TIN LIÊN QUAN | |
Triển lãm ảnh kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước tại Mexico | |
Chiến thắng 30/4/1975 đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới |
Mỗi khi gần đến ngày 30/4, những hồi ức về một thời hào hùng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước lại dồn về. Nhất là với những người lính thế hệ chúng tôi - từng trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một thời hiến dâng tuổi trẻ cho cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc.
Tôi nhớ những ngày trung đoàn xe tăng của chúng tôi đã có mặt tại cảng Cửa Việt từ đầu chiến dịch Mùa Xuân 1975. Chiến sự biến đổi rất nhanh sau khi Mỹ - Ngụy bị thua nặng tại Ban Mê Thuột. Nhận lệnh từ quân đoàn khẩn trương tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh với mật lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; Táo bạo, táo bạo hơn nữa…”. Chúng tôi đưa xe tăng xuống tàu há mồm, vòng đường biển đánh vào Đà Nẵng, rồi lại lên tàu theo đường biển vòng xuống Quy Nhơn, rồi đổ bộ lên quân cảng Nha Trang, đánh dọc theo quốc lộ 21 từ Ninh Hòa cho đến tận Phước Long...
Dọc đường hành quân, vũ khí và quân trang của địch vương vãi khắp nơi. Mỗi xe tăng chúng tôi được trang bị một bao gạo, hai thùng lương khô và đầy đủ cơ số đạn với một bản đồ dã chiến. Chúng tôi vừa hành quân vừa liên lạc bằng bộ đàm với nhau để xuyên qua Bù Đăng, Bù Đốp tiếp cận Tân Uyên, Thủ Dầu Một, phối hợp cũng các mũi tiến công khác vào thẳng Sài Gòn...
Ngày giải phóng miền Nam. (Nguồn: VOV) |
Tôi nhớ như in khi tin tức được truyền đi trong hàng quân như một tiếng reo vui: “11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, thành phố Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng! Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng!”. Niềm vui khôn xiết, chúng tôi ôm lấy nhau mà nước mắt chảy dài. Nhiều đồng đội, đồng chí của chúng tôi đã không kịp đón tin chiến thắng ấy. Họ đã nằm lại bên những cánh rừng già, rừng cao su xa tít...
Cuộc gặp gỡ tình cờ
Mấy hôm trước, chúng tôi có dịp công tác tại Bình Dương dự lễ kỷ niệm 10 năm thành lập một trường học tại thành phố Thủ Dầu Một, nơi hơn 43 năm về trước trung đoàn chúng tôi có nhiệm vụ ngay sau ngày giải phóng, bảo vệ sân bay Biên Hòa và cửa ngõ phía bắc cầu Rạch Chiếc.
Bây giờ, nhiều thứ đã đổi thay, thành phố Thủ Dầu Một đã nhộn nhịp tưng bừng với dòng người và xe tấp nập từ sáng sớm. Những chiếc sà lan hối hả chở đầy hàng rẽ những đám lục bình hướng về phía thượng nguồn từ khi Mặt trời vừa ngủ dậy. Đất nước đã chuyển mình, những vết tích chiến tranh nham nhở xưa kia đã bị thời gian mài mòn và thay bằng những công trình sang trọng và tráng lệ. Chiến tranh đã thực sự lùi vào dĩ vãng!
Thật tình cờ, trong buổi liên hoan chiêu đãi hôm ấy, quanh bàn ăn đều là những người thuộc thế hệ 4X và 5X. Có một vị tự giới thiệu là quê gốc Thủ Dầu Một. Trong những năm chiến tranh, ông ta đã từng là phi công của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Kế bên là mấy khách Việt kiều mới từ Mỹ về chơi. Chúng tôi bắt tay nhau, cùng nâng ly mừng ngôi trường tròn 10 tuổi, nơi gieo mầm ươm những giấc mơ cho tuổi thơ.
Trong khi ăn, người cựu phi công ấy nhìn sang tôi và nói: “Những năm 70 của thế kỷ trước, các anh và chúng tôi là hai bên chiến tuyến, lại ở hai binh chủng kỹ thuật hàng đầu. Ai mà ngờ được rằng hôm nay chúng ta lại cùng ngồi một mâm tiệc mừng cho ngôi trường mới khang trang này”.
Tôi hỏi: “Ông nghĩ gì về giai đoạn lịch sử đó?”.
Ông nhìn tôi và nói: “Khi ấy, chúng tôi không ngờ quân giải phóng các ông lại đánh nhanh đến vậy. Sài Gòn thất thủ rất nhanh vì nhiều người của Việt Nam cộng hòa đã bỏ chạy, di tản, không còn sức chiến đấu. Nhiều người phía chúng tôi lo khi các ông vào, Sài Gòn sẽ tắm trong biển máu, giống như Berlin thất thủ trong thế chiến II hồi 1945 đấy”.
"Nhưng thực tế đâu có vậy! Ông trực tiếp kiểm nghiệm mà", tôi cười nói.
Ông ta nhìn xa xăm, lau chiếc kính trắng và giọng chân thành: “Phía chúng tôi thua các ông giải phóng là đúng mà”. Các ông, chúng tôi đều là người Việt Nam cả. Nay ở tuổi ngoài 60, tôi chỉ là ông già nghỉ dưỡng, còn ông thì vẫn là giảng viên, vẫn tham gia nghiên cứu. Chỉ ví dụ thế đã đủ thấy rõ, vì sao các ông thắng”.
Nhìn sâu vào đôi mắt người cựu phi công ấy, tôi hiểu trong lòng ông ấy vẫn còn mặc cảm của người lính chiến bại. Còn chúng tôi - những người lính giải phóng năm xưa, các anh bộ đội Cụ Hồ là những người làm nên chiến thắng.
PGS. TS. Nguyễn Văn Nhã. (Ảnh: NVCC) |
Tuổi trẻ đang làm nên nhiều điều kỳ diệu
Chiến tranh đã lùi rất xa, đất nước đã có hòa bình gần nửa thế kỷ. Những dấu mốc lịch sử của đất nước được khắc ghi trong tâm trí mỗi người tuy có đậm nhạt khác nhau; mang lại niềm vui, nỗi buồn, nỗi tiếc thương khác nhau, nhưng lịch sử luôn có tính khách quan và khoa học của nó.
Chiến thắng 30/4/1975 là chiến thắng của chính nghĩa, của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Thời điểm xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập đánh dấu sự sụp đổ vĩnh viễn chủ nghĩa đế quốc xâm lược, mở đầu một giai đoạn hòa bình dựng xây đất nước.
Cũng từ ngày 30/4/1975, nước Việt Nam đã có hòa bình, hai miền Nam - Bắc sum họp một nhà. Chặng đường kiến quốc hôm nay cũng không ít gian lao, thế hệ trẻ đang kế tục thế hệ cha anh viết tiếp những trang sử chói lọi, cũng vinh quang không thua kém gì các thế hệ đi trước.
Ai đó hiểu lầm rằng, tuổi trẻ ngày nay mải mê làm kinh tế, quên quá khứ chiến tranh... Không đúng, thời đại Cách mạng 4.0 đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, thông minh và làm chủ công nghệ. Thế hệ trẻ Việt Nam đang dũng cảm khởi nghiệp và thành công trên các lĩnh vực khác nhau.
Mọi thứ đòi hỏi nhanh, quyết liệt và dũng cảm. Thời gian là cơ hội và thách thức. Chúng ta hãy nhìn vào lớp trẻ, để thấy sức mạnh của dân tộc Việt đang chuyển động trong họ như thế nào.
Chúng ta tự hào vì người Việt Nam đã giành được nhiều chiến thắng trên các đấu trường quốc tế, nhiều giải thưởng danh giá của quốc tế, kể cả trong khoa học, văn hóa, nghệ thuật, thể thao… Tiếng nhạc “Tiến quân ca” vang trên các lễ đài thi đấu khắp nhiều châu lục làm mỗi người Việt Nam thật xúc động, bồi hồi.
Thế hệ trẻ Việt Nam rất yêu nước. Họ cũng đang phấn đấu, hy sinh và cống hiến hết mình. Cùng với các thế hệ cha anh, tuổi trẻ Việt Nam hôm nay đang làm nên nhiều điều kỳ diệu. Việt Nam trở thành điểm đến của nhiều bạn bè quốc tế, kể cả đầu tư, kinh doanh hợp tác và du lịch…
Một chiều cuối tuần, tôi theo chân các cháu đến Nghĩa trang thành phố. Những ngôi mộ thẳng hàng, ngay ngắn, nghiêm trang như chuẩn bị vào Lễ duyệt binh. Những cô Thanh niên xung phong năm xưa, nay là các chị tóc đã hoa râm đang chăm sóc và trông nom nghĩa trang lặng lẽ và cần mẫn.
Tôi hỏi một chị đang làm cỏ cho các ngôi mộ liệt sĩ: "Chiến tranh đã qua lâu rồi, sao các chị không trở về quê?".
Chị vẫn vừa mải mê công việc, vừa chia sẻ: “Tuổi trẻ của chúng tôi đã hiến dâng cho đất nước, nay chị em chúng tôi tự nguyện ở lại nơi đây chăm sóc cho các đồng đội của mình”.
Tôi không nói gì nữa, chỉ thầm cảm ơn chị và theo chân các cháu thắp hương cho anh em đồng đội. Giữa nghĩa trang liệt sĩ mênh mông và ngan ngát hương thơm, hàng ngũ những đồng đội của chúng tôi vẫn đang xếp hàng tề chỉnh, sẵn sàng lên đường khi Tổ quốc thân yêu gọi.
Chiến thắng 30/4/1975 là sự kiện có ý nghĩa to lớn với nhân dân Cuba Chiều 29/4, tại TP. Hồ Chí Minh, ông Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương đã tiếp thân ... |
Ký ức về những con đường trong chiến tranh Việt Nam Ngày 27/4, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2015), Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP. ... |
Kỷ niệm ngày thống nhất đất nước tại Argentina Nhân kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-2013) và tiến tới kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại ... |