Albert Einstein, một trong những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất trong lịch sử loài người, từ trần vào ngày 18/4/1955 tại bệnh viện Princeton (bang New Jersey, Mỹ). Đúng 7 giờ sau khi nhà vật lý thiên tài qua đời, chuyên gia bệnh học Thomas Harvey cắt não của ông để bảo quản, với hy vọng rằng sự phát triển của khoa học thần kinh trong tương lai có thể giải thích được tại sao Einstein lại thông minh đến thế. Thomas nhận thấy não của Einstein không có điểm đặc biệt. Nó co lại theo tuổi tác và thậm chí còn nhỏ hơn một chút so với phần lớn não đa số người thường.
Trong những năm đầu thập niên 80, nhà thần kinh học Marian Diamond thuộc Đại học California (Mỹ) phân tích một số lát cắt lấy từ các thùy trên đỉnh sọ và vùng vỏ não trước trán của Einstein mà Thomas để lại. Sau khi so sánh các lát cắt với mô của 11 não bình thường, bà nhận thấy tỷ lệ tế bào đệm trên tế bào thần kinh của Einstein lớn hơn. Trong não và tủy sống, tế bào đệm bao bọc tế bào thần kinh và giúp tế bào thần kinh nằm yên tại vị trí. Chúng không chỉ cung cấp năng lượng và dưỡng chất cho tế bào thần kinh, mà còn liên quan tới quá trình xử lý và truyền tín hiệu thần kinh. Tuy không thể xác định chính xác số lượng tế bào đệm, song Marian khẳng định số lượng của chúng trong vùng đỉnh trái trong não Einstein nhiều gấp ít nhất hai lần người thường.
Trước đó, Marian từng biết một nhà toán học mất khả năng viết và vẽ hình khối sau khi vùng đỉnh trái của anh bị chấn thương. Một số nhà toán học khẳng định họ nhìn thấy các khái niệm trừu tượng một cách rõ ràng tới mức cứ như thể chúng tồn tại trong não và có thể sờ mó như vật thể hữu hình. Marian cho rằng vùng đỉnh trái – nơi có vai trò quan trọng đối với khả năng cảm nhận thị giác – liên quan tới vấn đề này. Nhưng cũng có một vài giả thiết khác. Einstein từng mắc bệnh chậm đọc và khả năng nhớ từ của ông thuộc diện kém. Bệnh chậm đọc thường xuất hiện sau khi vùng đỉnh trái bị tổn thương. Vì thế, số lượng tế bào đệm lớn hơn mức trung bình của Eisteins có thể là nguyên nhân khiến ông gặp khó khăn trong kỹ năng đọc.
Britt Anderson, một chuyên gia tại Đại học Alabama (Mỹ) tiến hành nghiên cứu các mô trên vỏ não thuộc vùng trán phải – nơi có liên quan tới trí nhớ hoạt động, khả năng tư duy và tổ chức. Ông nhận thấy số lượng và kích thước tế bào thần kinh tại vùng này chẳng có gì bất thường, nhưng toàn bộ lớp vỏ lại mỏng hơn so với mức trung bình (2,1 mm so với 2,6 mm). Điều này nghĩa là tế bào thần kinh ở vỏ não của Einstein bị nén với mật độ dày hơn mức bình thường. Britt cho rằng mật độ càng dày thì tốc độ liên lạc giữa các tế bào thần kinh càng tăng.
Năm 1998, Britt lại tiếp tục nghiên cứu não Einstein một lần nữa. Lần này ông xem xét các bức ảnh. Mọi thứ không có gì đặc biệt trừ các thùy trên đỉnh não. Tại đây não Einstein rộng hơn mức trung bình khoảng 15% khiến nó giống hình bán cầu hơn. Phần lớn não người thường có cấu trúc bất đối xứng, nhưng các thùy trên đỉnh của Einstein lại đối xứng với nhau. Điều này củng cố giả thiết cho rằng Einstein có khả năng cảm nhận không gian và suy luận hơn người nhờ một số cấu trúc không bình thường của não.
Một trường hợp đặc biệt khác là Hendrikje van Andel-Schipper, phụ nữ người Hà Lan sống thọ nhất thế giới qua đời ở tuổi 115, tháng 8 năm ngoái. Não của bà trở thành đối tượng nghiên cứu của một số nhà khoa học tại Đại học Y khoa Groningen. Họ nhận thấy não Hendrikje hầu như không bị tổn thương mạch máu, không có hiện tượng tích tụ protein (nguyên nhân gây nên các bệnh về trí nhớ như Alzheimer). Số lượng tế bào trong đó tương đương với số tế bào trong não của người trong độ tuổi 60-80. Theo Wilfred den Dunnen, trưởng nhóm nghiên cứu, điều đó cho thấy tuổi thọ của não có thể vượt xa tuổi thọ sinh học của con người.
Quá trình lão hóa mang tới nhiều thay đổi cho não. Các mạch máu lên não co lại, trong khi chất lượng myelin (chất béo có nhiệm vụ tách các sợi thần kinh ra khỏi nhau) giảm đi. Thể tích não giảm xuống đôi chút và các đường rãnh trên bề mặt não phình ra. Tuổi già cũng khiến tốc độ di chuyển của tín hiệu thần kinh và khả năng phối hợp giữa các vùng não giảm.
Các nhà tâm lý khẳng định rằng, trí nhớ có thể bắt đầu suy giảm từ độ tuổi đôi mươi, song kinh nghiệm và kiến thức tổng hợp lại tăng lên cho đến khi chúng ta bước vào độ tuổi ngũ tuần hoặc lục tuần. Ngoài ra, khả năng nhận thức của con người được duy trì liên tục trong suốt cuộc đời bởi khi thể tích một vùng não giảm xuống, não sẽ huy động các vùng khác làm việc thay.
Nhiều nhà khoa học cho rằng suy giảm trí nhớ là căn bệnh không thể tránh khỏi của tuổi già. Quan điểm này ngày càng lung lay khi người ta tìm thấy vài chục người có tuổi thọ trên một thế kỷ có trí nhớ chẳng kém thanh niên tuổi đôi mươi. Bí quyết để có một bộ não minh mẫn lúc về già không hề đơn giản. Một số người mắc bệnh mất trí nhớ do di truyền, trong khi nhiều người khác đột nhiên mắc bệnh. Huyết áp cao, béo phì và các bệnh liên quan tới tim mạch đều làm tăng nguy cơ đột quỵ và mất trí nhớ. Tập thể dục và rèn luyện trí não thường xuyên là hai trong số những cách hiệu quả nhất để duy trì sự minh mẫn của bộ não khi về già.
Theo VNE