Hàng ngàn thiếu niên Tây Phi bị gia đình bán cho kẻ buôn người bởi những lời hứa hẹn về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng trên thực tế, hầu hết các em đã trở thành nô lệ, bị bóc lột sức lao động và lạm dụng.
Tại Togo và Benin, 2 quốc gia láng giềng ở Tây Phi, một số em đã được giải cứu khỏi cuộc sống nô lệ và đang được giúp đỡ để trở về với gia đình, được đến trường như bao đứa trẻ khác. Hình ảnh về những trẻ em này được The Guardian (Anh) phản ánh trong một tin ảnh ngày 12/4, xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Hiện nay, trên toàn thế giới có 5,5 triệu trẻ em đang sống cuộc sống nô lệ. Trong ảnh là cô bé Cristelle, 10 tuổi, đang làm việc trong một cửa hàng bán sắn ở Lomé, thủ đô của Togo. Chủ nhân của Cristelle, bà Ganiatou, đang bị ốm và không đến cửa hàng. Hàng ngày, Cristelle một mình đứng bán hàng, trả tiền cho nhà cung cấp, mở và đóng cửa. Trước khi bán con, bố mẹ của Cristelle đã thỏa thuận với người mua em về những công việc này.
Cristelle chỉ là một trong hàng ngàn trẻ em bị gia đình bán ở Togo và Benin. Trên khắp Tây Phi, phần lớn nạn nhân của những kẻ buôn người là trẻ em.
Tại Togo, một trung tâm miễn phí được Chính phủ thiết lập với đường dây nóng để tiếp nhận thông tin các cuộc gọi liên quan đến lạm dụng trẻ em, bỏ rơi trẻ em và cưỡng bức hôn nhân. Năm 2016, trung tâm này đã nhận được hơn 40.000 cuộc gọi.
Để dễ nói chuyện với các em, nhân viên của các tổ chức phi chính phủ (NGO) thường ra đường vào ban đêm, thời điểm mà những đứa trẻ lang thang đi tìm chỗ ngủ. Họ làm công tác tiếp cận này mỗi tuần. Phải mất khá nhiều thời gian để các em tin tưởng họ. Rất nhiều em đã chạy trốn khỏi những tình cảnh khủng khiếp như bạo lực gia đình và bóc lột sức lao động để trở thành những em bé lang thang trên đường phố. Các em trở nên sợ hãi mọi thứ và khá cảnh giác.
Khi tìm thấy các em, các NGO sẽ đưa các em tới những nơi trú ẩn an toàn do NGO điều hành, chẳng hạn như như ở Kara, Togo, nơi dành cho những em bé gái bị cưỡng hôn.
L'Amour và Pagna, hai bé gái đang sống tại một trung tâm được điều hành bởi tổ chức Misiones Salesianas, ở Togo. Trên giấy tờ tùy thân, các em được đăng ký 13 tuổi để đủ tuổi vào học tiểu học. L'Amour đã bị bố mẹ bỏ rơi còn Pagna bị coi là phù thủy (witchcraft) và bị trục xuất khỏi ngôi làng quê hương. Pagna chưa bao giờ đến trường cho đến khi em được đưa vào đây.
Các NGO cũng đã cố gắng tìm kiếm lại gia đình cho các em. Bé Kaki đã được cảnh sát phát hiện sau khi thoát khỏi "chủ nhân" của mình và được đưa đến trung tâm lưu trú Infantil ở Centro, de la Alegría Cotonu, Benin. Các nhân viên NGO đã cố gắng hết sức để tìm lại gia đình cho em nhưng Kaki thậm chí còn không biết tên mẹ mình hoặc bất cứ người thân nào.
Theo thống kê của Bộ Tư pháp Togo, năm ngoái, tòa án ở Lomé đã khởi tố 101 kẻ buôn người và 60 trong số đó đã bị tuyên có tội. Chính phủ Togo thừa nhận nạn buôn người là một vấn đề nghiêm trọng. Năm 2007, Togo đã ban hành một kế hoạch hành động quốc gia, trong đó tập trung vào việc ngăn chặn nạn buôn người, đưa những tên tội phạm ra xét xử và giúp đỡ các nạn nhân trở về cuộc sống bình thường.
Sau nhiều năm bị bán làm nô lệ ở Nigeria, Lavande và Marron được đưa trở về quê hương, Sedje Denou ở Benin. Ở Nigeria, Lavande phải làm giúp việc gia đình và Marron làm việc trong một cửa hàng. Cả hai đều bị bóc lột sức lao động và lạm dụng. Marron bị đánh và bị thương rất nặng, cậu bé buộc phải chạy trốn. Sau vài tháng được chăm sóc cả về thể chất và tâm lý ở trung tâm Centro de la Alegría Infantil tại Cotonú, các em đã sẵn sàng trở về với gia đình.
Lavande, Marron và Creme ở trung tâm Sedje Denou đang đợi để hoàn tất các thủ tục đoàn tụ với gia đình. Cả ba đều bị bán sang Nigeria và bị bóc lột sức lao động. Gia đình các em đã đồng ý nhận chăm sóc các em và ký vào văn bản cam kết không tiếp tục bán con mình.
Carmen Azainon, một nhân viên công tác xã hội tại Zogbodomey, Benin, nói chuyện với người dân về hậu quả của việc thiếu trách nhiệm đối với trẻ em.
Các nhà chức trách đưa bé Indigo trở về với gia đình mình trước sự chứng kiến của người dân làng Avavi, Benin. Chính quyền đã tổ chức sự kiện này một cách công khai nhằm tuyên truyền tới người dân về việc trách nhiệm hơn nữa với con mình, không để chúng là nạn nhân của nạn buôn người.
Cậu bé Marron được trở lại với bố. Năm 8 tuổi, Marron đã bị một người hàng xóm đưa đến Nigeria. Người này hứa mang đến cho Marron một cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng anh ta đã bán bé cho một người bán hàng.
Dulce ở Ghana đã bị bố bán cho một gia đình người Togo từ khi mới 7 tuổi để làm giúp việc. Cô đã được giải cứu và đưa đến trung tâm dành cho những nạn nhân của nạn buôn người ở thị trấn Kara. Năm nay 20 tuổi, Dulce đang theo học trung học với mục đích vào đại học. Dulce cũng đang tích cực tìm kiếm mẹ của mình, người mà cô chưa bao giờ biết mặt.
Trở lại Nhà Trắng một cách mạnh mẽ, áp đảo, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ 'đối đãi' với thế giới như thế nào trong nhiệm kỳ 2.0 vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Chuyên gia Trung Quốc: Bài viết 'Chống lãng phí' của Tổng Bí thư Tô Lâm nêu bật nhiệm vụ quan trọng của Việt Nam trước cơ hội lịch sử của “kỷ nguyên vươn mình".