Đúng 21h48 ngày 24/8, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã đến sân bay Nội Bài, bắt đầu chuyến thăm Việt Nam trong ba ngày. Được biết đến là người luôn nỗ lực để phá vỡ những rào cản và xây dựng những dấu mốc "đầu tiên", bà Kamala Harris đã trở thành Phó Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam.
Chuyến thăm Việt Nam nằm trong chuyến công du Đông Nam Á của vị quan chức cấp cao nhất trong chính quyền Tổng thống Biden thăm khu vực này tính đến nay. Bà Kamala đến Việt Nam ngay sau khi kết thúc chuyến thăm Singapore (22-24/8).
Trong chuyến thăm kéo dài 3 ngày, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã có các cuộc gặp với một số lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam và tham gia nhiều hoạt động khác. Ngay trong sáng ngày 25/8, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã đón và tiếp vị khách đến từ nước Mỹ.
Tại cuộc tiếp, hai bên trao đổi về các vấn đề song phương. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cảm ơn Chính phủ Mỹ đã tài trợ cho các dự án tăng cường cơ hội tham gia của phụ nữ cũng như các chương trình hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương. Phó Tổng thống Kamala Harris chia sẻ quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đã trải qua một quá trình dài để đạt được thành quả như ngày hôm nay và khẳng định, Mỹ coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam.
Đăng tải video cuộc gặp với Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trên Twitter, bà Kamala Harris viết: "Tôi rất vinh dự khi có mặt tại Việt Nam. Việt Nam và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có ý nghĩa quan trọng đối với người dân, an ninh và sự thịnh vượng của nước Mỹ".
Tại buổi tiếp Phó Tổng thống Kamala Harris cũng trong sáng 25/8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Mỹ được hai bên nỗ lực vun đắp thực chất, hiệu quả, phù hợp với tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh như trong thư gửi Tổng thống Truman cách đây 75 năm.
Chủ tịch nước khẳng định trên cơ sở chính sách đối ngoại độc lập và tự chủ, Việt Nam luôn coi Mỹ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu và mong muốn cùng tiếp tục thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ phát triển thực chất, hiệu quả. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc hai bên chính thức ký hợp đồng thuê đất để xây dựng trụ sở mới của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội.
Trong cuộc gặp mặt sáng 25/8 với Thủ tướng Phạm Minh Chính, hai bên đã đề cập vấn đề thời sự nhất hiện nay là hợp tác trong ứng phó với đại dịch Covid-19 và dành cho nhau lời cảm ơn vì những hỗ trợ quý báu trong thời gian qua. Bà Kamala Harris thông báo sẽ tặng thêm 1 triệu liều vaccine Pfizer cho Việt Nam và số hàng này sẽ đến Việt Nam sau 24 giờ nữa. Thủ tướng đề nghị Mỹ hỗ trợ, thúc đẩy nhanh việc bàn giao 50 triệu liều Pfizer Việt Nam đã đặt mua, nhất là vaccine cho trẻ em.
Phó Tổng thống Kamala Harris đánh giá cao các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong kiểm soát và ứng phó với đại dịch Covid-19, khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ thực chất để Việt Nam ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19 và các nguy cơ dịch bệnh trong tương lai, duy trì không để đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chiều 25/8, cùng với Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Phó Tổng thống Kamala Harris dự lễ khai trương Văn phòng Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ tại Hà Nội. Bà Kamala Harris nhấn mạnh đây là 1 trong 4 văn phòng khu vực của CDC đang hoạt động trên thế giới. Việc thành lập Văn phòng khu vực mới của CDC Mỹ là minh chứng cho cam kết hợp tác lâu dài của Mỹ với khu vực.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định việc khai trương Văn phòng CDC Mỹ tại Hà Nội rất có ý nghĩa, cho thấy ưu tiên cao của Chính phủ Mỹ trong hợp tác với khu vực về y tế nói chung và kiểm soát dịch bệnh nói riêng. Đến nay, Mỹ đã viện trợ gần 24 triệu liều vaccine cho khu vực Đông Nam Á. Phó Thủ tướng đề nghị Mỹ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ để các đối tác Mỹ cung cấp kịp thời vaccine, thuốc điều trị và trang thiết bị y tế cho khu vực và Việt Nam để sớm vượt qua đại dịch Covid-19, phục hồi sản xuất kinh doanh, tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Ngay sau đó, Phó Tổng thống Kamala Harris và Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, lãnh đạo Bộ Ngoại giao chứng kiến lễ ký hợp đồng thuê đất xây dựng trụ sở mới của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội. (Ảnh: Minh Quân)
Cũng trong chiều 25/8, bà Kamala Harris đến khu vực tấm phù điêu bên hồ Trúc Bạch đặt hoa tưởng niệm Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain (1936-2018). Hơn nửa thế kỷ trước, ông Jonh McCain là phi công Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam, bị quân dân Hà Nội bắn rơi máy bay ngay tại hồ Trúc Bạch và nhiều năm sau đó trở thành người có nhiều nỗ lực đóng góp lớn cho quá trình bình thường hoá quan hệ Việt-Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Trong ngày cuối cùng tại Việt Nam, Phó Tổng thống Kamala Harris đã có chuyến thăm không báo trước tới Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Bà bày tỏ cảm kích vì sự hỗ trợ Việt Nam dành cho Mỹ trong đợt bùng dịch Covid-19 hồi tháng 4 năm ngoái. Mỹ đã gửi tặng Việt Nam 5 triệu liều vaccine và thêm 1 triệu liều nữa trong đợt viện trợ lần này. Như vậy, Mỹ đã quyên tặng cho Việt Nam tổng cộng 6 triệu liều vaccine. (Nguồn: Twitter/@jendeben)
Trước khi rời Việt Nam, Phó Tổng thống Kamala Harris đã có cuộc họp báo với giới báo chí Việt Nam và quốc tế. Cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của Việt Nam, nhà lãnh đạo Mỹ cam kết sẽ sát cánh cùng Việt Nam trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19. Là Phó Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hoá quan hệ, bà Kamala Harris kỳ vọng đây sẽ là khởi đầu cho một chương tiếp theo trong quan hệ Việt-Mỹ. (Nguồn: Reuters)
Ngay sau đó, Phó Tổng thống Kamala Harris đã tới sân bay Nội Bài, kết thúc chuyến thăm Việt Nam. Sau chuyến thăm Việt Nam, bà Harris sẽ tới thành phố Honolulu, bang Hawaii (Mỹ), gặp gỡ binh sĩ thuộc căn cứ quân đội chung Pearl Harbor - Hickam. (Nguồn: Reuters)
Bà Kamala Harris sinh ngày 20/10/1964, tại California, có cha (Donald Harris) là một nhà kinh tế học gốc Jamaica và mẹ (Shyamala Gopalan) là một nhà nghiên cứu về ung thư gốc Ấn Độ. Cả hai đều là người nhập cư. Cha mẹ bà gặp nhau khi tham gia các cuộc biểu tình đòi quyền bầu cử cho người da màu.
Bà Harris còn là người Mỹ gốc Á đầu tiên, người Mỹ gốc Phi đầu tiên, và người Mỹ gốc Ấn đầu tiên làm Phó Tổng thống. Ngày 21/1/2021, bà Kamala Harris tuyên thệ nhậm chức Phó Tổng thống, đánh dấu một dấu mốc mới trong lịch sử của nền kinh tế số một thế giới có một nữ Phó Tổng thống và là người da màu.