Dựa trên cảm hứng từ những chiếc mặt nạ Venice phía Bắc Italy, nghệ sỹ Nguyễn Thùy Trang đã sử dụng những chất liệu truyền thống của Việt Nam như: vải, chổi, tre, hạt đỗ, rơm… để tạo ra những chiếc mặt nạ theo các phong cách mặt nạ Venezia: Volto – Bauta – Jester – Morreta - Pierot Tragico - Medico Della Peste. Vào thời kỳ xa xưa, người dân Venice đã khởi xướng ra lễ hội Carnival với nghi thức hoá trang đeo mặt nạ này là một trong những cách khiến cho các đẳng cấp xã hội biến mất khiến mọi người đều cảm thấy bình đẳng như nhau.
Nguyễn Thùy Trang chia sẻ rằng: “Mỗi con người sinh ra với những cấu tạo đặc biệt của tạo hoá nhằm thể hiện tính cách, đặc điểm nhận dạng, và theo thời gian, cùng sự phát triển của độ tuổi, môi trường, công việc, cũng sẽ thể hiện phần nào lên khuôn mặt. Từ đó có thể phản chiếu hoàn cảnh, giai cấp và số phận của từng người. Chiếc mặt nạ như một vũ khí bảo vệ, ngăn chặn không cho người khác nhìn thấy những gì ẩn dấu bên trong”.
Nghệ sĩ Nguyễn Thùy Trang cũng đã mời 6 người không quen biết nhau với những ngành nghề, công việc khác nhau để tham gia vào một đoạn phim nghệ thuật. Đoạn phim này đã ghi việc họ dùng 6 mặt nạ trên cải trang để tham dự một lễ hội Carnival do chính họ tạo ra và cùng trải nghiệm những diễn biến quan hệ giữa chiếc mặt nạ và con người, giữa người và người sau đó.
Sinh năm 1988 tại Hà Nội, Nguyễn Thùy Trang từng theo học tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và tốt nghiệp trường Ecole superieure des Beaux-Arts d’Angers năm 2012. Hiện cô được biết đến trong vai trò là người sáng lập và giảng dạy tại Xưởng Nghệ Thuật Tí toáy dành cho trẻ em.
P.T