TIN LIÊN QUAN | |
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao: Nghề báo thật thú vị nhưng cũng đầy thách thức | |
Đạo đức nghề báo thời cách mạng 4.0 |
Mátxcơva (Nga) thanh bình hôm nay. |
Sau khi Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô - viết tan rã năm 1991, nhiều nước Cộng hòa trong thành phần của Liên Xô tách ra thành lập nhà nước riêng độc lập. Trong số đó, Liên bang Nga là quốc gia rộng lớn và hùng mạnh nhất. Do nguyên nhân về lịch sử, cộng đồng người Việt Nam ở đây là một trong những cộng đồng người nước ngoài có số lượng lớn, nhiều mối liên hệ gắn bó với xứ sở Bạch Dương. Nhu cầu về văn hóa, báo chí của bà con trở nên bức thiết, đòi hỏi cần có ấn phẩm bằng tiếng Việt – đặng đáp ứng tình cảm hướng về quê hương của đồng bào.
Lắm gian nan nhưng nhiều niềm vui
Ngày ấy, Đài Truyền hình Việt Nam chưa phủ sóng tới châu Âu, các ấn phẩm báo chí trong nước rất khó đưa sang. Trong hoàn cảnh ấy, năm 1993, tạp chí Thông tin và Thời đại - ấn phẩm thuộc báo Đất Nước (cơ quan của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga) được phép ra đời. Do có mười năm làm phóng viên, biên tập viên ở Thông tấn xã Việt Nam, từng tu nghiệp nghiên cứu sinh ở Đại học Tổng hợp quốc gia Matxcơva Lômônôsôp, cộng với lòng yêu nghề, tôi được giao nhiệm vụ Tổng biên tập Thông tin và thời đại.
Làm báo chí Cộng đồng cho tôi cơ hội đi tới nhiều miền đất của nước Nga bao la tươi đẹp, những thành phố có đông người Việt mình sinh sống. Có cả chuyến đi dài ngày, một mình bằng xe lửa băng qua vùng thảo nguyên Trung Á toàn đồng cỏ nhìn mắt thường không thấy chân trời; xuống hạ lưu sông Volga gần với vùng thường hay có những vụ khủng bố do các thế lực chống đối tiến hành (Dagestan, Chechnya); tới thành phố Astrakhan trên thảo nguyên – nơi có câu nói vui lưu truyền trong bà con người Việt tại đây: “Ruồi vàng, bọ chó, gió Astrakhan”. Xã hội Nga trước và sau khi Liên Xô vừa tan rã có nhiều bất ổn. Người nước ngoài đi trên đường dài không hiếm khi gặp nhũng nhiễu, trở ngại, có cả hiểm nguy.
Chúng tôi có dịp gặp và làm việc với hầu hết các nhà doanh nghiệp người Việt thành đạt ở Nga. Họ đã quan tâm giúp đỡ Tạp chí Thông tin & Thời đại rất nhiều trong việc cung cấp tin, bài, phát hành, mua ấn phẩm với số lượng lớn vào những dịp lễ, tết: Tết Tây, Tết Nguyên đán, ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, dịp 30/4 - 1/5, Quốc khánh 2/9… Trong số họ, tiêu biểu là nhà doanh nghiệp Lê Ngọc Hường (quê ở Thanh Hóa) – chủ nhân của Trung tâm Kinh tế - thương mại quốc tế - đồng thời là Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga. Vốn là anh Bộ đội Cụ Hồ, suốt những năm đầu thành lập của Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga, trong cương vị Chủ tịch Hội và cả thời gian trước đó, cựu quân nhân Lê Ngọc Hường và Trung tâm Kinh tế - thương mại quốc tế (Matxcơva) đã có những đóng góp quý báu, rất tích cực góp phần xây dựng Cộng đồng phát triển.
Quảng trường Đỏ ở Thủ đô Mátxcơva, Liên bang Nga |
Cầu nối về Đất Mẹ
Có Tết Nguyên đán, chúng tôi còn nhận được cả bánh chưng, quà Tết mang hương vị quê nhà của mấy doanh nghiệp và bạn đọc ở Matxcơva.
Làm báo Cộng đồng ở nước ngoài, theo tôi, là công việc gian nan, vất vả đôi khi gặp cả hiểm nguy (mà phải tự bảo vệ lấy mình). Các ấn phẩm “trong luồng” vừa phải đảm bảo về chính trị, đồng thời phải cạnh tranh được với ấn phẩm “ngoài luồng” – những tờ báo tư nhân tự phát. Ở Nga, vào thời điểm ấy, chủ của các ấn phẩm này đều là công dân Việt Nam. Họ làm báo do mưu sinh trên xứ người.
Công đoạn chế bản, in ấn, phát hành là cả những vấn đề không hề giản đơn. Dựa vào bạn đồng nghiệp Nga để làm chế bản, tìm được các xưởng in có chi phí thấp là những việc thường xuyên phải làm. Công đoạn phát hành phải nhờ các chủ doanh nghiệp người Việt là chính. Được sự ủng hộ, đón nhận của bà con trong cộng đồng, Thông tin và Thời đại sang tuổi thứ 10 vào năm 2003 vẫn tỏ ra đủ sức tiếp tục. Tuy vậy, hoàn cảnh khi ấy đã khác. Đài truyền hình Việt Nam mở rộng diện phủ sóng sang tới châu Âu. Kênh VTV4 ngày càng trở nên gần gũi với từng gia đình người Việt. Hợp đồng hợp tác lao động giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây không còn, cho nên Phòng chức năng này ở Đại sứ quán cũng được giải thể. Tình hình mới, ấn phẩm văn hóa phục vụ Cộng đồng cần có sự đổi mới phương thức, thay đổi cơ chế phù hợp.
Năm 2004, tôi được giao nhiệm vụ mới: Tổng biên tập Tạp chí Người đồng hương (cơ quan ngôn luận của Hội người Việt Nam định cư tại Liên bang Nga) - ấn phẩm có sự bảo trợ của Đại sứ quan Việt Nam tại Mátxcơva. Sẵn có chút vốn liếng về kinh nghiệm cũng như mối quan hệ, nên công việc có phần thuận lợi hơn trước. Tạp chí Người đồng hương số 1 vào dịp đầu Xuân năm 2004, được bạn đọc động viên: in ấn khá bắt mắt, nội dung cũng phong phú, hấp dẫn. Là nguyệt san, Người đồng hương ra đều đặn vào tuần đầu hằng tháng.
Cũng như Thông tin và Thời đại trước đó, Tạp chí Người đồng hương đã góp phần tích cực vào công tác vận động bà con người Việt Nam hướng về Quê hương Đất Mẹ, bằng suy nghĩ và hành động thực tế đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà.
Cuộc phỏng vấn nhớ mãi
Năm 1993, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm dẫn đầu Đoàn đại biểu nước ta sang thăm Liên bang Nga theo lời mời của Chính phủ nước Bạn. Chuyến thăm này mang ý nghĩa rất quan trọng, bởi lẽ đây là Đoàn cấp cao (kể từ khi nước Bạn có thay đổi chính quyền cho tới lúc đó). Mục đích chuyến thăm là nhằm tái khẳng định tình đoàn kết vững chắc của Việt Nam với Liên bang Nga trước sau như một; cùng nhau thống nhất hành lang pháp lý trong các mối quan hệ song phương trên tất cả lĩnh vực - đặc biệt là giữa các địa phương của hai nước có thể hợp tác kinh tế, văn hóa để cùng phát triển.
Tạp chí Thông tin và Thời đại được Đại sứ quán giao nhiệm vụ làm bài phỏng vấn Trưởng Đoàn đại biểu nước ta. Tôi đến nhà khách của Chính phủ Nga nằm trên phố Kôsơghin sớm hơn giờ hẹn. Giám đốc Trần Quốc Trung của công ty Kinimex cũng đã giúp đỡ một số phương tiện để cuộc phỏng vấn được thêm thuận lợi.
Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm ân cần tiếp chúng tôi đúng vào giờ hẹn. Sau khi nói về mục đích chuyến thăm của Đoàn, ông cho biết phía Bạn nhất trí hoàn toàn với các đề xuất của Việt Nam. Kết quả chuyến thăm là rất tích cực, hứa hẹn một tương lai tốt đẹp của quan hệ hai nước anh em.
Bài trả lời phỏng vấn được ông viết tay rất cẩn thận, nét chữ rõ ràng, sáng sủa. Tuy vậy, ông vẫn không quên nói: "Văn phong thì tùy Nhà báo sửa sang!" Tạp chí Thông tin & Thời đại đăng nguyên văn bài trả lời phỏng vấn ấy trên trang nhất với số phát hành nhiều hơn thường lệ.
Chỉ qua một cuộc phỏng vấn, điều dễ nhận thấy ở ông Nguyễn Mạnh Cầm là một nhà ngoại giao có tầm cỡ, dày dạn kinh nghiệm, có vốn văn hóa sâu rộng, rất mực thận trọng, khiêm nhường, chu đáo và dễ gần. Tôi thầm nghĩ, ông còn mang tư chất của một nhà biên dịch, một nhà báo có tài.
(Tác giả hiện là Ủy viên BCH Hội hữu nghị Việt Nam - Chi Lê và Việt Nam - Venezuela.)
Những chuyện nghề "nhớ đời" của một nhà báo Đã là nhà báo, ai cũng có nhiều niềm vui và nỗi buồn trong nghề. Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 năm ... |
Nghề báo: Làm sao để không bị "sóng internet" cuốn đi? Giáo sư Phan Văn Trường - cố vấn của Chính phủ Pháp đã chia sẻ với TG&VN về vai trò của người làm báo trong ... |
Đạo đức nghề báo trong tư tưởng Hồ Chí Minh Đạo đức nghề báo chính là những nguyên tắc, những chuẩn mực điều chỉnh hành vi của nhà báo trong hoạt động thực tiễn nghề ... |