📞

Nhọc nhằn nghề shipper tại Trung Quốc

Hải Duyên 10:00 | 11/05/2019
(TGVN).Thương mại điện tử bùng nổ tại Trung Quốc đã mở ra thời hoàng kim cho nghề giao hàng (shipper). Tuy nhiên, những mặt trái của nghề này cũng đang sớm bộc lộ khi không ít shipper cảm thấy mệt mỏi, bi quan với lịch trình làm việc dày đặc nhưng ít cơ hội thăng tiến.

Xu Jiangguo, một shipper kì cựu chia sẻ, những thông tin tuyển dụng vị trí shipper với mức lương “khủng” được dán ở khắp nơi trên các con phố tại Thượng Hải. Dù thông tin về mức thu nhập được quảng cáo là hơn 10.000 Nhân dân tệ (NDT)/tháng (khoảng 1.490 USD), song khi được hỏi về số tiền thực tế, anh Xu chỉ đáp lại bằng một nụ cười.

Vào những tháng cao điểm, Xu kiếm được khoảng 7.000 NDT/tháng (khoảng 24 triệu đồng), cao hơn mức lương trung bình ở Thượng Hải là 5.350 NDT (18 triệu đồng). Tuy nhiên, Xu không chắc anh sẽ trụ lại được bao lâu với nghề. “Công việc shipper ngày càng trở nên cạnh tranh. Hiện tại với mỗi đơn hàng, tôi chỉ kiếm được 5-6 NDT (khoảng 17.000-20.000 đồng), trong khi năm 2018 tôi nhận được 7 NDT (24.000 đồng). Có lẽ tôi sẽ phải đổi nghề”, anh Xu Jiangguo than thở.

Hầu hết các shipper tại Trung Quốc phải chịu cường độ làm việc dày đặc và áp lực cạnh tranh lớn. (Nguồn: Sixth Tone)

10 tiếng, 100 đơn hàng

Tại Trung Quốc, nếu như lao động nhập cư của thế hệ trước có xu hướng tìm kiếm các công việc trong ngành sản xuất, xây dựng, hoặc công nghiệp, thì ngày nay những lao động trẻ nhập cư lại bị cuốn theo cơn lốc của ngành thương mại điện tử, kinh doanh online. Hầu hết các shipper Trung Quốc đều là những người trẻ tuổi đến từ nông thôn hoặc các thành phố nhỏ. Họ dành cả ngày để vật lộn với giao thông trong thành phố, chạy đua với thời gian để giao hàng trước giờ quy định với hy vọng kiếm được mức lương xứng đáng.

Nhóm nghiên cứu của Phó Giáo sư Ge Tianren thuộc khoa Quan hệ Quốc tế và Chính trị, Đại học Đồng Tế (Thượng Hải) ví các shipper tại Trung Quốc là những người có “tuổi trẻ trôi dạt”. Là một mắt xích quan trọng trong chuỗi ngành thương mại, dịch vụ tại Trung Quốc nhưng nhiều shipper tâm sự, họ cảm thấy chán nản, mệt mỏi với lịch trình làm việc dày đặc và khắc nghiệt nhưng hầu như không có cơ hội thăng tiến. Không ít người cảm thấy bi quan về cuộc sống.

Để hiểu hơn về những khó khăn và tính chất của nghề shipper, nhóm nghiên cứu của Đại học Đồng Tế đã phỏng vấn trực tiếp hơn 115 người và phân tích kết quả từ hơn 1.500 phiếu điều tra online tại thành phố Thượng Hải. Kết quả thu được cho thấy các shipper tại Thượng Hải đều có độ tuổi từ 18 đến 35, chủ yếu là người dân đến từ các tỉnh Hà Nam, Sơn Đông, An Huy và Giang Tô. Theo đó, có đến hơn 50% người được khảo sát phải làm việc hơn 10 tiếng mỗi ngày. Với lịch trình tương đối cố định, từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều, khoảng 100 đơn là số lượng mà những người giao hàng dự kiến sẽ giao được trong ngày.

Ngoài ra, những shipper giao đồ ăn có thời gian làm việc không ổn định như những người giao hàng bình thường. Trong khi hầu hết những người giao đồ ăn chọn ca làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, một số ít lại chọn làm ca đêm. Trung bình một ngày shipper sẽ giao 30-40 đơn hàng trong khung giờ làm việc, chủ yếu vào các giờ cao điểm là bữa trưa và bữa tối.

Công việc tạm thời

Khảo sát của nhóm nghiên cứu cũng cho kết quả đáng chú ý là hầu hết đều coi shipper chỉ là công việc tạm thời, trong khi chỉ có khoảng 15% muốn gắn bó lâu dài với nghề. Khi được hỏi về dự định trong tương lai, phần lớn đều hy vọng có thể mua được nhà và định cư tại quê hương, trong khi số khác chỉ muốn có một công việc thoải mái hơn với mức lương hậu hĩnh hơn. “Tôi biết mình sẽ không làm công việc giao hàng mãi được, nhưng để tìm việc khác cũng chẳng dễ dàng. Tôi định làm shipper trong vài năm rồi tiết kiệm tiền, sau đó về quê và mở một cửa hàng nhỏ”, anh Xu Jiangguo cho biết.

Các shipper chia sẻ, họ đều muốn được nhận đãi ngộ giống các ngành nghề khác như: chế độ chăm sóc y tế cơ bản, môi trường làm việc an toàn và mức lương tốt, ổn định.

Hơn 27% số người được hỏi cũng mong muốn có được chế tài quản lý nhân đạo hơn, phạt nhẹ hơn, công bằng khi xem xét đánh giá từ khách hàng và có các kênh hiệu quả để shipper khiếu nại về hành vi sai trái của khách hàng. Theo đó, với mỗi lần khách hàng khiếu nại, shipper phải chịu hình phạt nghiêm khắc, thường là 50 NDT mỗi đơn. Tuy nhiên, không phải khách hàng nào cũng công bằng trong đánh giá, thậm chí để lại nhận xét tiêu cực mà chẳng cần lý do.

Chia sẻ với tờ Sixth Tone, shipper 32 tuổi Wan Li tiết lộ một thực tế khá phổ biến đó là rất nhiều khách hàng Trung Quốc thích đánh giá 1 sao. “Nhiều khi gói hàng của họ bị hỏng trong quá trình phân loại chứ không phải do khâu giao hàng nhưng họ vẫn để 1 sao và không thèm nghe tôi giải thích”, anh Wan Li bày tỏ.

Các chuyên gia xã hội nhận định, nếu muốn cải thiện đời sống của các shipper, cần có các kênh công khai và độc lập để người lao động có thể khiếu nại và tránh các hình phạt không công bằng. Cùng với đó, các công ty, tổ chức nên có các chương trình đào tạo trang bị các kĩ năng cần thiết cho nhân viên giao hàng, đặc biệt trong bối cảnh ngành thương mại điện tử tại Trung Quốc đang phát triển như vũ bão.

(theo Sixth Tone)