📞

Nhiếp ảnh gia Lâm Đức Hiền: Mekong là điều gì đó rất đặc biệt với tôi

Nguyễn Linh 11:22 | 23/07/2022
Dù đã sống và đi nhiều nơi trên thế giới, nhưng câu chuyện ngược dòng Mekong ghi lại cuộc sống của người dân đôi bờ nơi đây là một điều gì đó rất đặc biệt đối với nhiếp ảnh gia Lâm Đức Hiền.

Nhiếp ảnh gia Lâm Đức Hiền sinh năm 1966, bên bờ sông Mekong (đoạn chảy qua thị trấn Paksé, phía Nam Lào), có bố người Việt và mẹ là người Lào. Ông đến Pháp năm 1977 sau hai năm sống trong trại tị nạn ở Thái Lan.

Nhiếp ảnh gia Lâm Đức Hiền. (Ảnh: Nguyễn Linh)

Tuổi thơ của ông nằm trọn trong vòng tay bà nội và con sông Mekong (dòng sông chảy qua Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar, Tây Tạng, Trung Quốc).

Cuộc sống dù có biết bao những biến động của thời cuộc, nhưng vẫn chẳng thể làm xáo trộn ký ức thời thơ ấu ở Paksé.

Bà nội nhiếp ảnh gia Lâm Đức Hiền là một người phụ nữ Việt ở quê hương Hoa Lư, Ninh Bình phải di tản vì chiến tranh.

Một ngày, nhiếp ảnh gia Lâm Đức Hiền bày tỏ muốn được về thăm quê hương của bà và ông đã có một hành trình đáng nhớ…

Trở lại thăm cố hương

Lâm Đức Hiền sau khi học ngôn ngữ hai năm, quay ra theo đuổi nghệ thuật và học đủ thứ từ hội họa, nhiếp ảnh, điêu khắc.

Ngay từ khi bắt đầu, chính ông cũng chưa từng nghĩ bản thân sẽ làm nhiếp ảnh. Nhưng, biến động thời đại đã đưa ông đến gần với công việc này.

Lâm Đức Hiền từng là người tị nạn, ông lớn lên trong giai đoạn chiến tranh loạn lạc. Việc có một tuổi thơ đầy biến động không chỉ mang lại cho ông nhiều trải nghiệm phong phú mà còn là chất xúc tác mãnh liệt trong cuộc sống cũng như công việc của ông.

Có thể nói, ông là nhân chứng của những cuộc xung đột lớn nhất thế kỷ XX và XXI tại nhiều quốc gia như Romania, Nga, Bosnia, Rwanda, Nam Sudan... và đáng kể nhất là Iraq - nơi mà ông gắn bó hơn 25 năm và cũng là nơi ông từng có 2 lần suýt chết.

Khi là phóng viên chiến trường, Lâm Đức Hiền thường “bỏ quên” cảm giác sợ hãi. Nhưng sau 2 lần suýt chết tại Iraq ấy, ông cảm thấy sợ. Ông tự hỏi bản thân nếu không chụp ảnh thì sẽ làm gì khi trở lại Pháp. Rất lâu sau khi đặt máy ảnh xuống, Lâm Đức Hiền bỗng nhận ra muốn làm công việc này cho đến chết.

Trong lần trở về Lào, ông muốn một lần nữa sống lại tuổi thơ nơi ôm ấp ký ức hạnh phúc thời tấm bé. “Cũng muốn đổi nghề, nhưng đổi không được bởi yêu cái nghề này quá rồi, phải trở lại với nhiếp ảnh và dự án Mekong Chuyện đôi bờ đã đưa tôi quay trở lại với đam mê của mình”, nhiếp ảnh gia Lâm Đức Hiền chia sẻ.

Lâm Đức Hiền nhớ lại chuyến trở về quê hương của bà nội ở Hoa Lư mà không báo trước với ai - chuyến đi để lại trong ông nhiều xúc cảm nhất.

Ông bất ngờ khi tại Hoa Lư, nhiều người dân xung quanh, họ nhận ra bà nội ông. “Họ cứ vậy mà ôm chặt chúng tôi, ngày hôm ấy tôi thật sự đã nhận được tình yêu thương, sự tự hào - sợi dây gắn kết giữa những người con đất Việt ở bất cứ nơi nào trên thế giới”, nhiếp ảnh gia Lâm Đức Hiền kể lại.

Trong một tháng ở cố đô Hoa Lư, ông dành nhiều thời gian bên bà nội, đắm chìm trong hương vị thân thuộc không nơi nào có, đó là ẩm thực quê hương, là lắng nghe những câu chuyện về Việt Nam.

Dường như, đối với nhiếp ảnh gia tha hương mang tên Lâm Đức Hiền, đó là khoảng thời gian quý giá để tìm lại nội tâm thời thơ ấu, đồng thời nhìn ngắm và ghi lại hết vẻ đẹp hiền hòa, thanh bình của quê hương qua những bức ảnh.

Tại Ninh Bình, ông đã ghi được khoảnh khắc một người phụ nữ cùng đứa con của mình đang nằm ngủ trên chiếc thuyền và sau này đã được triển lãm nhiều lần.

Bức ảnh một người phụ nữ cùng đứa con của mình đang nằm ngủ trên chiếc thuyền ở Ninh Binh được nhiếp ảnh gia Lâm Đức Hiền ghi lại trong chuyến trở về quê hương Việt Nam. (Ảnh: Lâm Đức Hiền)

Trong hành trình tìm về cội nguồn, Lâm Đức Hiền đã tìm lại cho mình bao ký ức thời tấm bé. Như câu chuyện và hình ảnh người phụ nữ Việt ở Cần Thơ như thước phim tua chậm về Lâm Đức Hiền của nhiều năm về trước.

Ngày hôm ấy, Lâm Đức Hiền là vị lữ khách trên thuyền do người phụ nữ Việt chèo. Trong không khí nóng ẩm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, người phụ nữ lái thuyền ấy vừa đưa mái chèo, vừa cất lên những giai điệu… “Dưới ánh hoàng hôn đổ rực, giai điệu da diết ấy đã gieo vào lòng tôi một rung cảm mãnh liệt, ngỡ như mình đang sống trong một bộ phim hay một trang sách”, Lâm Đức Hiền bồi hồi nhớ lại.

Nhiều năm trong nghề, đi qua bao bom đạn nơi chiến trường đã giúp Lâm Đức Hiền kìm nén nước mắt đang trực trào trước thước phim của tuổi thơ…

Đó là một xúc cảm thân thuộc đến khó tả, một xúc như những câu chuyện bà nội đã kể cho ông nghe về cuộc sống ở Việt Nam, một xúc cảm đưa Lâm Đức Hiền tìm thấy tuổi thơ của mình qua những bài hát Việt Nam.

Nhiếp ảnh là mang đến những hy vọng

Lâm Đức Hiền không cho rằng mình là phóng viên ảnh, càng không cho rằng nhiếp ảnh là một nghề để kiếm sống. Đối với ông, nhiếp ảnh chính là phương tiện tuyên truyền nguyên nhân đồng thời ghi lại hậu quả của những cuộc chiến vô nghĩa đang xảy ra đâu đó ngoài kia. Ông coi mình là một kẻ lữ hành sử dụng hình ảnh để truyền tải hiện thực, góc nhìn chủ quan và cảm xúc của bản thân.

Nhìn lại những dự án ảnh mà Lâm Đức Hiền theo đuổi, người xem dường như thấy trong đó là những con người cùng những câu chuyện xung quanh đó.

Đó có thể là câu chuyện về những con người tị nạn, sống trong chiến tranh, bạo lực và bất công... Dường như thông qua các bức ảnh kể lại chuyện vui, buồn của mỗi nhân vật trong ảnh, cũng là cách để Lâm Đức Hiền chia sẻ những ký ức về gia đình, tuổi thơ của ông.

Một tác phẩm trong dự án "Chuyện đôi bờ" của nhiếp ảnh gia Lâm Đức Hiền. (Ảnh: Lâm Đức Hiền)

Với mỗi tác phẩm, Lâm Đức Hiền dành phần lớn thời gian để gặp gỡ, quan sát, lắng nghe và hiểu nhân vật, tìm kiếm đồng cảm như “họ đang kể câu chuyện của người khác, từ chính câu chuyện của họ”.

“Tôi chợt nhận ra chính mình trong đó, từ lâu cuộc sống của tôi đã vốn chưa đựng nhiều cuộc sống”, nhiếp ảnh gia đi dọc bờ sông Mekong nói.

Trong lần trở về Việt Nam mới đây nhất để tham gia chương trình Bình dị & Phi thường: Photo camp cùng Lâm Đức Hiền trong khuôn khổ Festival Huế 2022, Lâm Đức Hiền chia sẻ với những người Việt trẻ yêu nhiếp ảnh, khi chụp ảnh người nước ngoài, bản thân không biết ngôn ngữ địa phương thì có thể sử dụng ngôn ngữ hình thể.

Với nhiếp ảnh gia đi dọc bờ Mekong và ghi lại cuộc sống, câu chuyện của người dân ở hai bên bờ, người chụp ảnh không nhất thiết phải dùng ngôn ngữ bản địa, nhưng bằng cách nào đó của riêng mình, hãy làm quen nhân vật, làm nhân vật quen mình thì chụp chân dung mới dễ được.

“Khi chụp tôi dùng mọi giác quan của mình để cảm nhận, tôi nghe tiếng người ta nói, không hiểu nhưng khi nghe tôi tìm thấy cảm xúc, người ta nói làm mình vui hay làm mình buồn, giọng nói của họ khiến mình cũng biết người ta đang buồn hay đang vui. Dùng khứu giác để cảm nhận được mùi hương, có ký ức được đánh thức qua mùi hương. Và có những bức ảnh phải nhiều năm mới chụp được”, Lâm Đức Hiền nói.

Ông hy vọng, những người trẻ yêu nhiếp ảnh, thông qua photocamp sẽ chụp được những bức ảnh mang thông điệp tích cực. Dù phần lớn chụp ảnh chiến tranh, nơi bom đạn giao tranh thì đau buồn là không tránh khỏi, người thiệt mạng cũng rất nhiều, nhưng hiếm khi ông chụp người chết.

Bởi, với Lâm Đức Hiền, chụp ảnh không phải là để phô bày nỗi khổ đau của con người. Ông quan niệm, những bức ảnh của mình phải mang lại hy vọng. Dù khó khăn thế nào cũng vẫn phải có những hy vọng, người đang sống là còn hy vọng, còn hy vọng là còn mạnh mẽ và sẽ vượt lên số phận.