Back to E-magazine
e magazine
15:52 | 18/10/2022
Những kỷ niệm với cha tôi – cố Bộ trưởng Xuân Thủy

15:52 | 18/10/2022

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của cha tôi – cố Bộ trưởng Xuân Thuỷ, rất gần với kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam. Tôi xin kể những kỷ niệm với cha tôi trong thời gian ông tham gia hội nghị này

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của cha tôi – cố Bộ trưởng Xuân Thuỷ, rất gần với kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam. Tôi xin kể những kỷ niệm với cha tôi trong thời gian ông tham gia hội nghị này…

Những kỷ niệm với cha tôi – cố Bộ trưởng Xuân Thủy

Những kỷ niệm với cha tôi – cố Bộ trưởng Xuân Thủy
Ông Xuân Thủy trước các nhà báo tại Paris, năm 1968.

Trên đường đi Paris với tư cách là Bộ trưởng, Đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) đàm phán với Đại diện Chính phủ Mỹ về việc Mỹ phải ngừng vô điều kiện việc ném bom, bắn phá và mọi hành động chiến tranh khác chống nước VNDCCH, ngày 8/5/1968 cha tôi dừng chân, nghỉ lại một đêm ở Moscow.

Thời gian này tôi đang là nghiên cứu sinh của trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow. Đêm đó, hai cha con tôi rì rầm nói chuyện đến tận quá khuya. Vừa chợp mắt được một lát thì trời đã sáng.

Sau khi làm vệ sinh buổi sáng, cha tôi ngồi ngay vào bàn làm việc. Độ gần 10 phút sau, ông bảo tôi mang tờ giấy ông vừa viết xong đưa cho đồng chí thư kí riêng của ông để dịch ra hai bản tiếng Anh và tiếng Pháp, rồi cho in thành nhiều bản.

Đó là bản Tuyên bố cha tôi sẽ đọc khi đến sân bay Bourget, Paris. Tôi biết, cha tôi là một nhà báo lâu năm, ông viết bài rất nhanh, nhưng tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên về thời gian ông viết bản Tuyên bố rất quan trọng, có tầm quốc tế này. Tôi càng ngạc nhiên hơn, khi trên văn bản viết tay ấy không có một chữ, một từ nào bị gạch xóa.

Độ hai tuần lễ sau, tôi nhận được thư của cha tôi gửi từ Paris, qua đường sứ quán. Ông lấy tên là Trường Xuân. (Tên này được ông giữ mãi trên tất cả các thư gửi cho người thân, trong suốt thời gian ông ở Paris).

Sau này, tôi mới biết vì sao ông lấy tên này. Trường Xuân chính là tên một loại cây leo, quanh năm tươi tốt, mọc dầy dọc bờ sông Seine, chảy qua Paris, làm cho 2 bờ sông Seine lúc nào cũng tươi đẹp. Cha tôi rất thích loại cây này và ông đã có thơ:

Dây Trường Xuân bốn mùa xanh ngắt

Yêu sông Seine quấn quít đôi bờ

Bên sông ai đó đợi chờ

Thu nay đã tới, còn ngờ xuân sang

Những kỷ niệm với cha tôi – cố Bộ trưởng Xuân Thủy

Trong thư, cha tôi bảo tôi mua cho ông một đôi kính trắng Liên Xô. Ông vẽ kiểu kính, chỉ rõ mầu gọng và đầy đủ các thông số của một đôi kính phù hợp với ông.

Một số bạn tôi biết chuyện này, họ ngạc nhiên lắm. Họ biết, kính Pháp rất đắt, nhưng họ bảo: “Với cương vị của cụ - cha tôi - hiện nay, chẳng lẽ nhà nước ta không thể mua cho cụ một đôi kính đẹp, thậm chí rất đẹp sao!? Có thể vì lí do gì đó chăng?"

Còn tôi, tôi hiểu rất rõ lí do. Tôi hiểu cha tôi, ông không bao giờ dùng một thứ gì “ngoài tiêu chuẩn”. Ông thường nói với chúng tôi, trong cách ăn mặc, đặc biệt khi làm công tác ngoại giao, lúc nào cũng phải lịch sự, có thể làm đẹp, hơn thế, rất đẹp, nhưng luôn luôn nhớ, phải giản dị và có “chừng mực”. Chúng tôi hiểu "chừng mực” với tất cả nội hàm của từ này.

Thấm thoát đã hơn một năm. Sau khi tham gia giải quyết xong hai việc cực kì lớn, theo tôi: Buộc Mỹ phải ngừng vô điều kiện việc ném bom, bắn phá và mọi hành động chiến tranh khác chống nước VNDCCH và buộc Mỹ phải ngồi vào họp Hội nghị 4 bên (VNDCCH, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam - sau này là Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa) giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam, cha tôi về nước báo cáo và giải quyết một số công viêc khác.

Tôi lại được đón cha tôi ở Moscow. Tôi cưới vợ được vài tháng thì được gọi đi nghiên cứu sinh và cũng đã xa nhà hơn hai năm rồi. Công việc của tôi tiến triển tốt. Tôi thầm ước ao, nếu được theo cha tôi đi chuyên cơ (máy bay dành riêng chở cha tôi và một số người được phép đi cùng) về thăm vợ, thăm nhà thì thích biết bao! Tôi biết, chắc chắn cha tôi sẽ không đồng ý, nên không thổ lộ và cũng không dám thổ lộ với cha tôi.

Trong câu chuyện với một số cán bộ trong đoàn đi cùng cha tôi, biết tình hình của tôi, chú Thái (chú Trịnh Ngọc Thái, tôi vẫn gọi những đồng chí làm việc cùng bố tôi, hơn tôi nhiều tuổi là chú) thư kí riêng của cha tôi, hồ hởi hỏi: “Có muốn về thăm vợ không? Tớ nói với ông cụ - cha tôi- cho nhé!? Tôi cười, chưa kịp trả lời, ngăn chú đừng nói với cha tôi thì chú đã có việc phải đi ngay.

Hôm sau, gặp tôi, trước mọi người, chú Thái nhìn tôi, cười to: “Không được rồi!”. Tất cả chúng tôi đều hiểu, cười vui vẻ. Tôi nghĩ, chú Thái chắc cũng rất hiểu cha tôi. Nhưng, có lẽ, chú nghĩ rằng cha tôi luôn “rộng rãi” với mọi người, lại đang vui, nên sẽ “rộng rãi” cả với tôi chăng?

Trước khi lên ô tô ra sân bay, cha tôi quay lại, đến gần tôi nói nhỏ: “Chúng ta cần gương mẫu”. Thế rồi, ông ôm chầm lấy tôi, hôn. Rời xa tôi vài bước, ông lại quay lại, cười, vẫy tôi: “Cố gắng nhé!"

Những kỷ niệm với cha tôi – cố Bộ trưởng Xuân Thủy

Những kỷ niệm với cha tôi – cố Bộ trưởng Xuân Thủy

Năm 1970, cha tôi lại từ Paris về nước. Sau khi làm việc với các cơ quan ở Hà Nội, cha tôi quyết định "đi thực tế" các tỉnh khu IV (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình) và đặc khu Vĩnh Linh, những nơi đã bị Mỹ ném bom bắn phá ác liệt nhất trên miền Bắc nước ta.

Trước khi đoàn lên đường, trước mọi người, cha tôi giới thiệu: “Đây là con trai tôi, chắc nhiều đồng chí đã biết, nhưng trong chuyến đi này, không ai được giới thiệu cậu ấy là con trai tôi, Bộ trưởng Xuân Thủy đâu nhé!" Mọi người cười ồ. "Cậu ấy sẽ đóng vai một cán bộ trong đoàn, một phóng viên tập sự.” Quay lại phía tôi, ông dặn: “Nhớ đóng tròn vai nhé!".

Những kỷ niệm với cha tôi – cố Bộ trưởng Xuân Thủy
Bí thư TW Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ trưởng, Trưởng Phái đoàn VNDCCH tại Hội nghị Paris về Việt Nam Xuân Thuỷ đi khảo sát các tỉnh khu IV và đặc khu Vĩnh Linh năm 1970 (từ trái qua phải: người thứ 1 – Bộ trưởng Xuân Thuỷ; người thứ 3 - TS. Nguyễn Trọng Yêm, con trai Bộ trưởng Xuân Thuỷ). (Ảnh: NVCC)

Thế là, suốt chặng đường, tôi cùng ngồi xe, cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm việc vui vẻ với các cán bộ trong đoàn. Đóng vai một "phóng viên", tôi chạy đi, chạy lại, quan sát, ghi chép, chụp ảnh, thỉnh thoảng cũng phỏng vấn… Tối về, tôi phải sửa chữa bản ghi chép rồi "nộp" cho cha tôi. Mặc dầu bận, ông vẫn dành thời gian xem, góp ý với tôi. Là một nhà báo lâu năm, ông nêu nhiều ý kiến sâu sắc lắm! Ông nhận xét: “Là một nhà khoa học tự nhiên, cậu quan sát, mô tả thiên nhiên khá tốt. Nhưng, nhận xét, mô tả về xã hội, về con người còn phải học hỏi nhiều!"

Ở mỗi địa phương, cha tôi đều làm việc với lãnh đạo tỉnh, rồi đi thăm một số cơ sở chiến đấu, sản xuất và cuối cùng, là gặp gỡ, nói chuyện với đông đảo cán bộ, nhân dân trong tỉnh.

Trên đường đi, đã qua hơn một năm địch ngừng ném bom bắn phá mà khắp nơi vẫn ngổn ngang cây cối, nhà cửa bị tàn phá, đổ nát. Khắp nơi vẫn đầy rẫy hố bom với nhiều biển cấm: “Cảnh giác! Hãy còn bom địch có thể nổ!"… Tuy nhiên, trên các cánh đồng đã vang vang tiếng hát, tiếng hò. Trên đường làng, các em nhỏ ríu rít đến trường…

Những kỷ niệm với cha tôi – cố Bộ trưởng Xuân Thủy

Nơi nào cha tôi đến thăm cũng được bà con đón tiếp rất nồng nhiệt. Và càng nồng nhiệt hơn, khi biết chính cha tôi đã góp phần rất quan trọng trong việc buộc Mỹ phải ngừng ném bom, bắn phá miền Bắc. Nhờ vậy, mà đã hơn một năm nay, cả ngày lẫn đêm, không còn nghe thấy tiếng máy bay gầm rú, tiếng bom nổ inh tai, nhức óc…

Tôi nhớ mãi buổi nói chuyện của cha tôi với các sĩ quan, chiến sĩ quân đội quân khu IV. Hội trường chật ních người. Tiếng vỗ tay, hò reo không ngớt. Một vài chiến sĩ phấn khởi quá, không kìm hãm được, kéo tay nhau đứng dậy hô lớn: “Bộ trưởng Xuân Thuỷ muôn năm! Bộ trưởng Xuân Thuỷ muôn năm!”.

Đợi cho tiếng vỗ tay, hò reo ngớt, cha tôi mỉm cười, chậm rãi: "Thưa các chiến sĩ yêu quý, Bộ trưởng Xuân Thuỷ tôi, muốn nằm lắm rồi ạ!” Thế là tiếng cười, vỗ tay hò reo lại nổi lên rầm rầm, tưởng như có thể nổ tung cả hội trường. Không khí giữa diễn giả và người nghe như hòa lẫn vào nhau.

Trong chuyến đi “thực tế” này cha tôi làm khá nhiều thơ. Hầu như ở đâu ông cũng có thơ “xuất khẩu”. Tôi còn nhớ, khi dừng chân trên đỉnh đèo Ngang, ông đi quanh quanh, chầm chậm, nhìn xa xa. Thế rồi, trước khi tiếp tục lên đường, ông mời mọi người lại nghe ông đọc thơ:

Cũng tới đèo Ngang lúc xế tà

Bốn bề phơi phới nước non ta,

Xe vô tuyến lửa, băng sông núi,

Súng gác trời cao giữa cỏ hoa,

Đường đỏ chen chân, người lớp lớp,

Rừng xanh vang hát, biển xa xa.

Thanh Quan, nàng hỡi, hay chăng nhỉ?

Cảnh mới nên thơ mới đậm đà.

Đến thăm đơn vị pháo dân quân Ngư Thủy, đơn vị anh hùng, gồm toàn các cô gái trẻ dưới 20 tuổi, chưa chồng. Sau khi xem các cô kể chuyện, biểu diễn trên mâm pháo, cha tôi hỏi mấy câu, nói mấy lời động viên, cám ơn... rồi ông đọc:

Những kỷ niệm với cha tôi – cố Bộ trưởng Xuân Thủy

Chiều nay Xuân Thủy thăm Ngư Thủy

Trời biển mênh mông, đất Quảng Bình

Giặc Mỹ hay đâu cồn cát trắng

Anh hùng toàn những gái xuân xanh!

Các cô gái thích quá, nhảy lên, hò reo! Biết ý các cô, tôi đứng cạnh đấy, vội ghi lại mấy câu thơ trên và đưa cha tôi ký. Các cô xúm lại, tranh nhau đọc. Thế rồi, một cô xướng to lên một câu, các cô khác lập tức đồng thanh hoạ lại, như ta hô khẩu hiệu. Cứ thế, hết câu này đến câu khác, cho đến hết bài thơ. Và bài thơ đã được đọc đi, đọc lại đến 3 lần.

Đứng trên đài quan sát, ngụy trang kín dưới lùm cây, trên bờ sông bến Hải, qua ống kính viễn vọng, cha tôi nhìn mãi về phía bờ Nam... Tất nhiên, ở đấy ông có thơ. Bài thơ TRÔNG SANG BỜ NAM với câu kết khẳng định:

Hiền Lương ta sẽ nối liền

Rực cờ thống nhất hai miền Bắc-Nam!

Những kỷ niệm với cha tôi – cố Bộ trưởng Xuân Thủy

Những kỷ niệm với cha tôi – cố Bộ trưởng Xuân Thủy
Ông Xuân Thủy, Trưởng Phái đoàn VNDCCH đến Điện Elysee, sau cuộc gặp gỡ với Tướng Charles De Gaulle. (Nguồn: Getty Images)

Kết thúc hội nghị Paris, cha tôi trở về Hà Nội với một chiếc vali và hai hòm gỗ to hành lí. Vài hôm sau khi cha tôi về, tôi và một cán bộ của cơ quan cha tôi được trao trách nhiệm kiểm kê, phân loại và lập danh sách các vật phẩm trong hòm gỗ to, còn ba cán bộ khác chịu trách nhiệm với hòm nhỏ hơn.

Trong hòm nhỏ hơn là các máy móc, thiết bị điện tử, quang học tinh vi; các đồ sành sứ quý hiếm, đắt tiền… mà cha tôi được biếu tặng. Các quà này, sau khi kiểm kê, được nộp cho các cơ quan liên quan, theo quy định. Được thông báo, các cơ quan ấy đã cử ngay người đến tiếp nhận.

Trong hòm to hơn, toàn là những album tranh, ảnh nghệ thuật cực đẹp, của các trường phái nghệ thuật khác nhau, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây; toàn là những tập truyện, tiểu thuyết, sách lý luận văn học, nghệ thuật, triết học, lịch sử… của những tác giả nổi tiếng thế giới. Tôi và đồng chí cán bộ vừa soạn, vừa tranh thủ lướt đọc, mê mẩn.

Chúng tôi đang làm việc say sưa thì cha tôi cùng chú Thái đi vào. Cha tôi mỉm cười nhìn chúng tôi một lát rồi quay ra. Còn chú Thái ở lại, sà ngay vào với chúng tôi. Chú lấy ra từ trong hòm sách một hộp nhỏ rồi rút ra từ trong hộp đó một quyển sách và giới thiệu:

Những kỷ niệm với cha tôi – cố Bộ trưởng Xuân Thủy
Kỷ vật Cố vấn An ninh của Tổng thống Mỹ R. Nixon TS H.Kissinger tặng Bộ trưởng Xuân Thuỷ ngay sau khi ký tắt Hiệp định Paris về Việt Nam.

“Đây là quà tặng của A.Harriman, đại diện Tổng thống Mỹ, đối thủ của Bộ trưởng Xuân Thuỷ, tặng Bộ trưởng ngay sau khi chịu thất bại cực nặng: Mỹ, phải ngừng vô điều kiện việc ném bom bắn phá nước VNDCCH và phải họp Hội nghị bốn bên, giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam. Đây là chữ của A. Harriman, viết ngay trong buổi họp bí mật cuối cùng: - “Kính tặng Bộ trưởng Xuân Thuỷ, nhà thơ. - A.Harriman, 10/1968”.

“Còn đây (chú Thái giơ lên một đồ vật bằng thủy tinh trong suốt, to hơn bàn tay) là quà tặng của tiến sỹ H.Kissinger, Cố vấn An ninh của Tổng thống Mỹ tặng Bộ trưởng Xuân Thủy ngay sau khi ký tắt Hiệp định Paris. Nghĩa là, ngay sau khi Mỹ chịu nhận thất bại cực nặng thứ hai, thất bại lớn hơn: Quân Mỹ rút ra, còn quân ta ở lại! Các cậu có biết khi tặng H.Kissinger nói gì không? – “Kính thưa Bộ trưởng Xuân Thuỷ, tôi biết Bộ trưởng rất thích chơi cờ và chơi cờ giỏi. Tôi xin tặng Bộ trưởng một vật kỷ niệm, mô hình một quân cờ, quân Mã. Người ta nói với tôi rằng, quân mã là một quân cờ mạnh, đầy ma lực và rất lợi hại dưới bàn tay của những kỳ thủ giỏi”.

“Còn đây, một quà tặng không kém phần quý giá – Tấm bằng công nhận Bộ trưởng Xuân Thuỷ là công dân danh dự của thành phố Choisy le Roi, nơi đoàn đàm phán VNDCCH đóng trụ sở suốt gần 5 năm hội nghị Paris. Quan hệ giữa đoàn ta với chính quyền và nhân dân thị xã này tốt đẹp lắm. Chúng ta coi sự giúp đỡ của nhân dân thế giới, đặc biệt là nhân dân Pháp, Đảng Cộng sản Pháp, nhà nước Pháp, trong đó có sự giúp đỡ của nhân dân, chi nhánh Đảng Cộng sản và chính quyền Choisy le Roi, là một trong những nhân tố quan trọng làm nên thắng lợi của Hội nghị Paris đấy.

Và, còn đây nữa, một kỷ niệm đặc biệt lý thú, nhưng, đây là kỷ niệm của riêng tớ. Các cậu biết kỷ niệm gì không? Một thực đơn! (Chú Thái giơ lên một tờ bìa gấp đôi, trắng bóng, bên trong ánh lên những hàng chữ xanh đen).

Số là thế này, tối hôm ấy, tại trụ sở đoàn ta, Bộ trưởng Xuân Thuỷ thết tiệc mấy chục các nhà văn hoá, chính trị - xã hội nổi tiếng ở Paris. Tất cả các vị khách đã ngồi vào bàn tiệc, hướng lên Bộ trưởng Xuân Thuỷ. Nhưng, mãi không thấy Bộ trưởng “rút diễn văn” ra. Một vị ngồi cạnh nhắc khéo: - “Hôm nay Bộ trưởng có diễn văn chứ ạ?!" "Vâng, có chứ!"- Thế là Bộ trưởng Xuân Thuỷ cầm tờ thực đơn lên giới thiệu từng món ăn Việt Nam.

Những kỷ niệm với cha tôi – cố Bộ trưởng Xuân Thủy
  Trưởng phái đoàn Xuân Thủy tươi cười vẫy tay chào khi rời khỏi cuộc đàm phán hòa bình với phái đoàn Hoa Kỳ

Có món ăn đươc Bộ trưởng giới thiệu khá chi tiết, từ nguyên liệu, cách làm đến cách ăn. Mọi người chăm chú nghe, thích thú, say sưa. Thế rồi, đột nhiên, Bộ trưởng Xuân Thuỷ bỏ tờ thực đơn xuống: -“Thưa quý vị, diễn văn của tôi đã kết thúc: Xin mời quý vị nâng cốc!”- Mọi người cười ồ, vui vẻ. Bữa tiệc hôm ấy thật rôm rả, thành công. Tớ giữ tờ "Diễn văn–Thực đơn" này như một kỉ niệm đặc biệt của tớ về Hội nghị Paris và về Bộ trưởng Xuân Thuỷ. Tớ xin các cậu nhé!".

Chú Thái cười, để Diễn văn-Thực đơn vào cặp riêng rồi chào, đi ra.

Kết thúc công việc, soạn xong thùng tài liệu, tôi nghĩ, nhất định phải sắp xếp, dành thời gian hàng tuần vào thư viện của cha tôi để “ngốn” các tài liệu quý giá này. Và, nhất định phải xin cha tôi một vài cuốn sách, vài album tranh ảnh làm “kỷ niệm riêng”.

Nhưng rồi, một hôm, tôi thấy cha tôi tiếp nhà văn Nguyễn Đình Thi ở phòng thư viện của ông. Tự nhiên, tôi thấy chột dạ. Khi nhà văn về, tôi vào ngay phòng cha tôi. Nhìn thấy tôi, ông cười, nói luôn: “Sao ngơ ngác thế! Muốn xin sách và album tranh ảnh à?". Ông vờ như ngỡ ngàng: "Ơ, sao không nói sớm?!”.

Ngừng một phút rồi ông tiếp: “Đùa thế thôi! Mình biết cậu thích từ mấy hôm trước kia! Mình tặng hết cho Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật rồi. Để bên ấy, người ta khai thác tốt hơn, sử dụng rộng rãi hơn!”. Ngừng một phút, ông tiếp: "Này, hôm nào chúng mình cùng sang bên ấy mượn đọc nhé!".

Tôi còn biết nói gì hơn. Chỉ cười. Và, thế rồi cả hai cha con tôi cùng cười, vui vẻ...

Ông Trịnh Ngọc Thái từng là thành viên của đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris từ 1968 -1973. Trong những năm 1980, ông là Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương và Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết và hữu nghị với các dân tộc. Từ năm 1992 - 1996, ông là Đại sứ Việt Nam tại Pháp. Năm 1997, ông được cử làm Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia tổ chức Hội nghị Cấp cao 7 Cộng đồng Pháp ngữ. Ông cũng từng giữ cương vị Phó Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển của Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Pháp và đã mất năm 2019.

GS. NGUYỄN TRỌNG YÊM | Đồ họa: Lim Dim | Ảnh: NVCC, Getty Images...

Đọc thêm

Việt Nam - Brazil: Bện chặt thêm sợi dây liên kết từ rất sớm giữa hai dân tộc

Việt Nam - Brazil: Bện chặt thêm sợi dây liên kết từ rất sớm giữa hai dân tộc

"Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Brazil 112 năm trước chính là biểu tượng cho sợi dây liên kết từ rất sớm giữa hai dân tộc. Dù cách xa nửa vòng trái đất, nhưng nhân dân hai nước đã có những điểm chung..." Đại sứ Việt Nam tại Brazil Bùi Văn Nghị trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam trước thềm chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Những ‘cú twist’ đối ngoại sẽ tái định hình ‘phong cách Donald Trump’

Những ‘cú twist’ đối ngoại sẽ tái định hình ‘phong cách Donald Trump’

‘Nước Mỹ trên hết’, ‘chia sẻ trách nhiệm’, ‘áp lực tối đa’, ‘cây gậy và củ cà rốt’… sẽ là những cách tiếp cận mới trong chính sách đối ngoại mang ‘thương hiệu’ riêng của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Chuyến công tác nhiều lần 'đầu tiên' đặc biệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Chuyến công tác nhiều lần 'đầu tiên' đặc biệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Chuyến công tác 8 ngày với gần 80 hoạt động của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đạt được kết quả tốt đẹp trên cả bình diện song phương và đa phương.
Trung Quốc dành nhiều biệt lệ đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân

Trung Quốc dành nhiều biệt lệ đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm từ ngày 18-20/8, Đảng, Nhà nước Trung Quốc thu xếp đón tiếp đặc biệt trọng thị, bố trí các biện pháp lễ tân, an ninh cao nhất theo nghi thức chuyến thăm cấp Nhà nước với nhiều biệt lệ, thể hiện sự coi trọng quan hệ với Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa đối ngoại Việt Nam lên tầm cao mới

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa đối ngoại Việt Nam lên tầm cao mới

"Những thành tựu đối ngoại của Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua có những dấu ấn to lớn, quan trọng, có ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng", Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác đối ngoại.
'Việt Nam thực chất đã vận hành như một nền kinh tế thị trường'

'Việt Nam thực chất đã vận hành như một nền kinh tế thị trường'

Việc Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ nhất quán, phù hợp với việc tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, cụ thể hóa các cam kết để mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người tiêu dùng của cả hai nước. Chính việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ giúp đẩy nhanh việc chuyển dịch chuỗi cung ứng, phù hợp với chiến lược friend-shoring của Mỹ để sắp xếp lại chuỗi cung ứng đến các quốc gia an toàn và đáng tin cậy.