(Nguồn: Dân trí) |
Theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Số: 03/2007/QH12) được Quốc hội ban hành vào ngày 21/11/2007, bệnh truyền nhiễm được phân thành 3 nhóm: A, B, C.
Dịch Covid-19 đang hoành hành được xếp vào nhóm A: Các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Cũng được xếp trong nhóm này còn có: bại liệt, cúm A-H5N1, dịch hạch, đậu mùa, viêm đường hô hấp cấp nặng do virus…
Điều kiện để công bố dịch bệnh truyền nhiễm
Theo Khoản 1, Điều 38, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Thủ tướng Chính phủ công bố dịch theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, khi dịch lây lan nhanh từ tỉnh này sang tỉnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người.
Các biện pháp được áp dụng sau khi công bố dịch
Trong trường hợp đã công bố dịch trên toàn quốc, nhiều biện pháp chống dịch sẽ đồng loạt được thực hiện. Đáng chú ý, theo quy định tại Khoản 1, Điều 25 của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể:
- Tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch;
- Cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm được cơ quan y tế có thẩm quyền xác định là trung gian truyền bệnh dịch;
- Hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng tại vùng có dịch.
Bên cạnh đó, các biện pháp kiểm soát ra vào vùng có dịch cũng sẽ được áp dụng theo Điều 53 của bộ luật này:
- Hạn chế ra, vào vùng có dịch đối với người và phương tiện; trường hợp cần thiết phải kiểm tra, giám sát và xử lý y tế;
- Cấm đưa ra khỏi vùng có dịch những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch;
- Thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người vào vùng có dịch theo quy định;
- Các biện pháp cần thiết khác theo quy định của pháp luật.
Trưởng Ban chỉ đạo chống dịch sẽ thành lập các chốt, trạm kiểm dịch tại các đầu mối giao thông ra, vào vùng có dịch để đảm bảo thực hiện các biện pháp nêu trên.
Trên thực tế, từ khi dịch Covid-19 tràn vào Việt Nam, Chính phủ cũng đã thực thi nhiều biện pháp cứng rắn để kiểm soát dịch bệnh. Trong Quyết định 447/QĐ-TTg, thời gian xảy ra dịch cũng được ghi rõ là ngày 23/1/2020. Việc Thủ tướng ký quyết định công bố dịch, theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, có 3 mục tiêu chính:
- Tăng thêm tinh thần trách nhiệm của các lực lượng chống dịch trên từng địa bàn, trong từng ngành.
- Để người dân nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong cuộc chiến chống dịch.
- Tất cả các lực lượng tham gia chống dịch sẽ được hưởng chế độ, chính sách trong thời gian chống dịch.
Trường hợp nào thì ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch?
Nếu dịch lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước thì phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Lúc này, theo Điều 54 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trưởng ban chỉ đạo chống dịch có quyền áp dụng các biện pháp tăng cường sau:
- Huy động, trưng dụng các nguồn lực theo quy định;
- Đặt biển báo hiệu, trạm gác và hướng dẫn việc đi lại tránh vùng có dịch;
- Yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch;
- Cấm tập trung đông người và các hoạt động khác có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch;
- Cấm người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch;
- Tổ chức tẩy uế, khử độc trên phạm vi rộng;
- Tiêu hủy động vật, thực phẩm và các vật khác có nguy cơ làm lây lan bệnh dịch sang người;
- Áp dụng các biện pháp khác theo quy định.
Điều kiện để công bố hết dịch
Theo Khoản 1, Điều 40, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, điều kiện để công bố hết dịch bao gồm:
- Không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau khoảng thời gian nhất định và đáp ứng các điều kiện khác đối với từng bệnh dịch theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;
- Đã thực hiện các biện pháp chống dịch quy định trong Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.