TIN LIÊN QUAN | |
Ảnh kẻ giết đại sứ Nga đoạt giải World Press Photo 2017 | |
Ngỡ ngàng trước những bức ảnh dưới đáy đại dương 80 năm trước |
Họa sĩ Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch |
Đây là lần đầu tiên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức một triển lãm ảnh quy mô về đất nước và con người ASEAN. Ngoài mục đích kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập ASEAN, triển lãm còn có ý nghĩa gì khác, thưa ông?
Cách đây một năm, chúng tôi đã có ý tưởng và bàn bạc với Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) về chủ trương tổ chức một sự kiện văn hóa vào đúng dịp kỷ niệm Ngày thành lập ASEAN. Lãnh đạo Bộ đã ủng hộ ý tưởng và quyết định thành lập một Ban chỉ đạo và một Ban Tổ chức để lên kế hoạch chi tiết thực hiện. Không chỉ phản ánh sự phát triển của nhiếp ảnh ASEAN, triển lãm sẽ mang tới cho công chúng Việt Nam và quốc tế một bức tranh toàn cảnh, tươi sáng về đất nước và con người ASEAN.
Đất nước và con người ASEAN không phải là nội dung mới. Cuộc triển lãm lần này có gì đặc biệt?
Đúng là chúng ta đã có “Liên hoan phim, phóng sự và ảnh các nước ASEAN” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, Triển lãm “Tranh đồ họa ASEAN” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại các nước ASEAN và Đại sứ quán các nước ASEAN tại Việt Nam tổ chức, hay Cuộc thi ảnh báo chí “ASEAN – Một cộng đồng” của Liên đoàn các nhà báo ASEAN (CAJ)… Thật khó nói trước triển lãm lần này sẽ có gì đặc biệt hơn, ngoài việc chúng tôi đang cố gắng hết sức mình để chuẩn bị cho một sự kiện văn hóa ấn tượng, có ảnh hưởng lớn đến khu vực.
Nói về sự khác biệt, thay vì trao giải Nhất, Nhì, Ba… như các cuộc thi khác, Ban Tổ chức quyết định sẽ chấm một bộ giải thưởng dành cho mỗi nước ASEAN tham gia dự thi. Đây là triển lãm ảnh lần đầu tiên được tổ chức nhân kỷ niệm Ngày thành lập ASEAN nên giải thưởng chủ yếu mang tính ngoại giao, đoàn kết và vui vẻ. Đặc biệt, tác giả của mỗi nước sẽ được đài thọ sang nhận giải và thăm Việt Nam.
Nhìn từ các cuộc thi trước có thể nhận thấy sự tham gia của các nước trong ASEAN chưa thật sự đồng đều. Ban Tổ chức hy vọng gì ở cuộc triển lãm lần này?
Các cuộc thi vừa qua đã phản ánh sự phát triển chưa đồng đều về mỹ thuật và nhiếp ảnh tại ASEAN. Nhiều nước còn e dè bởi mỹ thuật và nhiếp ảnh của nước họ chưa phát triển cũng như chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, qua triển lãm, các nước có thể biết được chính xác vị trí của mình trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại ASEAN.
Chúng tôi đã tổ chức cuộc gặp gỡ với đại diện tất cả đại sứ quán các nước ASEAN tại Việt Nam và đã đưa thông tin lên hệ thống mạng của Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiệp hội nhiếp ảnh của các nước... Chúng tôi cũng thành lập một trang web riêng cho triển lãm và người tham gia có thể gửi ảnh dự thi trực tiếp tại đây. Sắp tới, chúng tôi sẽ thành lập hội đồng tuyển chọn với sự có mặt của các nhiếp ảnh gia uy tín như nhiếp ảnh gia người Singapore David Tay.... Các tác phẩm được tuyển chọn và chấm giải sẽ được trưng bày tại Vườn hoa Lý Thái Tổ (Hồ Gươm, Hà Nội).
Tính đến ngày 3/5, Ban Tổ chức đã nhận được tổng số 817 bức ảnh đến từ 238 tác giả (Việt Nam có 158 tác giả với 398 bức ảnh, các nước khác có 80 tác giả với 419 bức ảnh). Tuy nhiên, tới thời điểm này, chúng tôi mới nhận được sự tham gia của các nước Indonesia, Myanmar, Thái Lan, Philippines và Việt Nam. Chúng tôi hy vọng có sự hưởng ứng và tham gia đầy đủ của các nước thành viên như một món quà ý nghĩa nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập ASEAN. Qua bộ ảnh này, chúng ta có thể nhìn thấy một diện mạo toàn diện về đất nước và con người khu vực và giới thiệu đến công chúng trong nước cũng như khách quốc tế.
Theo ông, thành công của sự kiện liệu có tạo nên cú hích mới cho sự phát triển của nhiếp ảnh ASEAN?
Trong ASEAN, lĩnh vực nhiếp ảnh hiện ít có sự kết nối. Tôi tin cuộc triển lãm lần này sẽ tạo nên cuộc giao lưu lớn về nhiếp ảnh trong các nước ASEAN, giúp nhìn nhận sâu hơn về nhiếp ảnh của mỗi nước.
Việt Nam luôn đi đầu đề xuất các hoạt động giao lưu văn hóa nhưng với nhiếp ảnh, chúng ta vẫn chưa có nhiều triển lãm chung với các nước.
Sau sự kiện này, các nước sẽ có nhiều hoạt động nghề nghiệp hơn như tổ chức các đoàn đi thăm chéo nhau và tổ chức các cuộc triển lãm ảnh chung. Lợi thế hiện nay là các nhiếp ảnh gia có thể dùng hình thức “du lịch triển lãm” tức là kết hợp đi du lịch và mang tác phẩm đi triển lãm. Nếu hình thức này được nhân rộng, hoạt động nhiếp ảnh ASEAN sẽ trở nên sôi động và có bước phát triển khởi sắc.
Xin cảm ơn ông!
Triển lãm ảnh “Đất nước, con người ASEAN” dành cho các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và không chuyên thuộc 10 quốc gia ASEAN. Các bức ảnh giới thiệu văn hóa, xã hội, con người, kinh tế… của các nước ASEAN nhằm tăng cường sự hiểu biết, gắn kết các quốc gia, góp phần xây dựng một cộng đồng ASEAN đoàn kết, năng động, phát triển, hòa bình, thịnh vượng. Ban Tổ chức sẽ trao 10 cúp đồng hạng mang tên “Ảnh ASEAN” kèm theo 20 triệu đồng mỗi cúp. Ngoài ra, tác giả đoạt cúp “Ảnh ASEAN” còn được Ban Tổ chức đài thọ toàn bộ kinh phí vé máy bay khứ hồi đến Hà Nội (Việt Nam) nhận giải thưởng, ăn, ở trong thời gian ba ngày. Thời gian nhận tác phẩm đến hết ngày 10/6/2017. |
Những khoảnh khắc thót tim của "kẻ thách thức thần Chết" Bị gọi là "kẻ liều lĩnh", nhiếp ảnh gia 20 tuổi vẫn bất chấp nguy hiểm leo lên nóc những tòa nhà chọc trời ở ... |
Những bức ảnh về The Beatles chưa từng được biết đến Những bức ảnh này mới đây đã được nhiếp ảnh gia chuyên phụ trách hình ảnh của nhóm này tiết lộ trong một triển lãm ... |
Ấn tượng Giải thưởng nhiếp ảnh Sony Quốc tế 2017 Giải thưởng Nhiếp ảnh Sony Quốc tế (Sony World Photography Awards) được tổ chức hàng năm bởi Tổ chức Nhiếp ảnh Thế giới (WPO) vừa ... |