📞

Những điều ít biết về tàu ngầm năng lượng hạt nhân đầu tiên của Liên Xô

09:18 | 25/04/2021
“Quái vật dưới mặt nước biển” này trở thành tàu ngầm uy lực nhất của Liên Xô và là tàu ngầm đầu tiên phá được lớp băng dày 2,5m ở Bắc Cực.
K-3 là tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân đầu tiên của Liên Xô. (Nguồn: RBTH)

Chiến tranh Lạnh bắt đầu ngay sau khi kết thúc Thế chiến 2 đã chia thế giới thành hai lực lượng đối đầu nhau: Liên Xô và Mỹ. Mỗi bên đều tích cực tạo ra những vũ khí uy lực nhất để chuẩn bị cho khả năng một cuộc “chiến tranh nóng”, có thể loại bỏ kẻ thù của mình khỏi bề mặt Trái Đất. Trong một số trường hợp, Liên Xô là nước dẫn đầu, nhưng cũng có trường hợp Mỹ lại là nước đi trước.

Tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân Leninsky Komsomol K-3 là một trong số các trường hợp đặc biệt mà Liên Xô phải tìm cách bắt kịp Mỹ.

Lý do Liên Xô quyết có tàu ngầm năng lượng hạt nhân

Năm 1945, Mỹ đã rất công khai thể hiện với toàn thế giới về sức mạnh hủy diệt của các loại vũ khí hạt nhân mới. Dù vậy, việc triển khai bom hạt nhân bằng hàng không (như đã từng tiến hành khi dội bom Nhật Bản) cũng đi kèm với những rủi ro đáng kể.

Ở thời điểm đó, Mỹ cho rằng, cách “an toàn” duy nhất để triển khai vũ khí hạt nhân ở thời điểm đó là bằng tàu ngầm, phương tiện có thể tiếp cận các bờ biển của đối phương một cách bí mật và tung ra đòn quyết định.

Dự án tàu ngầm năng lượng hạt nhân đầu tiên của Mỹ được thực hiện một cách tối mật. Quyết định chế tạo con tàu đầu tiên được đưa ra năm 1951 và ngày 14/6/1952, lễ khởi đóng con tàu có tên “Nautilus” chính thức diễn ra. Cùng lúc đó, Liên Xô cũng đã bắt đầu chế tạo tàu ngầm năng lượng hạt nhân của riêng mình.

Nga khởi công chế tạo tàu ngầm K-3 ở Severodvinsk ngày 24/9/1955. Nếu như tàu ngầm Nautilus của Mỹ vẫn sử dụng kiểu khung thân như các tàu ngầm chạy điện-diesel và chỉ khác biệt ở chỗ có thêm lò phản ứng hạt nhân, thì tàu ngầm K-3 của Liên Xô lại có thiết kế hoàn toàn khác biệt để có thể tối ưu khả năng hoạt động dưới mặt nước. Do đó, tàu ngầm năng lượng hạt nhân K-3 của Liên Xô có tốc độ nhanh hơn so với tàu Nautilus.

Tàu ngầm K-3 có lượng giãn nước tối đa khi nổi là hơn 3.000 tấn và khi lặn là 4.750 tấn, có thể di chuyển với vận tốc lên tới hơn 50km/h dù lò phản ứng chưa hoạt động hết công suất.

Ban đầu con tàu được thiết kế nhằm tấn công các căn cứ hải quân ven bờ của kẻ thù chỉ với một quả nghi lôi nhiệt hạch cỡ nòng cực lớn (1,5 mét). Tuy nhiên, cách tiếp cận này lại không hiệu quả và chi phí quá đắt đỏ nên đã bị hủy bỏ. Thay vào đó, Liên Xô chuyển sang sử dụng ngư lôi có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Điểm đặc biệt của tàu ngầm K-3

Để tăng mức độ tàng hình của K-3, Liên Xô sử dụng các cơ chế đặc biệt để giảm tiếng ồn cho các chi tiết bên trong, lớp phủ ngoài đặc biệt cho toàn bộ tàu, cùng bộ chân vịt có độ ồn thấp.

Một số chi tiết đặc biệt của tàu K-3 là nó không có các thiết bị bỏ neo, không mang bất cứ vũ khí phòng vệ nào và cũng không có lò phản ứng diesel khẩn cấp.

K-3 là tàu ngầm đầu tiên phá được lớp băng dày 2,5m ở Bắc Cực. (Nguồn: Sputnik)

Sau này, những người từng được lên tàu ngầm K-3 nói rằng, phần bên trong của con tàu giống như một tác phẩm nghệ thuật. Mỗi phòng được sơn một màu khác nhau và sử dụng tông màu sáng để tạo cảm giác dễ chịu cho mắt. Một số vách ngăn của tàu được làm thiết kế giống như một bức tranh, trong khi một số khác lại giống như chiếc gương lớn.

Tất cả đồ trang bị trên tàu đều làm từ các loại gỗ quý và được thiết kế đặc biệt để có thể sử dụng trong tình trạng khẩn cấp chứ không phải chỉ cho mục đích ban đầu của nó. Ví dụ, chiếc bàn lớn ở sảnh cũng có thể dễ dàng chuyển đổi thành một vật dụng nào đó trong trường hợp nhất định.

Tháng 7/1962, tàu ngầm hạt nhân Liên Xô Leninsky Komsomol đã thực hiện chuyến đi thành công tới Bắc Cực, 4 năm sau thành tựu tương tự của người Mỹ trên tàu ngầm Nautilus vào năm 1958.

Tàu ngầm K-3 cũng đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử hải quân Liên Xô, và cả Nga sau này, có chuyến hành trình dài dưới mặt băng ở Bắc Cực và 2 lần đi qua điểm cực bắc của Trái Đất.

(theo Hoàng Phạm/VOV.VN)