An toàn trên môi trường mạng
Mới đây, Plan International Việt Nam đã khởi động dự án “Bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên an toàn trên môi trường mạng” do văn phòng Plan International Đức tài trợ tại hai tỉnh Kon Tum và Quảng Bình.
Trẻ em tham gia vào dự án Bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên an toàn trên môi trường mạng”. (Nguồn: BTC) |
Khảo sát do tổ chức này thực hiện tại Việt Nam cho thấy chỉ có 10% trẻ em có kiến thức và kỹ năng an toàn khi sử dụng Internet.
Nhằm đồng hành với Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025” đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ký phê duyệt, Plan International Việt Nam đã làm việc cùng văn phòng Plan International tại Đức huy động ngân sách cho dự án “Bảo vệ Trẻ em và thanh thiếu niên An toàn trên môi trường mạng”.
Mục tiêu của dự án là thanh thiếu niên độ tuổi từ 10-18 tuổi, đặc biệt là trẻ em gái và các nhóm dễ bị tổn thương và ở vùng dân tộc thiểu số, được hỗ trợ để sử dụng Internet và mạng xã hội một cách an toàn và được bảo vệ khỏi các hình thức xâm hại trên môi trường mạng.
Dự án cũng hướng tới hỗ trợ gia đình, trường học và cộng đồng thiết lập các cơ chế để bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên, đặc biệt là trẻ em gái và các nhóm dễ bị tổn thương, khỏi các hình thức bắt nạt và bạo lực giới trên môi trường mạng và các cơ quan chính phủ, cơ quan truyền thông và các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông có các biện pháp nhằm ngăn ngừa và ứng phó hiệu quả để đảm bảo an toàn cho trẻ em và thanh thiếu niên trên môi trường mạng.
Em Y Ngang – một học sinh THCS tại huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum, cho biết: “Em thường xuyên sử dụng mạng Internet để học trực tuyến và liên lạc với bạn bè, thầy cô, do đó em mong muốn dự án có thể giúp trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết cho chúng em để chúng em có thể yên tâm sử dụng mạng một cách an toàn”.
Dự kiến sau ba năm triển khai, dự án sẽ hỗ trợ tăng cường kiến thức và kỹ năng bảo vệ bản thân và những người khác khỏi các hình thức bắt nạt và bạo lực giới trên môi trường mạng cho hơn 9.000 trẻ em, thanh thiếu niên độ tuổi từ 10-18 tuổi.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh Xã hội chia sẻ: “Tôi đánh giá cao tổ chức Plan International đã vận động nguồn lực và hỗ trợ địa phương triển khai dự án này.
Bảo vệ trẻ em nói chung, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nói riêng rất cần công tác phối hợp liên ngành thực chất, hiệu quả từ khâu phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp, quan trọng nhất là phòng ngừa để các em có được kiến thức, kỹ năng tham gia môi trường mạng được an toàn, lành mạnh”.
Nền tảng trực tuyến Em Vui
Được triển khai từ tháng 7/2020 đến hết tháng 6/2023, dự án “Tăng cường nhận thức của trẻ em, thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số” (EMPoWR) cũng đang được tại 4 tỉnh 11 huyện 52 xã của Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị.
Dự án do Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội và tổ chức Plan International Việt Nam cùng thực hiện,với sự đồng tài trợ của Liên minh châu Âu và Plan International Bỉ, nhằm hỗ trợ các trẻ em, thanh thiếu niên các dân tộc thiểu số (từ 10 đến 24 tuổi) tìm hiểu và tiếp cận quyền lợi của họ, các dịch vụ hỗ trợ và đóng góp ý kiến của mình cho các nhà hoạch định chính sách.
TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, chia sẻ: “Dự án mong muốn được chung tay lan tỏa những thông điệp mạnh mẽ đóng góp vào nỗ lực chung của Chính phủ và toàn xã hội đẩy lùi nạn tảo hôn và phòng chống mua bán người”.
Đặc biệt, đi cùng với dự án chính là nền tảng trực tuyến Em Vui – một không gian kỹ thuật số nhằm trang bị cho thanh thiếu niên nam nữ dân tộc thiểu số kiến thức và kỹ năng để các em có thể chủ động và tự tin phòng tránh tảo hôn và nạn mua bán người.
Nền tảng Em Vui được xây dựng như một diễn đàn thân thiện và tin cậy với nhiều thông tin bổ ích và lý thú để các bạn thanh thiếu niên tham gia học tập, giao lưu và chia sẻ kiến thức.
Đây còn là một không gian mở hướng đến sự kết nối và thu hút sự tham gia của các cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan cùng sử dụng và lan tỏa các thông điệp, kiến thức hữu ích cho các bạn thanh thiếu niên ở khắp mọi miền đất nước.
Ngoài ra, các em cũng được tham gia vào một diễn đàn đối thoại giữa các em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số với các nhà hoạch định và quản lý thực hiện chính sách từ các cơ quan của Chính phủ.
Ông Nguyễn Huy Hoàng - Quản lý Thực hiện chương trình và đối tác Plan International Việt Nam tại tỉnh Lai Châu, rất kỳ vọng tạo ra sự huy động xã hội xung quanh nền tảng trực tuyến Em Vui, thông qua sự tiếp nhận cao của trẻ em, người dân và sự tham gia hành động các cơ quan truyền thông đại chúng.
Được biết, nền tảng Em vui bao gồm website (https://emvui.vn), ứng dụng điện thoại có thể tải về từ kho ứng dụng CH Play và App Store và 6 kênh mạng xã hội: Facebook, Tiktok, Zalo, YouTube, Instagram và Twitter.
Những dự án gieo niềm vui cho trẻ em vùng cao. (Nguồn: Plan International Việt Nam) |
Tính tới tháng 3/2022, dự án Em vui đã hoàn thành báo cáo khảo sát đầu kỳ và sổ tay an toàn mạng cùng 3 video hướng dẫn chi tiết; 4 tập phim trong chuỗi 12 phim truyện tranh Hành trình của Mỉ với nội dung nhằm giáo dục, truyền thông về phòng tránh tảo hôn, phòng chống mua bán người; tờ rơi giới thiệu dự án; hơn 30 tài liệu về các chủ đề kiến thức pháp luật, kỹ năng phòng chống tảo hôn, kỹ năng phòng chống mua bán người, sức khỏe sinh sản…
Các sản phẩm này đều đã được dự án đăng tải trên nền tảng Em vui và ghi nhận hàng nghìn lượt xem, đọc và tải về. Bên cạnh đó, hiện nay dự án đang tổ chức cuộc thi viết kịch bản và đóng tiểu phẩm (sân khâu hóa) với chủ đề phòng chống mua bán người cho 52 xã thuộc địa bàn dự án.
Plan International là tổ chức nhân đạo phát triển tập trung vào trẻ em, đặc biệt là quyền bình đẳng cho trẻ em gái. Plan International đã có hơn 80 năm kinh nghiệm và hiện đang hoạt động tại hơn 75 quốc gia trên toàn thế giới. Bắt đầu làm việc tại Việt Nam từ năm 1993, sứ mệnh của Plan International là hỗ trợ trẻ em, thanh niên và đặc biệt là trẻ em gái vị thành niên được sinh ra, lớn lên khỏe mạnh và cả thể chất lẫn tinh thần, giúp các em có thể chủ động quyết định tương lai của chính bản thân. |
| YouTuber trẻ vùng cao - Những sứ giả kết nối Không sở hữu những clip gây sốc với triệu view, chưa có tới hàng triệu người đăng ký, nhưng việc làm ý nghĩa cho quê ... |
| Nắng ấm vùng biên cương 1.000 đôi ủng đến trường là quà tặng mà các tình nguyện viên Tổ chức Tình nguyện vì Giáo dục (V.E.O) quyết tâm thực hiện ... |