Những hàng xe đạp cổ trong nắng sớm luôn thu hút sự chú ý của những người đi đường. |
Trong ánh nắng sớm mai, những hàng chiếc xe đạp cổ mang nhãn hiệu Marila, Joang Fonix, Sterling, Mercier, Peugeot bên bờ Hồ Tây luôn thu hút những ánh nhìn của người đi đường. Đó là những "báu vật" của các thành viên ở Câu lạc bộ (CLB) "Xe đạp Hà Nội xưa & nay".
Đáng giá cả căn nhà
Thành lập cách đây tám năm, đến nay, CLB đã quy tụ được gần 60 thành viên. Đã thành thông lệ, cứ vào mỗi buổi sáng, họ lại hẹn gặp nhau ở một quán nước nhỏ trên đường Thanh Niên. Bên chén trà nóng, họ chia sẻ những "cuộc hành trình" đi tìm từng chiếc nan hoa sao cho đúng đời hay cùng hồi tưởng lại những kỷ niệm với chiếc xe.
Dù đã lớn tuổi nhưng một số người vẫn đều đặn đạp xe một vòng quanh Hồ Tây vào mỗi buổi sáng trước khi đến điểm hẹn quen thuộc. Những thành viên ở ngoại thành cũng hiếm khi vắng mặt trong những buổi gặp gỡ này. Theo họ, những chiếc xe đạp cổ nói chung và những chiếc xe Mercier, Peugeot do người Pháp sản xuất nói riêng rất hợp với tầm vóc nhỏ bé của người châu Á. Nhờ đó, người sử dụng không bị mất sức dù phải đạp xe trên cả một chặng đường dài.
Lý giải về thú chơi xe đạp cổ, ông Nguyễn Viết Bảo, Phó Chủ nhiệm CLB chia sẻ: "Những chiếc xe đạp nhập khẩu từ Pháp, Đức, Tiệp Khắc... từng là ước mơ của chúng tôi trong thời kỳ bao cấp. Hơn thế nữa, thiết kế của nó rất tinh tế và khoa học. Khi đi trên đường, cả người và xe đều toát lên một sự thư thái, uyển chuyển và vô cùng thanh lịch". Ngắm nhìn những chiếc xe có tuổi thọ gần nửa thế kỷ, những hoài niệm về một thời xa xưa lại ùa về với nhiều người. Theo ông Bảo, những chiếc xe đạp này từng có giá khoảng từ một đến hai cây vàng, bằng cả một ngôi nhà mặt phố. Sau khi mua, các chủ nhân của nó cũng phải vất vả lắm mới có thể... làm giấy chứng nhận sở hữu và đăng ký biển kiểm soát.
Yêu xe như con
Ở CLB, mọi người vẫn lưu truyền những giai thoại về việc chăm sóc xe đạp. Chẳng hiểu vì quá yêu quý xe hay không muốn "báu vật" của mình bị gỉ mà nhiều người còn cho hẳn xe vào phòng kín, mắc màn, đắp chăn rồi bật điều hòa 24/24 cho nó. Không chỉ có vậy, có người còn chấp nhận nằm ngủ dưới đất để nhường giường cho xe.
Người ta nói "Nghề chơi cũng lắm công phu". Việc sưu tầm, phục dựng những chiếc xe đạp cổ cũng vất vả và tốn kém chẳng khác gì những thú chơi xe đắt tiền như Vespa, Sidecar... Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ nhiệm CLB, đang sở hữu khoảng 30 chiếc xe đạp cổ. Trong bộ sưu tập đồ sộ ấy, có những chiếc được sản xuất từ đầu thế kỷ XX. Người đàn ông 45 tuổi này từng lặn lội đến những ngôi làng ở Sơn Tây, Hà Đông để tìm mua xe đạp. Nhìn những chiếc xe là niềm mơ ước một thời của nhiều người nay phải chịu cảnh phủ bụi ở góc nhà, ông Tuấn cũng phần nào chạnh lòng.
Không được sửa chữa, bảo dưỡng, hầu hết những chiếc xe ấy đều tróc sơn, hỏng hóc. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, yếu tố quan trọng nhất khi chọn mua xe đạp cổ là khung xe không bị chùn hay cong vênh. Ông kể: "Khi đã có khung xe, mình bắt đầu đi tìm mua những phụ kiện đúng đời để lắp ráp. Đôi khi, tôi phải mua thêm mấy chiếc xe chỉ để lấy đôi lốp, pedan hay cái yên rồi kỳ cạch tháo tháo lắp lắp đến 3h sáng. Chỉ những người đam mê thực sự mới hiểu được cảm giác sung sướng khi được đi trên một chiếc xe cổ nguyên bản".
Có được một chiếc xe ưng ý đã khó, việc bảo dưỡng xe cũng phải rất kỳ công. Khí hậu nóng ẩm của Việt Nam rất dễ khiến cho xe bị han gỉ. Vì thế, sau mỗi chuyến đi, những chiếc xe ấy lại được lau chùi cẩn thận. Thỉnh thoảng, chúng lại được lau dầu. Tuy nhiên, công việc ấy lại chẳng hề đơn giản. Nếu không cẩn thận, những chiếc lốp trắng, lốp vàng sẽ bị dây bẩn, rất khó tẩy sạch.
Quả thật, phải đam mê với thú chơi, phải yêu xe như con thì mới có thể phục chế lại chiếc xe nguyên bản đến từng chi tiết nhỏ như thế.
Nhìn ngắm những chiếc xe cổ dưới ánh nắng sớm, ông Tuấn chia sẻ: "Mình chẳng thể bắt thế hệ sau phải yêu, phải quý những chiếc xe này. Việc mình phục dựng nó vừa là để giữ gìn những nét đẹp của một thời đã qua, vừa để con cháu mình hiểu rằng cha ông chúng đã từng sống một thời mà chiếc xe đạp là cả một gia tài như thế".
Hoàng Quân