Back to E-magazine
e magazine
08:46 | 11/01/2022
Nhiệm kỳ Việt Nam tại Hội đồng Bảo an: “Cập bến” trong niềm tự hào

08:46 | 11/01/2022

“Tôi rất mừng vì công việc đã hoàn tất nhưng cũng có cảm giác bâng khuâng vì mạch làm việc hai năm qua đã quen. Hai năm qua, chúng ta đã làm được rất nhiều việc,…”
Nhiệm kỳ Việt Nam tại Hội đồng Bảo an: “Cập bến” trong niềm tự hào
Nhiệm kỳ Việt Nam tại Hội đồng Bảo an: “Cập bến” trong niềm tự hào

Xin Đại sứ cho biết kết quả, thành công của HĐBA hai năm qua trong việc thực hiện trọng trách là cơ quan LHQ có trách nhiệm hàng đầu về duy trì hòa bình, an ninh quốc tế?

Có thể nói, thứ nhất, dù gặp nhiều thách thức, nhất là do đại dịch Covid-19, trong năm 2020-2021, HĐBA vẫn hoàn thành một khối lượng công việc lớn.

Cụ thể, đã có tới 840 cuộc họp cấp Đại sứ trở lên, gồm 396 cuộc họp năm 2020 và 376 cuộc họp năm 2021 dưới nhiều hình thức: họp trực tiếp công khai, họp trực tiếp kín, họp trực tuyến công khai, họp trực tuyến kín, họp riêng, họp theo thể thức Arria.

Nhiệm kỳ Việt Nam tại Hội đồng Bảo an: “Cập bến” trong niềm tự hào
Dù gặp nhiều thách thức, nhất là do đại dịch Covid-19, HĐBA vẫn hoàn thành một khối lượng công việc lớn.

Nếu tính cả các cuộc họp ở cấp làm việc thì còn có hàng nghìn cuộc họp, tham vấn để thương lượng các văn kiện, trao đổi về các đề xuất quyết định của HĐBA hoặc của các cơ quan trực thuộc HĐBA.

Với các nỗ lực đó, hai năm qua, HĐBA đã thông qua 254 văn kiện, trong đó có 113 nghị quyết, 37 Tuyên bố Chủ tịch và 100 tuyên bố báo chí. Riêng năm 2021, HĐBA đã thông qua 138 văn kiện, tăng so với 116 văn kiện được thông qua trong năm 2020.

Thứ hai, HĐBA đã có chương trình nghị sự với độ bao phủ rộng khắp, đề cập rất nhiều vấn đề mới và nóng. Đại dịch Covid-19, biến đối khí hậu, xung đột tại Libya, Syria, Ethiopia, vấn đề đập thủy điện Đại Phục hưng trong quan hệ giữa Ai Cập, Sudan và Ethiopia, vấn đề Iran, Israel/Palestine, Ukraine, Myanmar là các chủ đề thu hút quan tâm cao của cộng đồng quốc tế.

Một số vấn đề khác cũng được quan tâm bao gồm: tình hình Yemen, Iraq, Afghanistan, vấn đề hạt nhân-tên lửa Triều Tiên, Hồng Kông, Jammu-Kashmir Sudan, Nam Sudan, Ai Cập, Venezuela, Belarus, Bosnia & Herzegovina, Kosovo, Síp, Nagorno-Karabakh.

Thứ ba, HĐBA góp phần tạo nên tiến triển khả quan như: đạt thỏa thuận hòa bình, thỏa thuận thành lập chính phủ Afghanistan, Nam Sudan, Sudan, thỏa thuận chính trị, quân sự mới ở Libya, khởi động đàm phán giữa Chính phủ và các nhóm đối lập, nổi dậy ở Afghanistan, chuyển đổi vai trò của LHQ từ gìn giữ hoà bình sang hỗ trợ tiến trình chính trị ở Sudan…

HĐBA cũng hỗ trợ một số nước tổ chức bầu cử, xây dựng, nâng cao năng lực bộ máy an ninh, tư pháp và hỗ trợ triển khai cứu trợ nhân đạo. Trong bối cảnh nhiều khu vực, đặc biệt tại Trung Đông, châu Phi, tiếp tục diễn biến phức tạp, các biện pháp của HĐBA có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì ổn định tình hình, giảm nguy cơ giao tranh giữa các bên, đạt được những kết quả cụ thể mới.

Thứ tư, không chỉ góp phần thúc đẩy quản lý, xử lý các điểm nóng trên thế giới, HĐBA còn giúp tăng cường sự quan tâm, chú ý của quốc tế và thúc đẩy hành động chung về nhiều vấn đề toàn cầu.

Các vấn đề chủ đề tiếp tục chiếm thời lượng lớn trong chương trình nghị sự của HĐBA. Bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang, cứu trợ nhân đạo, phụ nữ, trẻ em, thanh niên hợp tác với các tổ chức khu vực, hoạt động gìn giữ hòa bình tiếp tục là chủ đề truyền thống được thảo luận thường xuyên.

Chủ đề biến đổi khí hậu, môi trường, cơ sở hạ tầng thiết yếu, bất bình đẳng, phân biệt đối xử, an ninh lương thực, trường học, giáo dục trong xung đột cũng được quan tâm rộng rãi.

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 là chủ đề chính trong nhiều cuộc thảo luận và là nội dung nổi bật, xuyên suốt năm 2020. Trong vấn đề này, HĐBA đã thông qua các quyết định, nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy hành động toàn cầu ứng phó với đại dịch Covid-19, xử lý hệ quả của đại dịch đối với phụ nữ, trẻ em, lực lượng gìn giữ hòa bình, cơ sở hạ tầng y tế…

Cuối cùng là về phương pháp làm việc, HĐBA cũng có những thành công như: linh hoạt, điều chỉnh các chức năng, nhiệm vụ của phái bộ GGHB, chuyển trọng tâm hoặc lồng ghép, bổ sung chức năng, gia hạn nhiệm vụ một số phái bộ tương ứng với diễn biến tình hình cụ thể nhằm bảo đảm hiệu quả, nguồn lực, thực hiện trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Kể cả khi có những khó khăn trong việc xây dựng các cơ chế mới, với sự chủ động, tích cực của nhiều nước thành viên không thường trực, HĐBA cũng có những cách làm linh hoạt để thích ứng với tình hình. Việc thành lập Nhóm chuyên gia không chính thức về biến đổi khí hậu nhằm xem xét hơn nữa chủ đề này một cách thường xuyên và đi vào chiều sâu hơn là một ví dụ điển hình.

Nhiệm kỳ Việt Nam tại Hội đồng Bảo an: “Cập bến” trong niềm tự hào

Tình hình thế giới và hoạt động của HĐBA nêu trên đã đặt ra những thuận lợi và khó khăn gì của cho Việt Nam trong quá trình đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, thưa Đại sứ?

Tình hình thế giới trong hai năm qua có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường. Xuất hiện những điểm nóng mới hoặc phức tạp hơn tại Ukraine, Myanmar, Afghanistan. Xung đột bùng phát tại Ethiopia. Giao tranh trở lại sau hàng chục năm ở Nagorno-Karabakh, Tây Xahara. Nhiều cuộc xung đột tiếp tục bế tắc, triển vọng về một giải pháp hòa bình, ổn định ngày càng xa vời.

Các nước lớn gia tăng cạnh tranh. Các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, khủng bố, tội phạm có tổ chức… ngày càng nghiêm trọng, khó kiểm soát hơn. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 bùng phát, tạo nên thách thức đa chiều mang tính toàn cầu, chưa từng có tiền lệ và ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống quốc tế.

HĐBA phải điều chỉnh phương thức hoạt động để thích ứng, tiếp tục đảm trách khối lượng công việc lớn, bao quát tình hình ở tất cả các khu vực trên thế giới, nhất là ở khu vực châu Phi.

Tại HĐBA, căng thẳng giữa các nước lớn có xu hướng gia tăng, tỷ lệ nghị quyết được thông qua với 15 phiếu thuận, tỷ lệ số lượt bỏ phiếu không có đồng thuận đều ở mức thấp nhất trong 30 năm.

Tình hình quốc tế có nhiều phức tạp tạo ra một số thuận lợi cho Việt Nam như: các nước nhận thức rõ hơn yêu cầu phải tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác đa phương, tăng cường vai trò của LHQ, trong đó có HĐBA; các nước cũng thấy rõ hơn một sự thật là: các vấn đề toàn cầu thì không thể giải quyết bằng các biện pháp đơn phương mà phải cùng phối hợp, hành động tập thể.

Và vì thế, việc Việt Nam có vị thế ngày càng được nâng cao trong khu vực và thế giới, có quan hệ ngoại giao với 189/193 nước thuộc tất cả các châu lục và có quan hệ tốt đẹp với tất cả nước lớn, trong đó có các ủy viên thường trực HĐBA LHQ cũng tạo cho chúng ta thêm thuận lợi trong quan hệ với từng thành viên và toàn thể HĐBA.

Tất nhiên, chúng ta cũng gặp một số khó khăn. Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 buộc chúng ta phải thích ứng nhanh. Khác biệt, thậm chí mâu thuẫn giữa các nước lớn cản trở quá trình đàm phán, tham vấn, ra quyết định của HĐBA. Trong nhiều vấn đề, chúng ta đứng trước thách thức phải xử lý sao cho vừa thể hiện được vai trò có trách nhiệm với công việc chung của cộng đồng quốc tế, vừa không ảnh hưởng xấu tới quan hệ với nước này hay nước khác, nhất là các nước lớn.

Trong bối cảnh đó, thưa Đại sứ, Việt Nam đã thúc đẩy các đề xuất, sáng kiến chính nào trong 2 năm qua?

Việt Nam đã đề xuất, chủ trì soạn thảo, đàm phán thông qua 2 nghị quyết về “Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân” và “Gia hạn cơ chế các tòa án còn tồn đọng”; 3 Tuyên bố Chủ tịch về “Thượng tôn Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh thế giới”, “Vai trò của các tổ chức khu vực trong thúc đẩy đối thoại và xây dựng lòng tin”, “Xử lý hậu quả bom mìn trong xung đột”; 1 Tuyên bố báo chí của HĐBA về Vụ tấn công khủng bố tại Indonesia tháng 3; 6 lượt văn kiện liên quan Ủy ban trừng phạt Nam Sudan trong các tháng 2/2020, tháng 10/2021 và tháng 12/2021; 3 lượt Chủ trì thông qua các khuyến nghị của Ủy ban trừng phạt vào các tháng 4/2020, tháng 11/2020, và tháng 4/2021.

Nhiệm kỳ Việt Nam tại Hội đồng Bảo an: “Cập bến” trong niềm tự hào
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại phiên thảo luận mở do Việt Nam tổ chức, tháng 1/2020.

Chúng ta đã tổ chức 4 sự kiện dấu ấn trong 2 tháng làm Chủ tịch HĐBA, gồm thảo luận mở về Thượng tôn Hiến chương LHQ, Hợp tác giữa LHQ và ASEAN, tháng 1/2020; Vai trò của các tổ chức khu vực trong thúc đẩy đối thoại và xây dựng long tin Xử lý hậu quả bom mìn trong xung đột, Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với cuộc sống của dân thường, Bạo lực tình dục trong xung đột trong tháng 4/2021.

Ngoài ra, Việt Nam đã tổ chức 2 cuộc họp theo thể thức Arria về tác động của nước biển dâng đối với hòa bình, an ninh quốc tế trong tháng 10/2021, trẻ em không có sự chăm sóc của bố mẹ trong bối cảnh xung đột, tháng 12/2021, và chủ trì 1 họp kín riêng của HĐBA về Myanmar, tháng 4/2021.

Chúng ta cũng tham gia cùng một số nước đề nghị họp HĐBA về Covid-19, tháng 4/2020, an ninh lương thực, tháng 6/2020, về vấn đề Palestine, tháng 5/2020; đồng tổ chức 8 phiên họp theo thể thức Arria về buôn người, an ninh khí hậu, tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạ tầng thiết yếu, tăng cường trung gian, hòa giải, tăng cường tham gia của phụ nữ trong các tiến trình hòa bình, bảo vệ lực lượng gìn giữ hòa bình trước nguy cơ thiết bị nổ tự chế, tăng cường tiếp cận về giới về các vấn đề an ninh khu vực Sahel, tác động của Covid-19 đối với chống khủng bố. Mời báo cáo viên về tình hình nhân đạo liên quan Palestine.

Việt Nam đồng bảo trợ 5 nghị quyết về An ninh, an toàn của lực lượng gìn giữ hòa bình, vaccine Covid-19, Các hành vi phạm tội nhằm vào lực lượng gìn giữ hòa bình, Chuyển đổi các phái bộ gìn giữ hòa bình, Giáo dục trong xung đột.

Có 12 phát biểu chung Việt Nam-Indonesia tại HĐBA trong năm 2020, Chủ tịch Hội thảo hàng năm E10-I5, tháng 11/2020, tham gia Nhóm nòng cốt về Biến đổi khí hậu, cùng giới thiệu dự thảo nghị quyết về biến đổi khí hậu, tổ chức chuyến Chủ tịch Ủy ban trừng phạt Nam Sudan thăm thực địa.

Việt Nam đã phát huy vị thế Ủy viên không thường trực HĐBA, tại Đại hội đồng LHQ, lần đầu tiên, Việt Nam đã đề xuất và chủ trì soạn thảo và thương lượng để Đại hội đồng LHQ thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết thành lập Ngày 27/12 là Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh, được hơn 120 nước đồng bảo trợ.

Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam cũng chủ trì xây dựng và thương lượng để Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết về hợp tác ASEAN-LHQ với số nước đồng bảo trợ cao nhất kể từ khi nghị quyết này được thông qua 2 năm một lần tại Đại hội đồng. Việt Nam cũng đã đồng sáng kiến, chủ trì vận động thành lập Nhóm bạn bè về Luật biển 1982 với số thành viên tham gia đông đảo nhất trong số các Nhóm bạn bè tại LHQ.

Nhiệm kỳ Việt Nam tại Hội đồng Bảo an: “Cập bến” trong niềm tự hào

Nhìn lại, Đại sứ có thể đánh giá kết quả Việt Nam đạt được so với mục tiêu đặt ra trước khi bắt đầu nhiệm kỳ?

Việt Nam xác định tham gia HĐBA là nhằm góp phần vào nỗ lực giữ gìn hoà bình, an ninh quốc tế; thúc đẩy cách tiếp cận đa phương, tập thể, thúc đẩy hợp tác, đồng thuận tại HĐBA, đề cao luật pháp quốc tế, hoà bình giải quyết tranh chấp… là góp phần vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để giải quyết các vấn đề nhân đạo, bảo vệ thường dân, phụ nữ, trẻ em ở các khu vực xung đột.

Hai năm qua, chúng ta luôn đề cao cách tiếp cận xây dựng, thúc đẩy hợp tác, tăng cường trao đổi để giảm thiểu khác biệt, tăng cường điểm chung. Trên nhiều vấn đề được quốc tế quan tâm, Việt Nam đã luôn nhấn mạnh cần giải quyết hoà bình các tranh chấp, tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia, đồng thời cần bảo đảm cứu trợ người dân, nhất là đối với các cộng đồng, khu vực cần viện trợ nhân đạo, chấm dứt xung đột, giao tranh, thúc đẩy đàm phán, đối thoại tìm giải pháp hoà bình, toàn diện, lâu dài cho các cuộc xung đột.

Trong các hoạt động tại HĐBA, chúng ta luôn đề cao vai trò của các tổ chức khu vực, tiểu khu vực, tầm quan trọng của việc nâng cao hiệu quả hợp tác giữa họ và LHQ. Cùng với Indonesia, chúng ta đã đóng góp tích cực vào việc gia tăng hình ảnh của ASEAN tại đây.

Bên cạnh việc tham gia đẩy đủ và đóng góp tích cực vào tất cả các hoạt động của HĐBA, ta là làm tốt nhiệm vụ Chủ tịch luân phiên của HĐBA trong các tháng 1/2020 và 4/2021, hoàn thành tốt vai trò của Chủ tịch Nhóm làm việc về các vấn đề tồn đọng liên quan tòa án và Ủy ban trừng phạt Nam Sudan.

Kết quả này góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực, tại LHQ và trong quan hệ với các nước, thể hiện hình ảnh Việt Nam tích cực, năng động, có trách nhiệm với công việc chung của cộng đồng quốc tế.

Xin Đại sứ cho biết những yếu tố nào đã giúp Việt Nam có được một nhiệm kỳ được đánh giá là thành công như vậy?

Nhiều yếu tố lắm. Các yếu tố quan trọng là: Thứ nhất, là chúng ta có vốn chính trị, đó là lịch sử hào hùng của dân tộc, những thành công trong công cuộc Đổi mới của chúng ta. Thứ hai là chúng ta có đường lối đối ngoại đúng đắn. Thứ ba là chúng ta có cơ chế chỉ đạo và cơ chế triển khai hiệu quả.

Nhiệm kỳ Việt Nam tại Hội đồng Bảo an: “Cập bến” trong niềm tự hào

Riêng đối với tôi, tôi tâm đắc 2 điều: Thứ nhất là ngoại giao Hồ Chí Minh, ngoại giao tâm công. Đối với tất cả các đối tác, khi đấu tranh phải có bản lĩnh, nhưng cũng phải có tình, có lý; khi hợp tác với họ, phải có nguyên tắc, nhưng cũng phải thấm đậm tình người. Tôi nghĩ đó chính là ngoại giao tâm công khi triển khai tại các diễn đàn đa phương như thế này, phải tranh thủ được trái tim của người ta.

Điều thứ hai mà tôi tâm đắc là lòng tin. Đảng và Nhà nước rất tin tưởng, giao cho đối ngoại, giao cho chúng tôi, tập thể Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, New York, trách nhiệm này, chính sự tin tưởng đó đã tạo cho chúng tôi động lực và bản lĩnh để hoàn thành tốt hơn với nỗ lực cao hơn những nhiệm vụ được giao phó.

Nhiệm kỳ Việt Nam tại Hội đồng Bảo an: “Cập bến” trong niềm tự hào
Nhiệm kỳ Việt Nam tại Hội đồng Bảo an: “Cập bến” trong niềm tự hào

Đại sứ có nhắc tới nỗ lực thúc đẩy quan hệ của Việt Nam với các nước thành viên khác của HĐBA cũng như các thành viên LHQ trong thời gian qua?

Việt Nam nỗ lực thúc đẩy quan hệ với các nước thành viên HĐBA tại New York, Hà Nội, thủ đô các nước, ở các cấp khác nhau, duy trì trao đổi chặt chẽ, chia sẻ quan điểm nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tránh hiểu lầm.

Ta duy trì quan hệ tốt với các nước P5 và tích cực đóng góp vào hoạt động của E10, ủng hộ nhiều sáng kiến, đề xuất của các nước này, trong đó đồng tác giả một số văn kiện, đồng tổ chức 8 phiên họp theo thể thức Arria.

Sự tham gia của Việt Nam tại HĐBA được các nước thành viên khác đánh giá tích cực, các nước coi trọng và lắng nghe ý kiến của Việt Nam trong tham gia xử lý các vấn đề phức tạp ở khu vực và toàn cầu.

Còn với các nước thành viên LHQ, chúng ta giữ liên hệ thường xuyên với các thành viên LHQ. Thực hiện nghiêm túc các cam kết khi tranh cử. Định kỳ và đột xuất thông tin, tham vấn ASEAN, Nhóm châu Á - Thái Bình Dương, các nhóm nước, các nước quan tâm đến các vấn đề HĐBA thảo luận về các nội dung trao đổi tại HĐBA.

Nhiệm kỳ Việt Nam tại Hội đồng Bảo an: “Cập bến” trong niềm tự hào
Sự tham gia của Việt Nam tại HĐBA được các nước thành viên khác đánh giá tích cực, các nước coi trọng và lắng nghe ý kiến của Việt Nam trong tham gia xử lý các vấn đề phức tạp ở khu vực và toàn cầu.

Đặc biệt, ngay sau khi trúng cử, chúng ta đã tổ chức tham vấn với các nước có vấn đề nằm trong chương trình nghị sự của HĐBA, các nhóm nước khu vực có liên quan đến các vấn đề đó để hiểu thêm vấn đề từ góc độ của nước, nhóm nước bị tác động, đồng thời, xây dựng cơ sở để duy trì quan hệ, thông tin hai chiều với các nước, nhóm nước này trong suốt quá trình tham gia xử lý các vấn đề của họ trong HĐBA.

Đây là điều, trước nay, chưa nước thành viên HĐBA nào thực hiện.

Do đó, cộng đồng quốc tế, kể cả các nước có vấn đề trong chương trình nghị sự của HĐBA, đều hiểu, thông cảm và đánh giá cao lập trường và ứng xử của Việt Nam tại HĐBA.

Nhiệm kỳ Việt Nam tại Hội đồng Bảo an: “Cập bến” trong niềm tự hào
Cộng đồng quốc tế đều hiểu, thông cảm và đánh giá cao lập trường, ứng xử của Việt Nam.

Thưa Đại sứ, sau khi kết thúc nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, chúng ta làm gì để phát huy các thành quả của hai năm qua?

Tại LHQ, chúng ta tiếp tục các ưu tiên như: thúc đẩy việc thượng tôn luật pháp quốc tế; bảo vệ dân thường, nhất là phụ nữ và trẻ em; xử lý các thách thức an ninh, trong đó có an ninh phi truyền thống.

Điều khác là chúng ta sẽ tập trung vào hoạt động tại các ủy ban như: Ủy ban 1 về các vấn đề an ninh, Ủy ban 6 về Luật pháp quốc tế; Ủy ban 3 về bảo vệ và thực thi quyền con người; Ủy ban 2 về các vấn đề phát triển…

Trong đó, chúng ta tiếp tục thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, cách tiếp cận đa phương, đề cao vai trò của luật pháp quốc tế, các tổ chức đa phương, quốc tế, trong đó LHQ có vai trò trung tâm trong ứng phó với các thách thức chung toàn cầu.

Chúng ta cũng ứng cử một số cơ quan, tổ chức quan trọng trong khuôn khổ LHQ như Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, tích cực tham gia Hội đồng Chấp hành UNESCO, Ủy ban Luật pháp quốc tế, nghiên cứu tham gia một số cơ chế, chủ đề quan trọng khác, và tích cực thúc đẩy một số sáng kiến, biện pháp đã đề ra thời gian qua như bảo vệ thường dân, bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột, luật pháp quốc tế, Nhóm bạn bè về UNCLOS, Nhóm bạn bè về biến đổi khí hậu.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Thực hiện: PHẠM HẰNG | Đồ hoạ: Phạm Anh Tuấn

Ảnh: Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, TTXVN, Báo TG&VN

Đọc thêm

Chữ ký tươi đặc biệt của Thủ tướng và 'mệnh lệnh dẫn đại bàng' sải cánh tới Việt Nam

Chữ ký tươi đặc biệt của Thủ tướng và 'mệnh lệnh dẫn đại bàng' sải cánh tới Việt Nam

Đại sứ Hoàng Anh Tuấn có mong muốn cháy bỏng đưa 'đại bàng' Mỹ tới Việt Nam để bứt tốc nền kinh tế.
Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải: Một Việt Nam không toan tính, chỉ là trái tim đủ lớn để… cho đi

Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải: Một Việt Nam không toan tính, chỉ là trái tim đủ lớn để… cho đi

Suốt cuộc trò chuyện, Đại sứ Đỗ Sơn Hải nhiều lần: Tôi nhấn mạnh, tôi khẳng định, tôi muốn nhắc lại… Đảng và Nhà nước khi cử hai đoàn cứu hộ sang giúp đỡ các bạn Thổ Nhĩ Kỳ sau thảm họa động đất hoàn toàn dựa trên tinh thần chia ngọt sẻ bùi mà không có bất kỳ một mục đích chính trị nào.
Cởi bỏ tâm lý đối phó, hãy viết câu chuyện hấp dẫn về Việt Nam!

Cởi bỏ tâm lý đối phó, hãy viết câu chuyện hấp dẫn về Việt Nam!

Một năm 2023 thành công của đối ngoại Việt Nam giúp Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cảm thấy an tâm về những thành quả của công tác thông tin đối ngoại. Tuy vậy, vẫn còn không ít bài toán cần tìm lời giải ở phía trước để những câu chuyện về Việt Nam đi sâu vào lòng người, chiếm trọn được trái tim của họ.
Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và vấn đề quyền con người

Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và vấn đề quyền con người

Cộng đồng ASEAN nói chung và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội nói riêng vừa là mục tiêu vừa là điều kiện thuận lợi giúp các nước ASEAN thúc đẩy tăng cường khả năng bảo vệ con người, nâng cao trình độ nhân quyền cho các công dân ASEAN, tạo ra bản sắc riêng của ASEAN: một Cộng đồng, một vận mệnh, thống nhất trong đa dạng.
Thế giới sẽ thế nào trong năm con rồng?

Thế giới sẽ thế nào trong năm con rồng?

Thế giới bước sang năm con rồng, với những thay đổi mang tính bước ngoặt có thể dự báo trước về địa chính trị và địa kinh tế. Những đột phá mới về khoa học - công nghệ cùng với quá trình toàn cầu hóa không thể đảo ngược sẽ giúp nền kinh tế thế giới vượt qua những “cơn gió ngược” và tiếp tục tạo động lực cho sự thay đổi tương quan quyền lực, đồng thời thúc đẩy sự chuyển dịch thế giới sang trật tự đa cực - đa trung tâm.
Lan toả mạnh mẽ hình ảnh một Việt Nam tiềm lực, vị thế và uy tín mới

Lan toả mạnh mẽ hình ảnh một Việt Nam tiềm lực, vị thế và uy tín mới

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội sáng 23/1, kết thúc rất tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos (WEF Davos 2024), thăm chính thức Hungary và Romania từ ngày 16-23/1/2024.