Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Human Genetics của Mỹ ra ngày 23/5, các nhà khoa học đến từ Thụy Điển, Anh, Mỹ, Pháp và Canada đã tiến hành nghiên cứu những trường hợp bị LOY trong hơn 3.200 người đàn ông có độ tuổi trung bình là 73. Theo đó, khoảng 17% trong số này có một số tế bào máu bị mất nhiễm sắc thể Y.
Nam giới hút thuốc lá có nguy cơ cao bị LOY (Nguồn: khoahoc.tv) |
Kết quả cho thấy, những người trước đó bị chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer có xu hướng bị LOY cao hơn, trong khi những trường hợp chưa bị chẩn đoán mắc Alzheimer nhưng bị suy giảm nhiễm sắc thể Y trong tế bào máu vẫn có khả năng bị mắc bệnh trong những năm sau đó.
Theo các nhà nghiên cứu, một người đàn ông bị LOY không đồng nghĩa với việc người này sẽ bị mắc bệnh ung thư hay Alzheimer, bởi một số người bị LOY vẫn sống bình thường mà không xuất hiện bất cứ triệu chứng nào khi họ bước sang tuổi 90. Tuy nhiên, họ cho rằng trong tương lai, LOY trong tế bào máu có thể trở thành một dấu hiệu sinh học mới để có thể đánh giá và phát hiện sớm các căn bệnh ở nam giới.
Nhiễm sắc thể Y là một trong hai nhiễm sắc thể quy định giới tính ở nam giới. Đàn ông có một cặp nhiễm sắc thể giới tính gồm một nhiễm sắc thể X và một nhiễm sắc thể Y (XY), trong khi phụ nữ có 2 nhiễm sắc thể X (XX).
Thông thường, trong quá trình phân chia tế bào, bản sao của tất cả các nhiễm sắc thể được tạo thành và phân chia thành các tế bào con. Tuy nhiên, trong quá trình phức tạp này, các nhiễm sắc thể đôi khi bị mất đi, trong đó việc mất nhiễm sắc thể Y thường hay gặp ở nam giới lớn tuổi hơn thanh niên.
Các nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra rằng, nam giới hút thuốc lá có nguy cơ cao bị LOY và việc bị LOY trong các tế bào máu có liên quan tới việc tăng nguy cơ ung thư ở nam giới.