TIN LIÊN QUAN | |
Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên: Kiến tạo Hòa bình - Tạo đà Thịnh vượng | |
Việt Nam có tận dụng được cơ hội từ thượng đỉnh Mỹ - Triều như Singapore? |
Tiếp nối thành công của Năm Chủ tịch ASEAN với chủ đề “Một ASEAN tự cường và đổi mới”, việc Singapore được lựa chọn làm địa điểm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (6/2018) đã cho thấy uy tín và vị thế của một quốc gia nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các cuộc gặp mang tính lịch sử, như cuộc gặp giữa Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan năm 1993 và 2015, Đối thoại Shangri-La hay các cuộc họp cấp cao của các nước ASEAN.
Cuộc gặp gỡ “định mệnh”
Vượt qua những địa điểm tiềm năng khác như Thuỵ Sĩ, Mông Cổ, hay Khu Phi quân sự (DMZ) ở biên giới Hàn – Triều để trở thành chủ nhà cho cuộc gặp Thượng đỉnh lần 1, Singapore đã nổi lên như một ứng cử viên xuất sắc khi vừa thể hiện thiện chí tổ chức cuộc gặp, vừa là “một trong số ít các quốc gia có quan hệ ngoại giao với cả Mỹ và Triều Tiên”.
Cảnh sát Singapore bảo vệ nơi nghỉ của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Nguồn: Getty Images) |
Để đi đến quyết định gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, không chỉ riêng Singapore mà cả thế giới đã hơn một lần phải “nín thở” trước sự thay đổi quyết định đột ngột. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của một Tổng thống Mỹ đương nhiệm với Nhà lãnh đạo Triều Tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh, vì vậy giới quan sát kỳ vọng vào việc thoả thuận phi hạt nhân hoá sẽ là một trong những vấn đề được thảo luận trên bàn đám phán. Trong bối cảnh cuộc gặp hội tụ nhiều yếu tố đặc biệt, những chi tiết nhỏ nhất đều được cho là cực kỳ nhạy cảm, và điều tối quan trọng là phải đạt được sự xuất hiện ngang bằng của hai nhà lãnh đạo.
Sau hàng loạt những "giằng co và nhượng bộ", thời gian và địa điểm tổ chức sự kiện mang tính bước ngoặt lịch sử đã được ấn định vào ngày 12/6/2018 tại khách sạn Capella trên đảo Sentosa của quốc đảo sư tử. Người đứng đầu Nhà Trắng đã lựa chọn khách sạn Shangri-La, trong khi Chủ tịch Triều Tiên đã lưu trú ở khách sạn St. Regis Hotel, cách nơi ông Trump ở khoảng 800 mét.
4 lớp an ninh, 3 ngày hội nghị và 12 triệu USD
Trước thềm hội nghị, khu vực đảo Sentosa ở phía Nam xung quanh khách sạn Shangri-La và St Regis được cảnh sát Singapore liệt vào “khu vực an ninh tăng cường đặc biệt” – nơi hàng loạt chốt kiểm soát an ninh được bổ sung và những vật dụng như cờ, biểu ngữ, vật liệu nổ đều không được phép mang vào...
Trong bối cảnh thế giới còn tồn tại nhiều bất ổn liên quan đến khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, sự xuất hiện cùng lúc của hai nguyên thủ Mỹ và Triều Tiên mang lại “thách thức an ninh rất lớn”. Bộ trưởng Luật pháp và Nội vụ Singapore K.Shanmugam cho biết Singapore đã “dốc toàn lực” để đảm bảo an toàn cho hội nghị với các đặc nhiệm thuộc lực lượng phản ứng nhanh, 5.000 sĩ quan cảnh sát, 2.000 binh sĩ với lực lượng bảo vệ nghiêm ngặt trên không, đất liền và biển.
Bên cạnh đó, mặc dù Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đều được bảo vệ bởi đội cận vệ riêng, cảnh sát Singapore vẫn huy động biệt đội thiện chiến Gurkha nhằm đảm bảo an ninh vòng ngoài cho sự kiện.
Với 4 lớp an ninh mà Singapore đã thiết lập trong suốt 3 ngày diễn ra Thượng đỉnh, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết, chi phí tổ chức hội nghị này vào khoảng 12 triệu USD, trong đó đa phần dành cho an ninh. Nhận xét về quy mô của sự kiện, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan khẳng định thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên là sự kiện quốc tế với "chiến dịch an ninh quy mô nhất" mà nước này từng tổ chức.
Tinh tế từng chi tiết
Một trong những yếu tố mang lại sự thành công cho tất cả các sự kiện đó là công tác hậu cần. Khối lượng công việc của hậu cần rất nhiều, rất lớn, đòi hỏi sự tinh tế, tỉ mẩn đến từng chi tiết trong khâu chuẩn bị. Để đảm bảo sự kiện diễn ra một cách hoàn hảo nhất, Singapore đã huy động hơn 7.400 người tham gia vào công tác chuẩn bị và thực hiện, bao gồm 5.000 người của Bộ Nội vụ, 2.000 người của Lực lượng Vũ trang Singapore (SAF), hơn 300 nhân sự trong lĩnh vực thông tin liên lạc và 80 nhân viên của Bộ Ngoại giao.
Trước khi cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra, Singapore dự kiến đón hơn 2.500 phóng viên, nhà báo từ khắp nơi trên thế giới đến đưa tin. Jimmy Toh – chuyên viên phụ trách Trung tâm truyền thông nhận định: “Để tìm địa điểm, chúng tôi đã đi rất nhiều nơi, cứ như các nhân viên bất động sản vậy. Chúng tôi khám phá tất cả khách sạn, phòng hội nghị. Những địa điểm đủ lớn thì đã có sự kiện đặt trước. Những nơi có trang bị lý tưởng thì lại không đủ quy mô”.
Cuối cùng, các quan chức Singapore nảy ra ý tưởng chuyển đổi tòa nhà F1 Pit, vốn dùng để phục vụ giải đua xe Công thức 1, thành Trung tâm truyền thông. 5 triệu USD trong ngân sách của Bộ Thông tin và Truyền thông Singapore đã được sử dụng để tu bổ, sửa sang lại nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các phóng viên, nhà báo quốc tế tác nghiệp.
Trong quá trình tìm kiếm địa điểm khách sạn, ban tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên đặt tiêu chí chọn căn phòng có nhiều cửa làm ưu tiên hàng đầu. Theo giao thức truyền thống, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un không nên bước vào phòng họp qua cùng một cánh cửa để tránh suy nghĩ rằng người này đến trước và đang phải "chờ đợi" người còn lại. Và khách sạn 5 sao Capella trên đảo Sentosa do kiến trúc sư nổi tiếng người Anh Norman Foster thiết kế được cho là đã đáp ứng được những tiêu chí đưa ra.
Nằm trên một vị trí tách biệt với đất liền, khách sạn Capella có kiến trúc bên ngoài mang đậm phong cách Anh quốc gồm 111 phòng và 1 phòng Tổng thống. CNN cho biết, Capella đã 4 lần đón đoàn tiền trạm của Mỹ và Triều Tiên đến Singapore khảo sát trước khi cuộc gặp thượng đỉnh được diễn ra. Do vậy, khách sạn Capella được đánh giá là một trong những nơi an toàn và có chỉ số bảo mật cao nhất do chỉ có một đường bộ duy nhất kết nối với phần đất liền của Singapore.
Nhằm đảm bảo sự trung lập trong mọi chi tiết của hội nghị, Giám đốc Sáng tạo Dora Wong đã lựa chọn trưng bày hoa địa lan, tulip và mõm rồng tại khách sạn; trang trí các phòng họp và phòng ăn bằng hai gam màu trắng - xanh lá cây trung tính; đồng thời trưng bày những cuốn sách lịch sử - ẩm thực của Singapore và sách của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu tại kệ sách ở thư viện nơi Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ có cuộc gặp riêng.
Về “bữa trưa ngoại giao”, Giám đốc Ẩm thực David Senia của khách sạn Capella đã quyết định kết hợp giữa các món phương Tây và phương Đông cho bữa trưa của 16 vị lãnh đạo và quan chức hai nước. Theo đó, thực đơn mà nhà hàng đưa ra gồm cocktail tôm, dưa chuột nhồi kiểu Triều Tiên, thịt lợn chua ngọt và sườn bò nấu nhừ. Ông David cho biết, nhiều người đã gửi yêu cầu muốn được thưởng thức các món ăn giống bữa trưa của ông Donald Trump và Kim Jong-un tại khách sạn Capella.
Bằng tất cả sự tỉ mẩn và tinh tế trong khâu chuẩn bị, cùng với những nỗ lực chính trị -ngoại giao, Singapore đã tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, bước khởi đầu mới cho tiến trình hoà bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Hãng nghiên cứu truyền thông Meltwater cho biết Singapore đã thu về ít nhất 767 triệu SGD, gấp 38 lần chi phí nước này bỏ ra nhờ vào du lịch, bán lẻ và truyền thông. Trong đó, riêng giá trị quảng cáo và truyền thông trực tuyến toàn cầu trong 3 ngày lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên ở Singapore là 270 triệu SGD, và con số này có thể còn cao hơn nếu tính cả báo in, truyền hình và mạng xã hội. Về du lịch, lượng du khách quốc tế đến Singapore đạt 18,5 triệu lượt, tăng 6,2% so với năm 2017 và là mức tăng cao nhất trong vòng 3 năm qua, theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Du lịch Singapore (STB). So với năm 2017, doanh thu từ du lịch tại đảo quốc này trong năm 2018 cũng tăng 1%, lên 27,1 tỉ SGD. Theo giới chuyên gia, ngành khách sạn được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc gặp, nhất là những “lợi ích vô giá”. Tính tổng cộng có khoảng 40.000 tin bài trên internet về sự kiện thượng đỉnh này và 50% trong số đó đề cập tên khách sạn Capella - địa điểm hai nhà lãnh đạo gặp nhau. Các khách sạn Shangri-La và St Regis Hotel, nơi lưu trú lần lượt của Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim, cũng được nêu tên trong 1/5 lượng bài viết. |
Tổng thống Donald Trump: Tôi dành sự tôn trọng rất lớn đối với Chủ tịch Kim Jong Un Sáng 28/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un chính thức bước vào các cuộc họp chính thức của ... |
Người dân Bình Nhưỡng dõi theo chuyến đi Việt Nam của Chủ tịch Kim Jong-un Tại các màn hình lớn và các điểm đọc báo công cộng ở thủ đô Bình Nhưỡng, người dân Triều Tiên tỏ ra hết sức ... |
Trước hội đàm kín, Tổng thống Trump khẳng định tốc độ phi hạt nhân hóa Triều Tiên không quan trọng Trước khi bước vào hội đàm kín, lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã có những phát biểu trước báo giới. |