Đáng chú ý, dường như chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có tác động ngày càng lớn đến Chính phủ của ông Trudeau nói riêng và Canada nói chung.
Nguy cơ tiềm ẩn khi phụ thuộc vào Mỹ
Chính phủ Canada cho rằng Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) phiên bản 2.0 - được Canada, Mỹ và Mexico ký kết hôm 30/11 vừa qua giúp chấm dứt tình trạng bất ổn kinh tế đối với Canada.
Tuy nhiên, cho đến nay, mọi việc vẫn chưa thật sự ngã ngũ xuất phát từ kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ (đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa chia nhau kiểm soát hai viện Quốc hội Mỹ). Chuyên gia thương mại Lawrence Herman cảnh báo về nguy cơ NAFTA 2.0 có thể đổ vỡ nếu Đảng Dân chủ cho rằng việc thông qua hiệp định này không có lợi về mặt chính trị đối với đảng.
Những thay đổi chính sách của Mỹ đã tác động trực tiếp tới Canada trên nhiều phương diện. (Nguồn: Reuters) |
Cũng theo chuyên gia Lawrence Herman, các doanh nghiệp Canada hiện phải đối mặt với “những ẩn số mới” khi đưa ra những quyết định liên quan đến hoạt động xuất khẩu hay đầu tư. NAFTA 2.0 tập hợp một thị trường 500 triệu dân, và quan trọng hơn cả là mối liên hệ giữa Mỹ và Canada: gần 3/4 xuất khẩu của Canada có điểm đến là Mỹ, trong khi Canada cũng là khách hàng quan trọng nhất của 32 trong số 50 tiểu bang Mỹ.
Canada vẫn phụ thuộc nặng nề vào nền kinh tế Mỹ nhưng lại đang để mất thị phần vào tay các đối thủ. Các chính sách “Nước Mỹ trước tiên” và “Mua hàng Mỹ” của Tổng thống Trump đã “nâng tầm” phức tạp và bất ổn đối với mối quan hệ Mỹ - Canada. Việc Mỹ chuyển hướng sang tự cung cấp năng lượng đã ảnh hưởng nặng nề tới Canada, khi phần lớn dầu mỏ xuất khẩu của Canada được đổ vào thị trường Mỹ. Ngoài ra, việc Mỹ tiến hành cải cách thuế đã đẩy thuế doanh nghiệp của Mỹ xuống gần mức của Canada và Chính phủ Canada hiện đang thảo luận về tác động tiềm tàng của xu hướng này đối với năng lực cạnh tranh của “Xứ sở lá phong”.
Đối mặt với những thay đổi về chính trị tại Mỹ, Chính phủ Trudeau tiếp tục đề cập đến nhu cầu đa dạng hóa kinh tế và bày tỏ đặc biệt quan tâm tới việc xúc tiến mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại với châu Á. Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng Canada đã bỏ lỡ cơ hội quý giá có thể tăng mạnh giao thương với châu Á khi không đủ lực để đưa nguồn dầu mỏ của mình tới các thị trường châu Á.
Brian Kingston, Giám đốc phụ trách các vấn đề quốc tế và tài chính tại Hội đồng Doanh nghiệp Canada nhấn mạnh: “Khi chủ nghĩa bảo hộ leo thang tại Mỹ, nhu cầu phải đa dạng hóa thương mại chưa bao giờ lại rõ ràng hơn thế đối với Canada”. Là quốc gia thứ năm phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Canada sẽ là quốc gia duy nhất trong Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) có thỏa thuận thương mại với toàn bộ các thành viên khác của G7.
FTA với Trung Quốc?
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết, Ottawa quyết định triển khai chiến lược tăng cường thúc đẩy thương mại với Trung Quốc.
Trong năm 2017, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào Canada đạt 270 tỷ USD, tăng gấp đôi so với năm 2011. Xu hướng tăng này xuất phát từ các thương vụ thu mua và sáp nhập của các doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp quốc doanh. Theo Cơ quan thuế quan Trung Quốc, giá trị trao đổi thương mại song phương trong năm 2017 vượt ngưỡng 42 tỷ USD, trong đó xuất khẩu từ Canada sang Trung Quốc đạt trên 25 tỷ USD.
Cảnh sát Trung Quốc bên ngoài Đại sứ quán Canada tại Bắc Kinh, mối quan hệ hai nước trong thời gian qua khá căng thẳng. (Nguồn: AP) |
Tuy nhiên, mối quan hệ Canada - Trung Quốc trong vài tuần qua khá căng thẳng, mà nguyên nhân xuất phát từ cái tên Mạnh Vãn Chu, Giám đốc Tài chính của tập đoàn công nghệ Huawei, bị Canada bắt giữ tại Vancouver ngày 1/12 theo yêu cầu của Mỹ.
Sau đó, Bắc Kinh đã tiến hành bắt giữ 2 công dân Canada là cựu cán bộ ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor với cáo buộc "tham gia các hoạt động gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Trung Quốc". Những diễn biến này đang làm dấy lên câu hỏi về mục tiêu của Canada muốn theo đuổi một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Rối loạn từ bên trong
Ngoài nhân tố Mỹ và Trung Quốc, nhiều thách thức về kinh tế và tài chính của Canada đang khiến các tổ chức kinh tế và các đảng phái chính trị lo lắng, đó là các rào cản thương mại giữa các tỉnh, các quan điểm trái chiều về khai thác tài nguyên và phát triển hệ thống đường ống dẫn dầu.
Kinh tế Canada trong năm 2018 tiếp tục tăng trưởng và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong 40 năm qua. Tuy nhiên, với việc General Motors (GM) tuyên bố đóng cửa một nhà máy lắp ráp ô tô tại Oshawa và ngành dầu mỏ sa sút, Chính phủ Canada đang phải chịu sức ép lớn. Thủ tướng Justin Trudeau đã bày tỏ “sự thất vọng sâu sắc” trước quyết định này của GM. GM cho biết việc đóng cửa nhà máy sẽ ảnh hưởng tới gần 3.000 việc làm tại Ontario, trong tổng số hơn 8.000 lao động của hãng tại Canada.
Các công ty dầu mỏ ở khu vực miền Tây Canada đang đối mặt với tình trạng sản lượng tăng mạnh, trong khi công suất của hệ thống đường ống xuất khẩu dầu lại không bắt kịp đà tăng này.
Những con số ước tính về thiệt hại của giá dầu thấp đối với nền kinh tế Canada khá khác nhau. Tuy nhiên, theo Hiệp hội các nhà sản xuất xăng dầu Canada (CAPP), mức thiệt hại lên tới ít nhất 13 tỷ CAD trong 10 tháng đầu năm 2018. Theo công ty Net Energy (có trụ sở tại Calgary), chênh lệch giữa giá dầu thô WCS của Canada và dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) lên tới trung bình 45,48 USD/thùng trong tháng 10/2018 và 43,75 USD/thùng trong tháng 11/2018. Tim McMillan, Giám đốc điều hành CAPP lý giải nguyên nhân khiến giá dầu WCS chênh lệch lớn so với dầu WTI là do thiếu phương tiện (hệ thống đường ống) để đưa dầu thô Canada ra thị trường và loại dầu này mới chỉ có một khách hàng là Mỹ.
Chính phủ Canada mới đây đã công bố gói hỗ trợ tài chính 1,6 tỷ CAD (1,2 tỷ USD) dành cho ngành dầu mỏ ở khu vực miền Tây nước này. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng gói hỗ trợ trên của Chính phủ liên bang không giúp giải quyết được vấn đề của ngành dầu mỏ: Không giúp thu hẹp khoảng cách về giá giữa dầu thô của Canada với dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ, cũng như không tạo thêm được việc làm cho ngành.
Những khó khăn của ngành dầu mỏ là một trong những nhân tố làm gia tăng tâm lý bất mãn của người dân Canada đối với chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau. Nhiều người dân tại một số thành phố như Edmonton, Calgary, Brooks, Medicine Hat,... đã mặc áo vàng xuống đường biểu tình trong hai tuần qua. Mặc dù các cuộc biểu tình tại Canada có quy mô nhỏ hơn nhiều so với tại Pháp, nhưng Chaldeans Mensah, một nhà khoa học chính trị tại Đại học MacEwan ở Edmonton, đã cảnh báo Chính phủ liên bang cần cẩn trọng theo dõi và có biện pháp ứng phó với các cuộc biểu tình này.
Người dân Canada ăn mừng vì quyết định hợp pháp hóa sử dụng cần sa của Chính phủ. (Nguồn: Reuters) |
Nhìn lại năm 2018 không thể không đề cập đến sự kiện cần sa được hợp pháp hóa tại “Xứ sở lá phong”. Canada ngày 17/10 đã trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới, sau Uruguay, hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa.
Sự kiện này đánh dấu một thay đổi lớn về mặt xã hội mà Thủ tướng Trudeau từng hứa hẹn, với mong muốn đưa thị trường cần sa trên chợ đen vào một hệ thống có đánh thuế và do Chính phủ kiểm soát, sau gần một thế kỷ ngăn cấm mua bán cần sa. Theo thống kê chính thức của Canada, người dân nước này đã mua một lượng cần sa trị giá 43 triệu CAD trong hai tuần đầu tiên sau khi quyết định hợp pháp hóa cần sa của Canada có hiệu lực. Hiện dư luận Canada vẫn lo ngại về sức khỏe cộng đồng cũng như mức độ “an toàn” của quyết định hợp pháp hóa cần sa của Chính phủ. Và những cuộc tranh luận gay gắt về quyết định này vẫn chưa có hồi kết.
Trong năm 2018, Chính phủ của Thủ tướng Trudeau cũng vấp phải mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” với một số tỉnh bang như Ontario, Quebec, Saskatchewan và Manitoba liên quan đến vấn đề thuế carbon, nhập cư, hợp pháp hóa cần sa,…
Bất chấp những thách thức trên, theo một số cuộc khảo sát mới đây, Thủ tướng Trudeau và Đảng Tự do của ông vẫn giữ được thế thượng phong so với các đảng đối lập. Nhiều chuyên gia Canada dự báo Đảng Tự do có cơ hội “tại vị” trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 10/2019 nếu các xu hướng kinh tế hiện nay được duy trì.