gia, đóng góp tại các diễn đàn đa phương ngày càng trưởng thành về cả tổ chức lẫn nội dung, ý tưởng và sáng kiến.

“Việc tham gia chủ động và đóng góp tích cực của ta tại HĐBA được dư luận báo chí, truyền thông quốc tế và học giả quốc tế đánh giá tích cực, khơi dậy niềm tự hào và củng cố sự tin tưởng của quần chúng nhân dân, cán bộ, Đảng viên vào đường lối, chủ trương và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước”.

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung

Hướng tới “vượt qua chính mình”

Tình hình chính trị - an ninh, kinh tế - xã hội thế giới năm 2021 được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. HĐBA sẽ tiếp tục phải xử lý khối lượng công việc lớn với nhiều vấn đề nan giải.

Đối với ASEAN, trong năm tới, Việt Nam là nước ASEAN duy nhất còn lại trong HĐBA, do đó Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực nâng cao vai trò, hình ảnh của ASEAN trong HĐBA, đặc biệt trong những lĩnh vực như gìn giữ hòa bình. Việt Nam sẽ phát huy vai trò của ASEAN trong nỗ lực chung về ngăn ngừa xung đột và kiến tạo sau hòa bình.

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ khẳng định, Việt Nam đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đối mặt bởi những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đối với các cuộc xung đột cũng như các vấn đề xã hội sẽ vẫn tiếp diễn, thậm chí phức tạp hơn và khó giải quyết hơn.

Trong năm tới, các nước lớn sẽ có sự điều chỉnh chính sách, theo đó sẽ mang lại cả cơ hội và thách thức, đòi hỏi các nước trong HĐBA phải xử lý các vấn đề một cách kịp thời, đúng lúc, đúng mức đối với từng vấn đề, theo Đại sứ Đặng Đình Quý.

Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh, điều quan trọng đối với Việt Nam là phải tăng cường đoàn kết trong HĐBA, đưa ra cách thức bảo vệ lợi ích tối ưu của đất nước, nâng cao uy tín và hình ảnh của Việt Nam không chỉ trong HĐBA mà còn trong cộng đồng tất cả 193 nước, qua đó nâng uy tín và vị thế của Việt Nam lên một tầm mới sau khi kết thúc nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ.

Tháng 4/2021, Việt Nam sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên HĐBA lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng trong nhiệm kỳ. Đại sứ Đặng Đình Quý cho rằng, đây sẽ là một thách thức không nhỏ bởi Việt Nam muốn có được một kết quả vượt qua chính mình, thành công hơn tháng Chủ tịch đầu tiên hồi tháng 1/2020.

“Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực để thực hiện một cách tối ưu lợi ích của đất nước tại diễn đàn toàn cầu; bảo vệ được lợi ích an ninh, sự phát triển của đất nước, nâng cao được vị thế và uy tín của Việt Nam. Đây cũng là nhận định chung của 193 nước thành viên LHQ”.

Đại sứ Đặng Đình Quý