Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ hoạt động của thị trường lao động. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Chung sức vượt khó
Dịch bệnh bùng phát gây nhiều khó khăn cho người lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống; việc chăm sóc, giáo dục con cái có nhiều xáo trộn, làm thay đổi đời sống tâm lý, tinh thần, thói quen… Theo báo cáo của các cấp Công đoàn, cả nước có hơn 139 nghìn F0 là công nhân, viên chức, lao động; hơn 625 nghìn người phải ở trong các khu vực phong tỏa, cách ly y tế, có hơn 500 trẻ em là con công nhân, lao động mồ côi do dịch Covid-19.
Trong bối cảnh đó, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động đã nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm, chấp hành nghiêm các quy định trong công tác phòng, chống dịch; tích cực lao động, sản xuất trong điều kiện khó khăn thiếu thốn. Nhiều đoàn viên, người lao động đã trở thành những tình nguyện viên nơi tuyến đầu, sát cánh cùng chính quyền, lực lượng chức năng tại cơ sở phục vụ phòng, chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống cho người dân, góp phần vào thành công chung trong công tác phòng, chống dịch của cả nước.
Sát cánh cùng người lao động, nhiều hoạt động chăm lo đời sống cho đoàn viên được tổ chức Công đoàn triển khai thực hiện kịp thời với quy mô rộng lớn, từ đó xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả với sự dấn thân của cán bộ công đoàn. Với sự sáng tạo và quyết tâm cao, các cấp công đoàn đã chủ động thay đổi phương pháp hoạt động với tinh thần thích ứng linh hoạt, tích cực, duy trì tốt các mặt hoạt động định kỳ, thường xuyên.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Tổng Liên đoàn đã chủ động, kịp thời ban hành và nhanh chóng triển khai các gói hỗ trợ đa dạng dành cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng cho lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch, công nhân, lao động tại các doanh nghiệp trong thời gian giãn cách xã hội...
Tổ chức Công đoàn các cấp đã rà soát, lập danh sách những trường hợp khó khăn để tặng sổ tiết kiệm công đoàn cho con đoàn viên bị mồ côi do Covid-19; ban hành văn bản về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn, miễn đóng đoàn phí công đoàn đối với đoàn viên gặp khó khăn do dịch Covid-19; phát động chương trình “Vaccine cho công nhân”; ra lời kêu gọi đóng góp ủng hộ công nhân, lao động các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh…
Đặc biệt, trong năm qua, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã dành nhiều thời gian trực tiếp về cơ sở, nắm tình hình, làm việc với các địa phương, doanh nghiệp tại các địa phương vùng tâm dịch; tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của công nhân, lao động để có các giải pháp đảm bảo việc làm, hỗ trợ đời sống.
Tại các địa phương, các cấp Công đoàn đã phát huy tinh thần, trách nhiệm, tập trung tuyên truyền, vận động người lao động chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch, phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi làm việc, tổ chức sản xuất an toàn tại những doanh nghiệp đủ điều kiện với một số mô hình tiêu biểu như “Tổ An toàn Covid-19”, “Vùng xanh doanh nghiệp” của Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội; mô hình “Tổ An toàn Covid-19” tại các khu nhà trọ và xe ô tô chuyên chở công nhân của Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa…
Đội ngũ cán bộ Công đoàn tận tụy, bám sát cơ sở, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động, trực tiếp tổ chức, tham gia các hoạt động chăm lo đời sống, hỗ trợ cho công nhân, lao động, các nhiệm vụ của công tác phòng, chống dịch.
Theo số liệu báo cáo, các cấp Công đoàn đã chi và đang triển khai thủ tục chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động và các lực lượng tuyến đầu chống dịch với tổng số tiền trên gần 6.000 tỷ đồng. Trong đó, chi trực tiếp hỗ trợ, chăm lo cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hơn 2 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch từ nguồn tài chính công đoàn hơn 254 tỷ đồng…
Luôn đổi mới sáng tạo
Hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” do Thủ tướng Chính phủ phát động, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn ban hành Kế hoạch tổ chức và hướng dẫn tiêu chí thi đua, khen thưởng phong trào thi đua “Công nhân, viên chức, lao động nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”.
Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” là một trong những hoạt động trọng tâm trong năm 2021 đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng, phối hợp của người sử dụng lao động, thu hút đông đảo đoàn viên tích cực tham gia. Việc lần đầu tiên ứng dụng công nghệ vào việc theo dõi, cập nhật sáng kiến đã mang lại những kết quả đáng khích lệ.
Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động đã trở thành một đợt thi đua lớn mạnh trong đội ngũ công nhân lao động trên cả nước. (Nguồn: Bộ Công Thương) |
Sau hai đợt cao điểm phát động triển khai Chương trình, người lao động cả nước đã có hơn 250 nghìn sáng kiến, vượt trên 300% so với mục tiêu đề ra, trong đó có 324 sáng kiến có tổng giá trị làm lợi ước tính hơn 1.800 tỷ đồng/năm được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tôn vinh, khen thưởng.
Đáng chú ý, những sáng kiến, giải pháp mới trong công tác cải cách thủ tục hành chính đã góp phần thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, từ đó góp phần đẩy mạnh các chỉ số cải cách hành chính.
Trong Lễ tuyên dương các điển hình xuất sắc tiêu biểu gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá Chương trình "75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển" có sức lan tỏa mạnh trong tổ chức Công đoàn và toàn xã hội, góp phần tạo ra động lực và sức mạnh để hoàn thành xuất sắc kế hoạch sản xuất, kinh doanh của từng đơn vị, nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan.
Chương trình đã tạo được phong trào thi đua lao động hăng say, sáng tạo rộng khắp, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ người lao động Việt Nam thời kỳ đổi mới, càng trong những hoàn cảnh khó khăn càng được phát huy mạnh mẽ, đoàn kết, sáng tạo.
Đánh giá về hoạt động của tổ chức Công đoàn trong năm qua, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Túc cho rằng, các cấp Công đoàn đã có nhiều mô hình sáng tạo, cách làm hay trong công tác phòng, chống dịch; nhiều tấm gương cán bộ công đoàn xung phong đi vào tâm dịch, không quản ngại khó khăn, gian khổ, nguy hiểm, nỗ lực ngày đêm vì người lao động. Sản xuất trong điều kiện khó khăn, dịch bệnh, nhưng người lao động đã có nhiều sáng kiến trong sản xuất, mang lại hiệu quả, lợi ích cho doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Túc, thông qua phát động phong trào toàn dân đoàn kết ra sức phòng, chống dịch Covid-19, tổ chức Công đoàn đã khơi dậy được tinh thần yêu nước, tương thân, tương ái, huy động được mọi tầng lớp nhân dân cùng hăng hái tham gia đóng góp ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch.
Nhiều ý kiến cho rằng, dù rất nhiều khó khăn, phức tạp chung do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động đã trở thành một đợt thi đua lớn mạnh trong đội ngũ công nhân lao động trên cả nước, góp phần khơi dậy những ý tưởng sáng tạo, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng năng suất, hiệu quả công việc, chia sẻ khó khăn với đơn vị, doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội…
| Điểm tựa cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài Với phương châm lấy người lao động làm trung tâm, coi người lao động đi làm việc ở nước ngoài là một bộ phận không ... |
| GS. Nguyễn Lân Dũng: Mong ngành giáo dục không ngừng sáng tạo để vượt qua giai đoạn khó khăn Ai cũng biết giáo dục là một lĩnh vực khó, liên quan đến mọi gia đình, mọi thế hệ trong xã hội, vì dễ so ... |