Các đại biểu vỗ tay sau khi Chủ tịch COP26 Alok Sharma phát biểu bế mạc ngày 13/11. (Nguồn: Getty) |
Theo các chuyên gia, nếu những cam kết tại Hội nghị COP26 được các nước thực hiện đúng như đã hứa thì cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ đạt được bước tiến lớn trong vòng một thập niên tới.
Thỏa thuận khí hậu toàn cầu mớic
COP là tên viết tắt của hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Đây là hội nghị thường niên do Liên hợp quốc tổ chức để rà soát quá trình thực hiện Công ước và đưa ra các quyết định quan trọng nhằm bảo đảm thực hiện hiệu quả các điều khoản của Công ước. Do tác động của dịch Covid-19, COP26 đã bị hoãn 1 năm (từ tháng 11/2020 đến 11/2021).
COP26 là một trong những hội nghị thượng đỉnh lớn nhất do Anh đăng cai tổ chức từ trước đến nay. Đây là sự kiện quốc tế lớn quan trọng hàng đầu được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, tác động ngày càng trầm trọng trên phạm vi toàn cầu.
Điều này đòi hỏi các quốc gia hành động khẩn trương và mạnh mẽ để có thể đạt được mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris là giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu vào cuối thế kỷ này chỉ tăng dưới 2 độ C và nỗ lực để chỉ tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (hiện nhiệt độ đã tăng gần 1,2 độ C).
Trong bối cảnh đó, COP26 ban đầu dự kiến diễn ra từ ngày 31/10 đến 12/11 tại Glasgow (Vương quốc Anh), tuy nhiên do bất đồng giữa các nước vẫn còn lớn nên COP26 đã kéo dài ngày làm việc thêm một ngày để các nhà đàm phán đến từ 197 quốc gia có thêm thời gian đi tới một thỏa thuận khí hậu mới.
COP26 thu hút sự tham dự trực tiếp của lãnh đạo và đại diện của 197 bên tham gia Công ước, trong đó có hơn 120 nguyên thủ và thủ tướng các nước. Ngoài ra còn có Tổng thư ký Liên hợp quốc cùng lãnh đạo của nhiều tổ chức quốc tế và thể chế tài chính quốc tế lớn, nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn và nhiều tổ chức phi chính phủ quốc tế lớn. Tổng số khoảng 30.000 đại biểu tham dự.
Đáng chú ý, trong thời gian 2 tuần, chương trình hội nghị của COP26 bao gồm hội nghị thượng đỉnh khí hậu diễn ra vào ngày 1 và 2/11; thời gian còn lại là các cuộc họp và đàm phán theo chủ đề với sự tham gia của Lãnh đạo cấp cao các quốc gia, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp lớn, các nhà khoa học…
Các hoạt động theo chủ đề này được tổ chức nhằm trao đổi, chia sẻ, trình diễn, công bố các sáng kiến mới hoặc kế hoạch, hoạt động thực hiện các sáng kiến đã có. Kết quả của các sự kiện này không mang tính ràng buộc mà chỉ nhằm nâng cao hiểu biết, thúc đẩy hợp tác và đồng thuận đối với các vấn đề khó khăn trong đàm phán.
Khi tổ chức COP26, nước chủ nhà Anh nuôi hy vọng sẽ đạt được một thoả thuận chính thức của COP26 bao gồm việc yêu cầu các quốc gia quay trở lại bàn đàm phán vào năm tới tại COP27 ở Ai Cập với những cam kết tăng cường về giảm phát thải carbon, do những hành động hiện nay là không đủ nhanh và đủ mạnh trong “thập kỷ quan trọng" đến năm 2030.
Tuy nhiên, quá trình diễn ra COP26 đã bộc lộ những mâu thuẫn giữa các nước trong việc cam kết giảm lượng khí thải carbon.
COP26 thu hút sự tham dự trực tiếp của lãnh đạo và đại diện của 197 bên tham gia Công ước, trong đó có hơn 120 nguyên thủ và thủ tướng các nước. (Nguồn: TTXVN) |
Và sau rất nhiều nỗ lực của nước chủ nhà Anh, cuối cùng COP26 đã bế mạc với việc tất cả 197 quốc gia tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow (Glasgow Climate Pact), theo đó khẳng định lại mục tiêu khống chế gia tăng nhiệt độ trung bình trên toàn cầu ở ngưỡng dưới 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp và quyết tâm theo đuổi các nỗ lực để đạt mục tiêu tăng ở mức 1,5 độ C nhằm tránh những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu.
Mục tiêu này đòi hỏi phải cắt giảm lớn lượng khí thải CO2 một cách nhanh chóng và bền vững, bao gồm giảm 45% lượng phát thải CO2 vào năm 2030 so với mức năm 2010 và về 0 vào khoảng giữa thế kỷ, cũng như giảm sâu phát thải các khí nhà kính khác.
Hiệp ước bao gồm một nội dung quan trọng, kêu gọi việc “giảm dần điện than không sử dụng công nghệ thu giữ carbon và trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả", đồng thời thừa nhận "sự cần thiết phải hỗ trợ để hướng tới một quá trình chuyển đổi công bằng”. Đây là được xem là bước ngoặt lớn bởi lần đầu tiên nhiên liệu hóa thạch được đề cập tại một thỏa thuận của Hội nghị thượng đỉnh khí hậu Liên hợp quốc.
Hiệp ước khí hậu Glasgow cũng yêu cầu các quốc gia vào cuối năm 2022 phải "xem xét lại và củng cố" các mục tiêu cắt giảm khí thải năm 2030, “có tính đến các hoàn cảnh quốc gia khác nhau", để thực hiện mục tiêu hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức "dưới 2 độ C" hoặc 1,5 độ C theo Hiệp định Paris.
Đây là một bước tiến bởi theo các thỏa thuận khí hậu trước đây của Liên hợp quốc, các quốc gia được yêu cầu đệ trình các kế hoạch này, còn gọi là đóng góp quốc gia tự quyết (NDC), 5 năm một lần.
Hiệp ước còn nhấn mạnh sự cần thiết phải huy động tài trợ khí hậu từ mọi nguồn để đạt mức cần thiết nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Hiệp định Paris, bao gồm việc tăng đáng kể hỗ trợ cho các nước đang phát triển, vượt quá 100 tỷ USD mỗi năm; đồng thời thúc giục các nước phát triển khẩn trương hoàn thành mục tiêu 100 tỷ USD đã cam kết cũng như mục tiêu đến năm 2025, và nhấn mạnh tầm quan trọng của tính minh bạch trong việc thực hiện cam kết của các nước này.
Hiệp ước cũng thúc giục các nước phát triển đến năm 2025 tăng ít nhất gấp đôi tài trợ thích ứng với biến đổi khí hậu cho các nước đang phát triển so với mức năm 2019. Trong khi các nước phát triển chịu trách nhiệm đối với phần lớn khí thải nhà kính, các nước đang phát triển lại chịu những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, một vấn đề quan trọng đối với các nước đang phát triển, đó là tổn thất và thiệt hại, cũng đã được đưa vào Hiệp ước, với việc kêu gọi các nước phát triển và các tổ chức khác hỗ trợ nhiều hơn các quốc gia dễ bị tổn thương để ứng phó với những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và giải quyết những thiệt hại do các hiện tượng thời tiết cực đoan và nước biển dâng.
Hiệp ước khẳng định tính cấp thiết của việc mở rộng quy mô hành động và hỗ trợ, nếu phù hợp, bao gồm tài trợ, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực, để thực hiện các phương pháp tiếp cận nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và giải quyết tổn thất và thiệt hại liên quan đến các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển đặc biệt dễ bị tổn thương bởi những tác động này.
Chủ tịch COP26 Alok Sharma đánh giá Hiệp ước khí hậu Glasgow dù “không hoàn hảo” nhưng đã cho thấy “sự đồng thuận và ủng hộ”. Các nhà quan sát cũng nhìn nhận đây là một chiến thắng với việc lần đầu tiên một thỏa thuận của Liên hợp quốc đã đề cập rõ ràng tới than đá, nhiên liệu hóa thạch gây phát thải khí nhà kính lớn nhất. |
Bức tranh tường ở gần trung tâm diễn ra Hội nghị COP26 tại Glasgow, Vương quốc Anh. (Nguồn: Getty) |
Những cam kết tích cực khác
Trong thời gian 2 tuần với chương trình nghị sự dày đặc, các cuộc họp và đàm phán theo chủ đề tại COP26 cũng đã đạt được một số cam kết tích cực khác, đó là:
Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo về vấn đề rừng và việc sử dụng đất, theo đó 137 nhà lãnh đạo các quốc gia đã cam kết hành động để ngăn chặn việc phá rừng cũng như xói mòn đất vào năm 2030.
Tuyên bố này tương tự như tuyên bố đã được đưa ra tại New York trước đó nhưng tại COP26, một số quốc gia lớn đã đồng ý ký vào Tuyên bố, trong đó đáng kể nhất là Trung Quốc và Brazil, hai trong số những quốc gia có diện tích lãnh thổ lớn nhất thế giới cũng như có diện tích rừng đặc biệt quan trọng với Trái đất.
Nếu 137 quốc gia thực hiện cam kết này đầy đủ, giới chuyên gia môi trường ước tính lượng khí thải carbon cắt giảm được sẽ vào khoảng 1,1 tỷ tấn.
Cam kết quan trọng thứ hai là việc 108 nước, trong đó có Mỹ và EU, cam kết với sáng kiến cắt giảm khí methane, loại khí gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ hai sau khí CO2. Mục tiêu được đưa ra là giảm được 30% lượng khí methane trên toàn cầu từ nay đến 2030. Khi đó, lượng khí thải được cắt giảm sẽ tương đương 0,8 tỷ tấn CO2. Nếu các nước còn lại cũng tham gia vào cam kết này, lượng cắt giảm có thể tăng lên gấp 7 lần.
Cam kết quan trọng khác là về việc chuyển đổi năng lượng từ than đá sang các nguồn năng lượng sạch khác, theo đó từ những năm 2030 các nền kinh tế lớn sẽ dần chấm dứt việc sử dụng than đá còn các nền kinh tế đang phát triển sẽ bắt đầu từ những năm 2040.
Ngoài ra, 46 nước tham gia ký kết tuyên bố này cũng cam kết ngừng toàn bộ việc hỗ trợ tài chính cho các dự án điện than trong và ngoài nước. Cam kết về việc dần dần chấm dứt sử dụng than đá có thể cắt giảm lượng khí thải tương đương 0,2 tỷ tấn CO2.
Một cam kết quan trọng khác nữa phải kể đến là việc 22 quốc gia cam kết đến năm 2035 toàn bộ các xe hơi và xe tải được sử dụng sẽ là xe không khí thải. Cam kết này hứa hẹn có thể cắt giảm 0,1 tỷ tấn CO2.
Đáng chú ý, trong khuôn khổ của COP26, hai quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Mỹ đã bất ngờ đưa ra một Tuyên bố chung hiếm hoi về chương trình hành động đầy hứa hẹn, cam kết sẽ hợp tác cùng nhau để đạt được mục tiêu kìm hãm nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C, mục tiêu được đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Mỹ và Trung Quốc đã thống nhất về một loạt các vấn đề bao gồm phát thải khí metan, chuyển đổi sang năng lượng sạch và ngăn chặn nạn phá rừng. Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ, ông John Kerry đánh giá, tuy Mỹ và Trung Quốc tồn tại nhiều khác biệt, nhưng về khí hậu, hợp tác là cách duy nhất để thành công.
Ngoài ra, COP26 cũng chứng kiến cam kết của 450 tổ chức tài chính, quản lý tổng số tài sản trị giá 130 nghìn tỷ USD, tương đương 40% tài sản tư nhân toàn cầu, trong việc sử dụng vốn đầu tư hỗ trợ công nghệ sạch như năng lượng tái tạo và loại bỏ tài trợ cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Đây là một sáng kiến nhằm thu hút sự tham gia của các công ty tư nhân trong việc thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và cam kết tài trợ cho công nghệ xanh.
Về tổng thể, COP26 đã ghi nhận nhiều bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và toàn bộ các cam kết được đưa ra có thể giúp nhân loại tiến gần hơn đến mục tiêu giữ cho Trái đất không nóng thêm quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ XXI. Nối tiếp sau COP26, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) là 2 nước này tiếp theo được lựa chọn làm chủ nhà 2 kỳ hội nghị COP27 và COP28. |
Dấu ấn Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham gia Hội nghị COP26, theo lời mời của Thủ tướng Vương quốc Anh Boris Johnson.
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia hội nghị lần này mang nhiều ý nghĩa quan trọng, là dịp để quốc tế hiểu rõ chủ trương và nỗ lực, cũng như những khó khăn và thách thức của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị COP26. (Nguồn: TTXVN) |
Thông qua các bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26, cộng đồng quốc tế có thể thấy rõ tinh thần chủ động, tích cực của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là cam kết liên quan việc đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, tham gia Cam kết giảm phát thải methanen toàn cầu, và Tuyên bố Glasgow các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất.
Nhân dịp tham dự COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có hơn 20 cuộc gặp, tiếp xúc song phương với lãnh đạo cấp cao các nước như Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Australia, Ấn Độ, Thái Lan… và Tổng thư ký Liên hợp quốc, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC).
Tại các cuộc tiếp xúc, các nhà lãnh đạo đã bày tỏ sự thân tình, cởi mở và chia sẻ những nội dung cụ thể, thực chất trên các lĩnh vực có thể hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định: “Những thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính truyền tải tại Hội nghị COP26 rất mạnh mẽ và được các đối tác hoan nghênh, đón nhận, đồng thời thể hiện quyết tâm của Việt Nam dù là một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng vẫn quyết tâm chung tay cùng với thế giới để giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu”.
Trong khi đó, đánh giá về những cam kết của Việt Nam tại COP26, chuyên gia về an ninh môi trường của Hội đồng Địa chiến lược Anh William Young khẳng định “cam kết của Việt Nam tại COP26 đã khiến thế giới nhìn nhận rõ vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu”.
| COP26: Dư luận quốc tế đánh giá tích cực cam kết của Việt Nam Những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP26 đang diễn ra tại Glasgow, Vương quốc Anh, đã nhận được những đánh giá tích ... |
| Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp xúc với lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế tại Hội nghị COP26 Ngày 2/11 (theo giờ địa phương) trong khuôn khổ Hội nghị COP26, tại Vương quốc Anh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục ... |