Einstein với Mileva... |
Tác giả của thuyết tương đối là người đàn ông to cao, có sức lôi cuốn phái đẹp với đôi vai rộng, mái tóc xoăn dày và cái miệng gợi cảm lúc nào cũng tươi cười. Đầu tóc ông có lẽ lúc nào cũng bị những bí ẩn của tự nhiên lôi cuốn, nhưng ông cũng nhận thức rất rõ sức hấp dẫn của mình với phụ nữ như nam châm hút sắt. Thậm chí, nghe đồn cả cô đào Marilyn Monroe cũng chết mê chết mệt vì ông.
Mới 16 tuổi, Einstein đã phải lòng Marie Winteler, con gái một giáo viên, lớn hơn ông 2 tuổi. Trong một lá thư gửi Marie, ông viết: “Nếu lúc này có cô ở bên, tôi sẽ bất chấp tất cả để hôn cô, thiên thần nhỏ bé ngọt ngào của tôi”. Vài năm sau, khi Einstein là sinh viên ĐH Bách Khoa Zurich, Marie dạy học ở một thành phố gần đó, hai người đã hẹn hò.
Chẳng bao lâu sau, ông bắt cá hai tay khi hẹn hò với nữ sinh viên vật lý duy nhất ở trường ông, lớn hơn ông 4 tuổi. Mileva Maric, người Hungary, có đôi mắt đen buồn và một bên chân bị tật. Dù bị mẹ cản ngăn, ông vẫn yêu cô say đắm. Cũng chỉ được một thời gian ngắn thì người đẹp Anneli Schmidt, 17 tuổi, con gái một chủ quán ở Mettmentten (Thụy Sĩ), nơi ông theo mẹ đi nghỉ hè, đã xuất hiện trong đời ông.
Khi trở về, Mileva có thai, nhưng vấn đề cưới xin không được đặt ra, bởi tình hình kinh tế của cả hai bên chưa cho phép và nhất là không được gia đình hai bên ủng hộ. Con gái ngoài giá thú của họ ra đời vào tháng Giêng năm 1902 và bặt tin. Barbara Wolff, người phụ trách lưu trữ của Einstein tại ĐH Hebrew (Jerusalem), cơ quan công bố các lá thư của nhà bác học này, cho biết: “Không ai biết thông tin gì về đứa trẻ. Có thể cô bé đã được cho làm con nuôi hoặc đã chết lúc chào đời”.
Tuy nhiên, cuối cùng họ cũng chính thức kết hôn sau khi Einstein có việc làm tại văn phòng đăng ký phát minh sáng chế và sinh hai con trai: Hans Albert và Eduard, trong đó một đứa bị tâm thần phân liệt. Einstein từng nói thà không sinh ra cậu còn hơn, mặc dù ông vẫn chi rất nhiều tiền để chữa bệnh cho con.
Năm 1909, ông nhận được thư chúc mừng nhân dịp ông được phong Giáo sư của ĐH Zurich từ người tình cũ, cô Anneli, nay đã có chồng. Ông hồi âm cho cô: “Tôi ấp ủ trong lòng ký ức về một tuần êm đềm được ở bên cô tại Thiên đường” (Thiên đường cũng đồng thời là tên quán trọ của cha cô). Thư trả lời của Anneli bị Mileva, vốn rất ghen tuông, giấu mất.
Năm 1912, ông bắt đầu cuộc phiêu lưu tình ái với Elsa Lowenthal, người phụ nữ tóc vàng, mắt xanh, vừa ly hôn và có hai con gái riêng Ilse, 13 tuổi và Margot, 11 tuổi. Trong thư gửi Elsa, ông than thở về cuộc sống với một người vợ “thiếu thiện cảm, không có đầu óc hài hước”. Ông viết: “Trong mấy ngày ngắn ngủi đó, tôi cảm thấy ngày càng yêu em hơn và đó là điều tôi thật khó khăn mới giãi bày được với em...”. Một năm sau, ông viết tiếp: “Tôi cảm thấy cần có một ai đó để yêu, nếu không cuộc đời này thật là khốn khổ. Và ai đó ấy chính là em”.
Vào thời gian đó, Elsa sống ở Berlin và đó là cái cớ để ông chuyển đến thành phố này, “giải phóng” cho Mileva với lời hứa nếu bà đồng ý cho ông ly dị, bà sẽ được hưởng trọn số tiền mà giải Nobel của ông mang lại. Cuối cùng, năm 1918, Mileva đồng ý ly dị, tạo điều kiện để Elsa và Einstein có thể chính thức thành hôn.
Thế nhưng, ngày cưới đã bị chính Einstein trì hoãn, bởi lúc đó ông đã để mắt đến Ilse, con gái riêng của Elsa. Einstein đã đưa ra lời cầu hôn thật độc đáo là ông sẽ cưới một trong hai người, hoặc là Elsa, 44 tuổi, hoặc là Ilse, 20 tuổi và dành cho họ quyền quyết định. Vào thời gian đó, Ilse đang yêu Nikolai, bạn của Einstein. Isle thừa nhận với Nikolai: “Chiều qua, vấn đề được đặt ra quá bất ngờ, Albert muốn cưới hoặc em, hoặc mẹ em… Albert không đưa ra quyết định nào cả, ông ấy chỉ sẵn sàng để làm đám cưới thôi. Em biết là Albert yêu em rất nhiều, nhiều hơn bất kỳ người đàn ông nào khác và chính ông ấy đã tỏ tình với em hôm qua”. Rồi Ilse đi đến quyết định bằng tuyên bố cô chỉ yêu ông như “yêu một người cha”. Và thế là Einstein cưới bà Elsa.
...Và với Elsa |
Nhưng cũng gần như ngay sau đó, Einstein bắt đầu bập vào cuộc tình mới với Betty Neuman, cháu của một trong những người bạn thân nhất của mình. Betty vốn được ông đưa vào làm thư ký và cố tình đưa cô vào cuộc sống của gia đình mình. Suốt một năm trời, ông quan hệ với cô, được Elsa cho phép một cách miễn cưỡng.
Bà Wolff cho rằng: “Sau Mileva, Betty Neuman mới là tình yêu lớn trong đời Einstein”. Dường như chính Einstein cũng nhận ra rằng, ông đã đi quá xa và thừa nhận trách nhiệm của mình khi để một cô gái trẻ phải chứng kiến cảnh dối lừa. Ông tự dứt tình với Betty bằng những lời có cánh: “Tôi sẽ tìm trên các vì sao những gì tôi không được phép có trên Trái đất này”.
Từ giữa thập kỷ 1920 đến khi di cư sang Mỹ, rời khỏi nước Đức năm 1933, quanh ông có cả một “ngân hà” các người đẹp. Theo Wolff, phụ nữ theo đuổi ông, tự ngã vào lòng ông, mà không có nạn nhân nào cả.
Năm 1936, Elsa qua đời. Einstein không tục huyền nữa, dù ở Mỹ ông cũng có vô số cuộc phiêu lưu tình ái. Những lá thư cuối cùng ông viết cho các con gái riêng của vợ chứng tỏ ông đã trở thành người chồng và người cha chu đáo hơn.
Gia Nguyễn(theo Times)