📞

Nhiếp ảnh gia Lâm Đức Hiền: Việt Nam là trái tim tôi

AN VŨ 09:15 | 29/05/2021
Chiêm ngưỡng những bức ảnh của nhiếp ảnh gia người Pháp gốc Việt - Lâm Đức Hiền sẽ thấy rõ mối liên kết với những mảnh đất, những nền văn hóa và những phận người. Nhưng cuối cùng, cội nguồn vẫn là nơi ông trở về.

Sinh năm 1966 bên bờ sông Mekong (đoạn chảy qua thị trấn Paksé, phía Nam Lào), Lâm Đức Hiền có bố người Việt và mẹ là người Lào. Ông đến Pháp năm 1977 sau hai năm sống trong trại tị nạn ở Thái Lan.

Nhìn lại những dự án ảnh mà Lâm Đức Hiền thực hiện trong cả sự nghiệp sẽ thấy ông là nhân chứng của những cuộc xung đột lớn nhất thế kỷ XX và XXI tại nhiều quốc gia như Romania, Nga, Bosnia, Rwanda, Nam Sudan... và đáng kể nhất là Iraq - nơi mà ông gắn bó hơn 25 năm.

Thế rồi, người đàn ông lại ngược về với hành trình dài 4200 km dọc dòng sông Mekong, từ đồng bằng sông Cửu Long tới thượng nguồn Tây Tạng, để trở lại về những ký ức tuổi thơ của mình.

Nhiếp ảnh gia Lâm Đức Hiền.

Hành trình của người tha hương

Lâm Đức Hiền kể rằng, là một người gốc Á tới Pháp, sau khi học ngôn ngữ hai năm, ông quyết định theo đuổi nghệ thuật và học đủ thứ từ hội họa, nhiếp ảnh, điêu khắc... Vào mùa Đông năm 1990, khi còn là sinh viên, ông đã đi tàu từ Pháp tới Italy, đặt chân tới Nam Tư rồi bắt xe buýt và đi bộ tới biên giới, tìm cách đến Timișoara (Romania) để khám phá cuộc sống ở vùng đất này.

Thời gian sau, dù đã trở về học đại học ở Lyon, những với sự hỗ trợ của một tổ chức Pháp, ông quay lại Timișoara cùng bạn bè để hoạt động từ thiện. Quan điểm của ông là nghệ sĩ phải biết quan tâm tới chính trị và cuộc sống. Ông phản đối chiến tranh, sự bất công, tham nhũng, độc tài và chụp ảnh chính là một cách để tố cáo những vấn đề đó, cũng như được nói lên những bức xúc trong lòng mình.

Năm 1991, Lâm Đức Hiền đặc biệt quan tâm người Kurd ở Iraq phải chạy trốn lên núi để thoát nạn diệt chủng. Khi đã chụp nhiều hình ảnh trẻ em đau thương chết chóc tại Iraq, ông bắt đầu chụp ảnh chân dung, hướng đến đặc tả khuôn mặt mà không kèm bối cảnh minh hoạ. Theo ông, nhìn đôi mắt họ, ta có thể nhìn thấu những mỏi mệt và buồn khổ.

Tuy nhiên, Lâm Đức Hiền không coi mình là phóng viên ảnh. “Nếu người ta thường cho rằng người phóng viên phải đưa ra góc nhìn khách quan, nhưng góc nhìn của tôi là chủ quan và cho thấy hiện thực của riêng tôi. Tôi cũng chẳng phải là nhiếp ảnh gia, chỉ là một kẻ lữ hành và một con người biết tự trọng”.

Tác phẩm trong dự án Mekongv của nhiếp ảnh gia Lâm Đức Hiền.

Trái tim tìm về cội người

Gắn bó lâu với cuộc sống ở Iraq nhưng sau một lần thoát chết tại đây, Lâm Đức Hiền lại muốn quay về sông Mekong. Từng sinh ra bên bờ sông này, từng bơi trong lòng sông và dành cả tuổi thơ hạnh phúc bên bà nội trước khi phải xa bà trong nhiều năm, ông cảm thấy nhớ gia đình mình da diết.

Cũng theo nhiếp ảnh gia, trong tiếng Lào và tiếng Thái, “Mekong” có nghĩa là mẹ của các dòng sông và nó thật trùng khớp với câu chuyện của ông - một đứa trẻ được bà nuôi nấng từ nhỏ. Thay vì lần theo lịch sử của con sông này, ông muốn thể hiện sông Mekong qua góc nhìn của người dân nơi đây, cách họ đang sống, hoạt động kinh tế, nông nghiệp, đánh bắt thuỷ sản ngày nay.

Nói về dự án Mekong Lâm Đức Hiền kể ông đã mang theo nhiều máy ảnh để chụp, tự tráng rửa film và đi du ngoạn như thời thế kỷ XIX. Nhiều khi, ông cũng mất cả nửa tiếng để chụp được một tấm ảnh.

Bôn ba khắp mọi nơi, nhưng Lâm Đức Hiền lại khẳng định Việt Nam chính là trái tim ông. Đặc biệt, khi trở về, ông đã được ăn những món gợi nhắc về những ngày thơ bé. Không uống được rượu nhưng ông rất yêu thích món nếp cẩm bà nội hay làm. Mỗi lẫn tới Hà Nội, bạn bè ông lại dẫn đi ăn nếp cẩm khiến ông nhớ bà mình...

Suốt những năm tháng dài mang theo máy ảnh, Lâm Đức Hiền cũng có lúc bỏ nghề và công việc tại các hãng ảnh bởi muốn làm những việc khác và được là chính mình. Ông không muốn ép buộc bản thân, cần tự do và có nhiều thú vui trong đời như tập yoga, gặp những người bạn, làm vườn, trồng hoa, thưởng trà, hưởng thụ những điều nhỏ bé.

Vào những ngày này, những người yêu nhiếp ảnh có thể Viện Pháp tại Hà Nội để chiêm ngưỡng các tác phẩm trong triển lãm “Mekong - Chuyện đôi bở” của Lâm Đức Hiền do Không gian nghệ thuật Matca giám tuyển.

Triển lãm diễn ra trong khuôn khổ chương trình Photo Hanoi'21 khởi xướng nhằm kết nối công chúng với những khía cạnh đa dạng của nhiếp ảnh sẽ đưa khán giả đi thăm thú cuộc sống muôn màu của người dân dọc theo dòng Mekong, qua Việt Nam, ngược lên Campuchia, Lào và Tây Tạng.

Qua những tấm ảnh, Lâm Đức Hiền còn muốn nhắc đến vấn đề ô nhiễm nguồn nước hay việc đánh bắt tôm cá quá mức đe dọa sự cân bằng sinh thái của dòng sông ở cả bốn quốc gia... Có thể thấy, lớn lên trong chiến tranh, ông đã dành tâm huyết với những góc nhìn nhân đạo, về quyền trẻ em và vấn đề môi trường.

Lâm Đức Hiền đã chụp ảnh nhiều vùng đất trên thế giới, bao gồm những dự án cá nhân hay các công việc phục vụ báo chí hoặc các tổ chức phi chính phủ, là thành viên của hãng ảnh VU’ agency. Ông đã đoạt nhiều giải thưởng nhiếp ảnh, trong đó có những giải danh giá như Giải thưởng Leica, Giải Great European của thành phố Vevey (Thụy Sỹ). Đáng chú ý, năm 2001, Cuộc thi Ảnh Báo chí Thế giới đã trao ông giải Nhất hạng mục Chân dung cho bộ ảnh “Người Iraq”.