Thái Nhật Minh tại Triển lãm điêu khắc Những con chim. |
Và cũng như một nhà điêu khắc thuộc hàng “lão làng” đã nhận xét khi đến với “Những Con Chim” của Thái Nhật Minh, rằng dường như đã lâu lắm rồi, ông mới cảm nhận được sự cựa mình nhè nhẹ của điêu khắc qua một số triển lãm của các nhà điêu khắc trẻ gần đây. Trong không khí đó, thì Triển lãm “Những Con Chim” của Thái Nhật Minh chính là một cái cựa mình nhè nhẹ thêm như thế…
Thái Nhật Minh đã lấy cảm hứng sáng tác từ hình tượng những con chim rồi hóa thân chúng vào trong 150 tác phẩm điêu khắc cỡ nhỏ được làm từ chất liệu gỗ và nhôm đúc. Trong triển lãm lần này, anh đã đưa bầy chim của mình vào một không gian rồi kết hợp với các đường cong nan tre tạo nên hai không gian nhỏ hơn bủa vây và đóng kín trong một tổng thể chung.
Không gian thứ nhất gồm 3 cột vuông cao, được tạo bởi các thân tre thẳng, cứng, đứt đoạn, được biến điệu từ những chiếc lồng chim. Trong không gian chật trội về hình khối này là những con chim với những dáng điệu và tâm trạng khác nhau, được tác giả xắp sếp, đan cài tầng lớp đầy hình tượng, tạo cho người xem những liên tưởng thú vị.
Nếu như không gian thứ nhất là những đường thẳng, cứng và đứt đoạn thì không gian thứ hai là những nan tre mềm mại, những đường cong uốn lượn dạng cung tròn, động, thoáng và liên tục. Đó chính là những “quỹ đạo bay” nối tiếp nhau của những con chim, đó dường như là khát khao thoát khỏi không gian chật hẹp bên kia của những con chim…
Có lẽ, sau rất nhiều triển lãm chung, Thái Nhật Minh muốn dành một không gian riêng cho mình, cho những con chim của mình có không gian bay lượn. Vì thế, triển lãm cá nhân đầu tiên này cũng là một sự đối mặt của chính anh, đối mặt với những con chim của mình. Từ những chú chim đơn giản như những chú cu gáy hiền lành trên tán cây miền Trung du, mộc mạc như những “mẩu gỗ thừa trong xưởng mộc” đến những chú chim suy tưởng và rồi được đẩy lên thành những chú chim suy tư, chú chim tín hiệu.
Thái Nhật Minh chia sẻ, hình tượng con chim không chỉ là biểu tượng của hòa bình, của tự do mà còn rất gần gũi với nhiều dân tộc trên trái đất này. Chúng có mặt từ thủa hồng hoang sơ khởi, trong các truyền thuyết và ký ức, trong lịch sử hình thành, nguồn gốc dân tộc, biểu tượng quốc gia cũng như trong đời sống thường nhật của con người... Những con chim của Minh luôn ấp ủ những ước mơ, những khát vọng chao liệng vượt ra những quỹ đạo bay mênh mông hơn, thoát khỏi những trở ngại, khó khăn và cả những tù túng, chật hẹp.
Thông qua những hình tượng, hình khối chim điêu khắc của mình, Thái Nhật Minh dường như muốn chuyển tải một thông điệp rằng, con người ta, cũng như những chú chim, trong những lúc khó khăn nhất, trong những quỹ đạo bay chật hẹp nhất, thì khát vọng mới là lớn nhất, sự thôi thúc mới là mạnh mẽ nhất, từ bên trong, từ tâm hồn.
Mỗi con chim đều gợi những cảm xúc khác nhau, có thể là nặng nề, căng thẳng, cục mịch hay thanh thoát… nhưng chúng luôn đưa đến những tín hiệu. Phải chăng, tiếng con chim hót trước khi lao mình vào bụi mận gai mới là tiếng hót hay nhất. Con chim chỉ là hình tượng anh vay mượn để thông qua đó, bày tỏ cảm xúc cá nhân từng ngày, hướng tới những không gian mới, bầu trời mới nơi có quỹ đạo bay liên tục của những con chim trong không gian. Và như thế, những chú chim của Thái Nhật Minh đã trở thành những chú chim tín hiệu, những con chim ẩn chứa thật nhiều suy tưởng.
Đức Khải
Triển lãm điêu khắc NHỮNG CON CHIM của Thái Nhật Minh diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội), từ ngày 21- 27/4/2013. Mở cửa tự do từ 8h30-17g00. Thái Nhật Minh sinh 1984, tại Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Tốt nghiệp đại học khoa điêu khắc và cao học tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam, là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội viên Hội VNNT Vĩnh Phúc. Các giải thưởng chính: Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam tại Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc 2011; Giải Khuyến khích Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 5 năm 2006-2011; Bằng khen của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam 2011. Giải thưởng VHNT Vĩnh Phúc 5 năm (2006-2010); Có tác phẩm in trong "Tuyển tập Mỹ thuật Việt Nam thời kỳ Đổi mới”, "Tuyển tập Mỹ thuật Việt Nam hiện đại”. Hoạt động triển lãm chính: Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (2005-2010); Triển lãm mỹ thuật “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” 2013; Triển lãm Mỹ thuật “Đường biên giới và Biển đảo quê hương” 2012; Triển lãm gốm nghệ thuật Việt Nam; Triển lãm Mỹ thuật “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và 1000 năm Thăng Long – Hà Nội; Triển lãm “Lực lượng vũ trang và Chiến tranh Cách mạng”. |