Lê Thế Hải với nỗ lực cứu vãn bức "Thiếu nữ" |
"Đàn bà" cũng bị mốc
Nằm ngay sau khu đô thị mới Linh Đàm (Hà Nội) nhưng Làng Tó có một vẻ đẹp nên thơ của một làng quê Bắc bộ xưa nên có nhiều nghệ sỹ tìm đến ở, làm xưởng vẽ tranh và cất giữ tác phẩm của mình.
Nhà Lê Thế Hải từ sân đến hiên và toàn bộ 4 tầng được phủ kín tranh, nhiều nhất là tranh sơn dầu, sơn mài. Mấy hôm mưa, ở đây ngập, nước tràn cả vào nhà dù bậc tam cấp rất cao. Anh Hải đã cố “chạy”, nhưng cũng không tránh khỏi nhiều “đứa con tinh thần” bị hư hỏng nặng. Số tranh và tượng ngoài sân coi như bỏ, vì sau khi nước rút thì đã bị loang lổ màu sắc và ngấm nước ùng ũng. Các bức tranh dưới tầng một, trong phòng khách, vốn dĩ rất được yêu thích, nhưng cũng ko tránh khỏi bị ảnh hưởng nặng nề
Anh đứng ngồi không yên bởi mấy cái tượng gỗ đang lên mốc và đống tranh bị ẩm vì mưa. Anh Hải xót xa kể: “Có phải chỉ mỗi tranh của mình đâu, còn bao nhiêu tranh của bạn bè treo ở đây làm kỷ niệm mà cũng không cứu được”.
Tất cả các biện pháp chống ẩm mốc đều được áp dụng, nào gói giấy báo, trùm nilon... Lúc chúng tôi đến chơi, anh Hải vẫn đang lúi cúi sấy bức “Đàn bà” của mình bằng máy sấy tóc và thấm bằng giấy ăn. “Đàn bà đẹp thế mà bị mốc hết từ cánh tay đến bờ vai, giờ tôi đang cố gắng sấy và gột bớt phần mốc đi, hy vọng còn giữ lại được”.
Ngậm ngùi thương cho tác phẩm đầu tay đã bị lên rêu mốc |
Anh tần ngần: "Nhớ nhung lắm, ngày nào cũng ra ngắm vào nhìn, tự dưng lại phải úp mặt hết vào xó bếp. Bỏ thì thương mà vương thì tội, tranh đã mốc có làm lại cũng không ưng ý mình như trước được, giống như viên ngọc đã có vết xước vậy".
Vừa rồi có người trả bức sơn dầu "Sen trắng" cỡ lớn của anh 10 triệu đồng nhưng anh còn tiếc chưa bán, giờ đã bị mốc ở viền. Cùng chung số phận với "Sen trắng", hàng chục bức tranh cỡ lớn khác phải trở thành “tàn phế” sau khi nấm mốc làm chúng biến sắc. "Đã vậy rồi, giờ chỉ treo ngoài vườn cho xôm tụ thôi, chứ không bán hay tặng ai được nữa" - tác giả tiếc nuối.
Lê Thế Hải cho biết thêm: “Không hiểu anh bạn của tôi ở xóm dưới còn buồn tới đâu. Sắp tới có triển lãm của anh ấy. Một số tranh gửi ở nơi khác rồi thì không sao, số còn lại để ở nhà, giờ cũng đang phải cố gắng cứu vãn sao cho kịp tháng sau trưng bày”.
Nhường giường cho... tranh
Tranh tham dự triển lãm Phụ nữ 2008 của Hồng Vân phải mang ra hong nắng |
Cùng chung nỗi lo lắng với Lê Thế Hải, họa sĩ Đặng Hồng Vân, giảng viên trường ĐH Mở Hà Nội, cũng "đứt từng khúc ruột" trong những ngày Hà Nội "đại hồng thủy". Căn gác xép nhỏ của ngôi nhà cấp 4 gần bến xe Giáp Bát là nơi che chở cuối cùng cho các tác phẩm được chị nâng niu. Gác xép không chứa hết được thì đành để vài bức dưới nhà. Chị phải nhường giường cho những "đứa con tinh thần" còn bản thân thì nằm ở ghế băng chập chờn thức ngủ.
“Bức "Đám cưới" đã dự triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2000. Tám năm nay tôi vẫn giữ nó rất cẩn thận nhưng sau mấy ngày mưa vừa rồi thì thấy có dấu hiệu mốc lem rồi” - chị buồn bã thở dài. Ngay cả bức mới đây tham gia triển lãm Phụ nữ 2008 cũng không chống chọi nổi với ẩm mốc. Họa sĩ phân bua: “Mà có phải tôi tiếc của dùng toan xấu, sơn dầu rẻ đâu cơ chứ. Đầu tư đồ tốt rồi nhưng cũng chẳng lại với mưa ngập”.
Gia tài của chị là những bức tranh chứ không phải là những vật dụng giản dị trong nhà. Chị sống một mình, chỉ quý tranh nên cũng không chú ý nhiều đến tiện nghi. Giờ chị quyết định: “Sau đợt này tôi sẽ phải đầu tư nhà cửa thôi. Ít nhất là làm một gian có khung nhôm kính để bảo quản tranh của mình trong những ngày ẩm ướt và ngập nước”.
Họa sĩ Đào Anh Khánh: Mất 4 bức tranh do mưa lụt Mưa lớn và trận lụt bất ngờ vừa qua khiến họa sĩ Đào Anh Khánh không kịp trở tay và bốn bức tranh sơn dầu của anh đã “đi tong”. Đây là bốn tác phẩm mới nhất bao gốm hai bức lớn và hai bức vừa. Khu nhà sàn của anh “đóng” tại Gia Lâm vừa là một địa chỉ văn hóa của rất nhiều bạn bè nghệ sĩ trong nước và quốc tế, đồng thời cũng là xưởng vẽ và nơi trưng bày tranh. Tầng trệt phía dước sàn nhà là khu sáng tác, phòng tranh - nơi anh thường biểu diễn các chương trình nghệ thuật khuôn khổ nhỏ. Không may trong đợt mưa lớn vừa qua đã bị ngập 15 phân nước. Vốn dễ bị ẩm mốc và không thể xử lý kịp nên các bức tranh này đã ngấm nước và mốc xanh lên. Anh Khánh bày tỏ: “Rất tiếc, nhưng tôi không thể “cứu vãn” nổi, mà bây giờ vẽ lại thì càng ngán ngẩm hơn. Nhà một số bạn bè họa sĩ trong giới của tôi gần đây cũng bị ngập trong nước, có nhà ngập tới 40 phân. Tệ thật!”. Thục Nhi |
Theo VTC News