📞

Nhìn lại 4 năm thực thi EVFTA: Đường còn dài hãy cùng nhau bước tiếp...

Linh Chi 08:30 | 13/08/2024
EVFTA đã cùng Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) trải qua nhiều "cơn gió ngược" như đại dịch Covid-19 hay những thay đổi địa chính trị.
Đến nay, Hiệp định EVFTA cơ bản đạt mục tiêu đề ra trong thúc đẩy quan hệ tổng thể giữa hai bên. (Nguồn: VGP)

Ngày 1/8/2020, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam-EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực. Đây là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện nhất mà EU đã ký kết với một nước đang phát triển trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Sau 4 năm đi vào thực thi (năm 2020-2024), EVFTA cùng Việt Nam và EU trải qua nhiều "cơn gió ngược" như đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu hay những thay đổi địa chính trị. Tuy vậy, những thành tựu thương mại đạt được trong thời gian qua đã trở thành điểm nhấn trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai bên.

Đến nay, Hiệp định EVFTA cơ bản đạt mục tiêu đề ra trong thúc đẩy quan hệ tổng thể giữa hai bên. EU trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam và ngược lại, Việt Nam trở thành quốc gia có thị phần lớn nhất so với các nước trong khu vực ASEAN xuất khẩu vào EU.

"Hào quang" lớn nhất

Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), trong số những FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia, EVFTA là hiệp định đem lại kết quả tích cực nhất.

Sau 4 năm EVFTA có hiệu lực, thương mại được xem là "hào quang" lớn giữa hai bên. Trong 4 năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khối 27 thành viên ước tính đạt khoảng 200 tỷ USD, tăng trưởng từ 12% đến 15%.

Riêng tháng 7/2024, Việt Nam xuất siêu sang EU ước đạt 20,1 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2023; kim ngạch xuất khẩu tăng 15,8%; nhập khẩu tăng 8,7%. Khối 27 thành viên nằm trong tốp 6 thị trường xuất, nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong nửa đầu năm 2024, xuất khẩu sang đa số các thị trường chủ lực trong EU đều tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, Hà Lan là thị trường xuất khẩu nhiều nhất, đạt hơn 6,14 tỷ USD, chiếm 24,88% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU, tăng 27,12% so với cùng kỳ năm 2023. Tiếp theo là thị trường Đức đạt gần 3,82 tỷ USD, chiếm 15,46%, tăng 3,27%; Italy đạt gần 2,53 tỷ USD, chiếm 10,23%, tăng 9,23%…

Ở chiều ngược lại, nhờ "tuyến cao tốc" EVFTA, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng có nhiều cơ hội tiếp cận với sản phẩm hàng hóa đa dạng và chất lượng cao từ châu Âu với giá thành hợp lý hơn. Biểu thuế nhập khẩu cho nhiều sản phẩm từ châu Âu vào Việt Nam đang giảm theo lộ trình đến 0% theo cam kết của Hiệp định.

Vải thiều Việt Nam được bày bán tại siêu thị Carrefour Tongres ở thủ đô Brussels. (Nguồn: TTXVN)

Hơn cả lợi ích thương mại...

Với EVFTA, Việt Nam trở thành một trong hai nước ASEAN duy nhất (cùng với Singapore) có hiệp định thương mại tự do với EU.

Hơn cả lợi ích thương mại, Hiệp định góp phần củng cố vị thế của Việt Nam với vai trò là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các nước châu Âu, góp phần tạo đột phá trong đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.

Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) được ký kết cùng lúc với EVFTA vẫn đang trong quá trình phê chuẩn, chưa được thực thi nhưng dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam có sự bứt tốc đáng kể trong những năm qua.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/8/2021, EU có 2.240 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 22,25 tỷ USD, chiếm 5,55% tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam. Quy mô dự án bình quân của EU tại Việt Nam là 9,9 triệu USD/dự án, thấp hơn quy mô dự án bình quân chung là 11,7 triệu USD/dự án.

EVFTA đã góp phần đưa EU lên vị trí thứ 6 trong số các nhà đầu tư FDI nhiều nhất vào Việt Nam với 28 tỷ Euro vào 2.450 dự án.

Đáng chú ý, Việt Nam đã "chiếm" được niềm tin của doanh nghiệp EU vào nền kinh tế và thu hút được hơn 800 triệu Euro đầu tư trong 9 tháng đầu năm 2023 trong bối cảnh xu thế FDI toàn cầu suy giảm.

Lũy kế đến hết nửa đầu năm 2024, Hà Lan là quốc gia có số vốn đầu tư lớn nhất trong số các quốc gia thuộc EU vào Việt Nam với 14,56 tỷ USD cho 441 dự án.

Tương lai xa hơn, với những với chính sách kinh doanh cởi mở và ngày càng toàn diện hơn của Chính phủ Việt Nam, doanh nghiệp châu Âu thể hiện niềm tin ngày càng tăng vào nền kinh tế, môi trường đầu tư của đất nước Đông Nam Á.

Trên tuyến "đường cao tốc" EVFTA, cả Việt Nam và EU còn nhiều vấn đề cần cải thiện. Ảnh minh họa. (Nguồn: Moit.gov)

Cùng nhau vượt khó!

Gặt hái được nhiều "trái ngọt" như vậy nhưng không thể phủ nhận, trên tuyến "đường cao tốc" EVFTA, cả Việt Nam và EU còn nhiều vấn đề cần cải thiện. Đơn cử như tỷ lệ xuất khẩu còn thấp, hàng Việt Nam chỉ chiếm hơn 2% dung lượng thị trường EU. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp mới đạt hơn 20%.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cũng nhìn nhận, với thị trường EU, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận bởi nhiều tiêu chuẩn khắt khe liên quan đến chất lượng hàng hóa.

Bên cạnh đó, ngoài doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đa phần doanh nghiệp Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu riêng hay có chiến lược phù hợp để nâng cao độ nhận diện tại thị trường EU. Một số doanh nghiệp chưa nhận thức được đầy đủ, rõ ràng về cơ hội, lợi thế mà EVFTA mang lại. Những hạn chế này ảnh hưởng đến khả năng doanh nghiệp Việt tận dụng ưu đãi của EVFTA để phát triển và mở rộng thị trường tại châu Âu.

Trong khi đó, khối 27 thành viên đang xây dựng rất nhiều quy định mới về lao động và môi trường để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng. Quá trình này sẽ có tác động đến hàng hóa nhập khẩu vào EU.

"Ngoài ra, hiệp định chỉ thành công nếu Việt Nam cùng EU thiết lập được các chuỗi cung ứng mới và có sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp hai bên. EVIPA là một cấu phần của EVFTA, sau đó được tách ra phê chuẩn riêng nhưng đến nay một số nước EU vẫn đang trong quá trình hoàn tất thủ tục trong nước và chưa thể đưa vào thực thi", ông Lương Hoàng Thái bày tỏ.

Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và EU Trần Ngọc Quân nhận định, khối 27 thành viên hiện có xu hướng chuyển đổi mạnh với những quy định nghiêm ngặt liên quan đến chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, chống phá rừng…

Để vượt qua các thách thức nói trên, ông Lương Hoàng Thái nêu những giải pháp như:

Thứ nhất, Việt Nam quyết tâm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh thông qua thực hiện những sửa đổi, bổ sung về các quy định pháp luật trong nước, hoàn thiện thể chế nhằm xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Thứ hai, duy trì và mở rộng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về EVFTA thông qua các hình thức như tổ chức hội thảo, tọa đàm, tuyên truyền qua sách báo, tạp chí, các ấn phẩm và các trang thông tin điện tử nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức của doanh nghiệp về EVFTA.

Thứ ba, Việt Nam phối hợp với EU để giúp doanh nghiệp đáp ứng các quy định mới về lao động và môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm do EU ban hành.

Thứ tư, điểm mấu chốt là cần hỗ trợ doanh nghiệp; trong đó có doanh nghiệp vừa và nhỏ cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đồng quan điểm, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Nguyễn Cẩm Trang khuyến nghị, các doanh nghiệp cần chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh và giao hàng; chủ động đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ, tạo ra những sản phẩm có chất lượng, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường EU.

Khi EVFTA bước sang năm thứ 5 của quá trình thực thi, khó khăn, thách thức vẫn còn ở phía trước chờ Chính phủ, doanh nghiệp hai phía cùng "gỡ". Song hành với đó, vẫn còn dư địa lớn để cả hai bên tận dụng triệt để những lợi ích, gặt hái "trái ngọt" từ hiệp định lịch sử này.