TIN LIÊN QUAN | |
Hàn Quốc giới thiệu nông sản tiêu biểu đến người tiêu dùng Việt | |
Bắc Kạn lần đầu giới thiệu hồng không hạt đến người tiêu dùng Thủ đô |
Những vi phạm quyền người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử ngày càng phổ biến. (Nguồn: Cafebiz) |
Ngày 23/7, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam đã tổ chức Hội thảo "Góp ý một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nghị định hướng dẫn thi hành" nhằm tìm các giải pháp hiệu quả hơn để bảo vệ người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2010. Đến nay sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật đã từng bước đi vào cuộc sống và tạo ra hành lang pháp lý giúp người tiêu dùng trở thành "thượng đế" khi bước vào thị trường hàng hóa, dịch vụ.
Tuy nhiên, trong 10 năm thực thi, Luật đã bộc lộ nhiều hạn chế và không đáp ứng đủ nhu cầu thực tiễn xã hội như tên gọi "bảo vệ người tiêu dùng". Quyền lợi cơ bản của người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng.
Một số quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không còn phù hợp với mô hình thương mại điện tử và kinh doanh trên mạng. Vì thế, đã xuất hiện việc xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng như hàng hóa không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, quảng cáo sai sự thật, không có địa chỉ kinh doanh cụ thể, không có hóa đơn chứng từ…mà không được xử lý.
Dẫn chứng về những hạn chế trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông Hùng cho hay, Khoản 3, Điều 24, Nghị định 99 quy định điều kiện tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi vô tình đã hạn chế, bất lợi cho ngăn chặn hành vi vi phạm. Vì dù mới thành lập hay đủ 3 năm, việc Hội khởi kiện một vụ ra tòa vẫn cần đến vai trò luật sư, như Hội Bến Tre phối hợp Văn phòng Luật sư Phan Law, sau 2 năm kiên trì mới thắng kiện trong vụ 190 người bị ngộ độc thực phẩm.
Luật sư Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Những vi phạm về an toàn thực phẩm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng. Bộ Luật hình sự đã xác định hành vi vi phạm quy định an toàn thực phẩm mà sản phẩm có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên, gây ngộ độc, gây tổn hại sức khỏe người tiêu dùng, thì sẽ bị xử lý hình sự. Quy định này đã có định lượng rõ ràng, không cần có hậu quả xảy ra vẫn có thể xử lý hình sự được. Tuy nhiên Luật chưa quy định bồi thường thiệt hại cho người sử dụng mặc dù những chất độc hại tích tụ sẽ di hại sức khỏe về sau. Đây là điều thiệt thòi lớn nhất của người tiêu dùng, cho nên cần phải quy định cho những trường hợp chứng minh người tiêu dùng đã sử dụng sản phẩm độc hại, dù chưa phát sinh trong hiện tại".
Còn TS. Lương Đăng Ninh - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Lạng Sơn lại cho rằng, nhận thức của người tiêu dùng về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn rất mờ nhạt.
"Kết quả các cuộc khảo sát cho thấy chỉ có khoảng 15% người tiêu dùng được đọc Luật này, còn lại chưa biết, cũng chưa biết mình có các quyền và nghĩa vụ gì để tự bảo vệ. Do vậy các đơn thư khiếu nại gửi đến hội và các cơ quan chức năng của nhà nước rất ít, khi đó các vụ xâm phạm của các tổ chức và cá nhân kinh doanh ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng còn tương đối phổ biến. Nhiều người bị xâm phạm quyền lợi nhưng không biết phản ánh với cơ quan, tổ chức nào, không biết địa chỉ để khiếu nại", ông Ninh cho hay.
Bên cạnh đó, cũng còn rất nhiều người vẫn tin tưởng vào những quảng cáo sai sự thật trên mạng, dễ dãi mua hàng, dẫn đến những thiệt hại không đáng có. Hơn nữa, một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý e ngại khiếu nại, không tố giác những hành vi sai trái khi mua phải hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng, không được đảm bảo các quyền lợi bảo hành... gây nhiều khó khăn cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ông Ninh đề xuất cần bổ sung các khái niệm mới như: Thông tin (cá nhân) của người tiêu dùng, hàng hóa, các chủ thể mới xuất hiện trong các hình thức kinh doanh như mạng xã hội nhượng quyền 4.0, Facebook, Zalo…vào văn bản pháp quy để bảo vệ người tiêu dùng.
| Để người Việt ưu tiên dùng hàng Việt TGVN. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được phát động từ năm 2009. Nhưng để hàng Việt Nam ... |
| Sơn La quảng bá nhãn và nông sản an toàn tới người tiêu dùng Từ ngày 3-9/8, tại Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Hà Nội) diễn ra “Tuần lễ nhãn và nông sản an toàn tỉnh ... |
| Quảng bá cá sạch sông Đà tới người tiêu dùng Hà Nội Ngày 30/6, tại siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội), Tuần lễ cá sông Đà Hà Nội năm 2018 đã chính thức khai mạc, ... |