Trong 900 năm qua, lễ đăng quang của các quốc vương Anh đã diễn ra tại Tu viện Westminster. Nhưng vị vua đầu tiên được chụp ảnh lễ đăng quang là Vua Edward VII, con trai cả của Nữ hoàng Victoria. Hoàng gia Anh đã lưu giữ những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc lịch sử trọng đại này. Lễ đăng quang của Vua Edward VII ban đầu được lên kế hoạch vào ngày 26/6/1902, nhưng ba ngày trước khi sự kiện dự kiến diễn ra, ông phải phẫu thuật dạ dày khẩn cấp.
Lễ đăng quang bị hoãn đến 9/8/1902. Do thời gian hoãn quá lâu nên các phái đoàn nước ngoài tham dự đã không thể ở lại, vì thế, khách mời tham gia lễ đăng quang chính thức chủ yếu là người trong nước.
Tại lễ đăng quang, Vua Edward VII vẫn chưa hồi phục sau cơn bạo bệnh, vì vậy ông được trao vương miện của Nhà nước Hoàng gia, chứ không phải vương miện St Edward's với khối lượng nặng hơn.
Hoàng hậu Alexandra được trao một chiếc vương miện mới trong lễ đăng quang, được làm bằng viên kim cương Koh-i-Noor.
Trước khi chồng lên ngôi, Hoàng hậu Alexandra là Công nương xứ Wales từ năm 1863 đến năm 1901, trở thành người giữ tước hiệu này lâu nhất lịch sử nước Anh. Bà vốn là Công chúa của gia đình House of Glücksburg.
Đến năm 1911, Vua George V, con trai thứ hai của Vua Edward VII và Hoàng hậu Alexandra, đã lên ngôi. Vua George V là người đứng thứ ba trong danh sách thừa kế ngai vàng. Do anh trai của ông, Albert Victor qua đời vì bệnh viêm phổi nên Vua George V thừa kế ngôi vị từ vua cha. Vua George V kết hôn với vị hôn thê của anh trai mình, Công chúa Mary xứ Teck.
Hình ảnh đoàn diễu hành trong lễ đăng quang của Vua George V ngày 22/6/1911.
Các con của Vua George V và Hoàng hậu Mary đều có mặt tại lễ đăng quang. Trong ảnh: Hoàng tử Edward và Công chúa Mary. Sau này, Hoàng tử Edward là người thừa kế ngai vàng của vua cha, trở thành Vua Edward VIII năm 1936. Tuy nhiên, Vua Edward VIII đã thoái vị một năm sau đó, trở thành vị quân chủ không có lễ đăng quang và có thời gian trị vì ngắn nhất trong lịch sử nước Anh.
Lễ đăng quang Delhi Durbar: Vua George V và Nữ hoàng Mary được tuyên bố là Hoàng đế và Hoàng hậu của Ấn Độ trong một buổi lễ ở Delhi vào tháng 12/1911. Delhi Durbar có nghĩa là "Buổi chầu ở Delhi", là một buổi chầu theo cách thức Hoàng gia cực kỳ trọng thể từng được tổ chức tại Công viên đăng quang (Coronation Park) ở Delhi, Ấn Độ.
Mục đích của buổi chầu là mừng lễ đăng quang của quân chủ của Liên hiệp Anh, người đồng thời nắm tước hiệu Hoàng đế Ấn Độ từ năm 1876, đến khi chính thức bị giải trừ do Ấn Độ giành độc lập vào năm 1948. Buổi chầu chỉ được tổ chức 3 lần vào năm 1877, 1903 và 1911 trong thời kỳ đỉnh cao nhất của đế chế Anh.
Vua George V là vị vua duy nhất của Anh tham dự Delhi Durbar.
Năm 1937, khi Vua Edward VIII thoái vị, Vua George VI lên ngôi thay anh trai trị vì nước Anh. Lúc đầu lễ đăng quang của Vua Edward VIII được lên kế hoạch tổ chức vào ngày 12/5/1937, nhưng do ông đã thoái vị nên ngày này được ấn định là lễ đăng quang của Vua George VI.
Lễ đăng quang của Vua George VI và Hoàng hậu Elizabeth là sự kiện Hoàng gia đầu tiên được quay phim, dù không được phát sóng.
Lễ đăng quang của Vua George VI là lễ đăng quang thứ ba diễn ra trong thế kỷ XX.
Các thành viên Hoàng gia Anh xuất hiện trên ban công Cung điện Buckingham để chào dân chúng sau lễ đăng quang. Con gái của Vua George VI và Hoàng hậu Elizabeth là công chúa Elizabeth II và công chúa Margaret (ở giữa) cũng có mặt.
Quang cảnh đám đông bên ngoài Cung điện Buckingham, khi đoàn diễu hành Hoàng gia đi ngang qua đài tưởng niệm Nữ hoàng Victoria.
Đám rước bên trong Tu viện Westminster, nơi diễn ra lễ đăng quang của các vị vua Anh trong chín thế kỷ.
Hình ảnh Vua George VI được đội vương miện và trao quyền trượng.
Năm 1953, sau khi Vua George VI tạ thế, con gái ông là Nữ hoàng Elizabeth II, đã lên ngôi khi mới 25 tuổi. Lễ đăng quang của bà diễn ra sau đó 14 tháng.
Toàn bộ quá trình diễn ra lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II được truyền hình trực tiếp.
Chồng của Nữ hoàng Elizabeth II, Hoàng thân Philip là người chủ trì Ủy ban Đăng quang. Ông đã lên kế hoạch cho các hoạt động trong sự kiện trọng đại này.
Khoảnh khắc đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II.
Nữ hoàng Elizabeth và Hoàng thân Philip vẫy tay chào công chúng từ ban công tại Cung điện Buckingham sau lễ đăng quang.
Nữ hoàng Elizabeth II là vị quân vương có thời gian trị vì lâu nhất nước Anh.
Ngày 8/9/2022, Nữ hoàng Elizabeth II qua đời ở tuổi 96 sau gần 70 năm trị vì nước Anh. Ngay sau đó, con trai cả của bà là Thái tử Charles đã kế vị ngai vàng và trở thành Vua Charles III. Để có thời gian chuẩn bị, lễ đăng quang của Vua Charles III được tổ chức vào ngày 6/5, 8 tháng sau đó. Những ngày gần đây, nước Anh đang rậm rịch chuẩn bị cho lễ đăng quang của Vua Charles III.
Lễ đăng quang của Vua Charles III có quy mô nhỏ hơn lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II. Theo Reuters, dự kiến có khoảng 2.200 khách mời sẽ tham dự sự kiện trọng đại này.