Bia hơi bình dân nằm trong diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế đề nghị tăng 50%, kém thuế suất của rượu là 5%. Ảnh: Trần Việt Đức |
BHYT: đóng nhiều nhưng hưởng ít
Từ kỳ họp lần trước, nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng về những sự bất thuận tiện cho người dân có mua BHYT khi đi khám chữa bệnh mà dự án luật BHYT khi đó chưa có những điều khoản để khắc phục. Ví dụ như quy định cứng về việc phải khám chữa bệnh đúng tuyến, lấy lý do là để tránh tình trạng người dân dồn hết lên tuyến bệnh viện tỉnh, bệnh viện trung ương. Nhưng thực tế, có nhiều người đóng tiền mua BHYT thường xuyên phải đi công tác, mỗi khi bị bệnh nặng, không thể nào về chữa bệnh đúng tuyến. Nhiều trường hợp gặp tai nạn, cần phải đưa ngay vào các cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu, khám chữa bệnh thì thủ tục để chuyển viện, thủ tục để được chi trả BHYT là rất phức tạp. Trong dự thảo luật trình ra Quốc hội lần này, ban soạn thảo dự án vẫn quy định người mua BHYT vẫn phải lựa chọn một cơ sở y tế ban đầu để đăng ký khám chữa bệnh BHYT. Đại biểu Lê Dũng (Tiền Giang) nói rằng, cách xử lý, giải thích của ban soạn thảo không ổn, bởi để tránh tình trạng quá tải, có thể cho người mua BHYT được khám chữa bệnh ở tất cả các cơ sở y tế có đủ điều kiện khám, điều trị, kể cả cơ sở của tư nhân ở cấp quận, huyện trên toàn quốc.
Dự án luật BHYT lần này cũng chưa có một giải pháp nào hiệu quả để xử lý vấn đề thiếu công bằng giữa các đối tượng có tham gia BHYT. Như đại biểu Quốc hội của tỉnh Đồng Nai, bà Trương Thị Thu Hằng nhận xét, trong tổng số người mua BHYT, có 25% là người hưởng lương từ ngân sách nhà nước nhưng đóng tới 90% quỹ BHYT. Nhưng chính họ phải cùng chi trả ở mức cao nhất là 20%. Đến khi nghỉ hưu, họ chỉ được chi trả 95% chi phí khám chữa bệnh. Trong khi, kết quả khảo sát cho thấy, nhóm đối tượng này lại rất ít sử dụng tấm thẻ BHYT khi còn đang làm việc. Đóng nhiều nhất nhưng lại được hưởng ít nhất là một điểm bất hợp lý lớn nhất của BHYT hiện nay mà dự án luật không có điều khoản nào khắc phục.
Thuế TTĐB: không “đặc biệt” vẫn bị tính thuế
Dự án luật thuế TTĐB lần đầu tiên trình Quốc hội (nhưng sẽ được thông qua ngay tại kỳ họp) gặp ngay những ý kiến không đồng tình từ cơ quan thẩm tra – uỷ ban Kinh tế của Quốc hội. Ví dụ như các khoản thuế đánh vào một số mặt hàng, dịch vụ như máy điều hoà nhiệt độ, các mặt hàng mỹ phẩm và dịch vụ làm đẹp… Bởi, theo uỷ ban Kinh tế của Quốc hội thì những mặt hàng, dịch vụ này đã trở thành những thứ hàng tiêu dùng phổ thông, thiết yếu trong đời sống. Hay như các loại xe bán tải dưới 24 chỗ ngồi hiện nay chủ yếu được dùng để chở công nhân, tư liệu sản xuất… cũng bị đưa vào diện chịu thuế TTĐB. Việc áp thuế TTĐB với các hàng hoá, dịch vụ này là khiên cưỡng nhưng các tác giả soạn luật vẫn giữ nguyên quan điểm, không loại trừ khỏi danh mục chịu thuế.
Cho dù đã qua hàng chục cuộc hội thảo lớn, nhỏ để lấy ý kiến, chỉnh sửa… nhưng hai dự án luật vẫn còn có những quy định thiếu tính công bằng, không rõ ràng về mục đích, không thuận tiện cho đối tượng điều chỉnh của luật |
Nhiều đại biểu Quốc hội tuy đồng tình với yêu cầu điều chỉnh thuế với nhiều sản phẩm hàng hoá như ô tô, bia, rượu… nhưng cho rằng mức thuế đề nghị tăng thêm quá cao. Ví dụ như mặt hàng ô tô, có nhiều loại mức thuế đề nghị tăng tới 30 – 70%. Ông Phùng Quốc Hiển, chủ nhiệm ủy ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội nói rằng, mức điều chỉnh như vậy là “quá lớn, có thể gây biến động lớn trên thị trường và ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”. Uỷ ban Tài chính – ngân sách đã đề nghị giảm thuế suất của mỗi loại xuống còn 10%. Tương tự, với mặt hàng rượu, bia tươi, bia hơi mức thuế đề nghị tăng khá mạnh so với hiện hành. Thuế suất với bia tươi năm 2008 tăng lên 40%, năm 2009 lên 50% (gần bằng thuế suất của rượu là 55%)… gọi là để “thực hiện theo đúng cam kết WTO”… đã không thuyết phục được nhiều đại biểu Quốc hội. Một ý kiến đáng ghi nhận là trong bối cảnh lạm phát, lãi suất vay ngân hàng rất cao như hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn nếu thuế suất nhiều mặt hàng tăng cao sẽ càng đẩy doanh nghiệp vào thế bí, sản lượng giảm và nó sẽ tác động làm giảm ngay thu ngân sách.
Những sai sót như ở hai dự án luật trên cũng rất phổ biến ở cách thức xây dựng nhiều dự án luật hiện nay. Cơ quan thi hành dự án luật lại chính là cơ quan xây dựng luật nên bản thân cơ quan đó không nhìn thấy hết những yếu kém, hạn chế trong ngành. Thậm chí, có nhiều cơ quan lại đưa ra những điều luật để bảo vệ cho những lợi ích cục bộ thì không dễ gì những góp ý, phản biện để bác bỏ nó được dễ dàng tiếp thu. Chỉ hy vọng rằng, các đại biểu Quốc hội sẽ thể hiện quan điểm rõ ràng, dứt khoát với những dự án luật có nội dung chưa đáp ứng đòi hỏi, lợi ích của cử tri mà mình đại diện, khi bấm nút thông qua hay không thông qua dự án luật đó.
Theo SGTT