Người bệnh Covid-19 nên đo Sp02 khoảng 2 lần/ngày. (Nguồn: Getty Images) |
Việt Nam đã bao phủ gần 100% vaccine Covid-19 liều cơ bản cho người dân từ 5 tuổi trở lên. Nhiều người đã tiêm mũi 3, mũi 4.
Bộ Y tế cho biết, bình quân cứ 1 triệu người ở nước ta lại có hơn 116.500 ca nhiễm, tỷ lệ tử vong trên tổng số ca mắc là 0,4%. Với tỷ lệ người mắc và độ bao phủ vaccine, tính miễn dịch cộng đồng với Covid-19 ở Việt Nam khá cao.
Những ngày đầu tháng 4, số người phát hiện mắc Covid-19 gia tăng so với nhiều tháng trước đó. Một trong những nguyên nhân khiến số ca mắc tăng là yếu tố thời tiết, tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh lý do virus phát triển, trong đó có Covid-19.
Dù tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc không tăng so với trước đây, tuy nhiên, người dân vẫn cảnh giác với những dấu hiệu cảnh báo tăng nặng khi mắc Covid-19 để có can thiệp y tế kịp thời.
Trong đó, cần cảnh giác với các dấu hiệu suy hô hấp như: Thở nhanh, nông; cảm giác khó thở; nhịp tim tăng trên 100 hoặc thấp dưới 50; đau tức ngực, co rút các cơ liên sườn; tím tái tay chân…
Với trẻ em, cha mẹ cần cảnh giác với biểu hiện: trẻ thở nhanh, phập phồng cánh mũi, rút lõm lồng ngực; li bì, lờ đờ, bỏ bú/ăn uống, mệt mỏi không chơi; tím tái môi đầu chi… Nên đưa trẻ nhập viện nếu có các dấu hiệu này.
Đặc biệt, trong điều kiện y tế hiện nay, những người có bệnh lý nền như tim mạch, tiểu đường, phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư, biến chứng sau đột quỵ, béo phì…; mắc các bệnh lý suy giảm miễn dịch; người cao tuổi; phụ nữ có thai… cần cân nhắc liên hệ y tế để được tư vấn, nhập viện kịp thời.
Đó là bởi dù vaccine làm giảm khả năng tăng nặng của Covid-19 nhưng nhóm người trên đây vẫn có nguy cơ trở nặng, cần theo dõi sát sao.
Việc theo dõi sát biểu hiện của cơ thể ngoài đo nhiệt độ, cần đặc biệt lưu ý chỉ số SpO2 (nồng độ bão hòa oxy trong máu), tránh trường hợp “thiếu oxy thầm lặng”.
Người bệnh nên đo Sp02 khoảng 2 lần/ngày, mức bình thường là trên 96%, cảnh giác nếu chỉ số này dưới 96%.
Trong 3 năm dịch Covid-19 xảy ra, không ít trường hợp chủ quan khi đã chuyển âm tính hoặc hết các dấu hiệu như sốt, đau đầu, khó thở... Trong khi đó, bệnh nhân có thể đột ngột chuyển nặng khi chỉ số Sp02 giảm lúc nào không biết.
Bệnh nhân Covid-19 cần giữ vệ sinh cá nhân tốt, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, ăn nhiều trái cây, rau xanh, uống nhiều nước, súc họng thường xuyên, tập thể dục nhẹ (không gắng sức), ngủ đủ giấc, tâm lý thoải mái để hạn chế stress....
Ngoài ra, trong phòng nên dự trữ thuốc hạ sốt để sử dụng khi bác sĩ hướng dẫn.
Các bước thực hiện đo bằng thiết bị SpO2
Bước 1: Kiểm tra pin.
Bước 2: Mở kẹp, đặt ngón tay vào khe kẹp sao cho đầu ngón tay chạm vào điểm tận cùng của máy.
Bước 3: Nhấn nút nguồn để khởi động máy; không cử động tay khi đo.
Bước 4: Khi kết thúc đo, rút ngón tay vài giây máy sẽ tự tắt.
Bước 5: Sp02 sẽ hiển thị dưới dạng số ở vị trí ghi chữ Sp02. Đơn vị đo tỷ lệ phần trăm. Phạm vi đo: 0-100%. Giá trị bình thường: 96-100%
Bước 6: Nhịp mạch sẽ hiển thị dưới dạng số ở vị trí hình trái tim, hoặc vị trí ghi chữ PR.