📞

Những ký ức về ASEM

10:00 | 23/04/2016
Thấm thoắt đã 20 năm kể từ khi Diễn đàn Á  - Âu (ASEM) ra đời. Trong 20 năm ấy biết bao sự kiện đã xảy ra, biết bao công việc đã trải nghiệm, làm sao nhớ hết được? Tiếng vậy ASEM đã để lại trong tôi không ít kỷ niệm.

Năm 1995 đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ quốc tế của nước ta nói chung và trong quá trình hội nhập quốc tế nói riêng. Trong năm đó, giữa nước ta và Hoa Kỳ -  hai nước vốn là thù địch đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao; cũng năm đó nước ta gia nhập ASEAN. Hai sự kiện quan trọng như vậy trong quan hệ song phương và đa phương có mối liên hệ với nhau, tác động qua lại lẫn nhau.

Lúc này tôi đang là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Bên cạnh các công việc khác, tôi được phân công làm SOM (quan chức cao cấp) trong quan hệ với ASEAN. Thật tình mà nói, tôi khá ngu ngơ với công việc mới toanh này vì trước đó tôi chỉ chuyên làm công tác nghiên cứu, về chính trị chủ yếu liên quan tới Liên Xô trước đây và về kinh tế đối ngoại chứ có tham gia hoạt động đa phương bao giờ đâu và càng không dính dáng gì tới ASEAN cả.

Nước ta gia nhập ASEAN vào lúc Hiệp hội triển khai kế hoạch hình thành AFTA, mở ra Diễn đàn an ninh khu vực (ARF), ký Hiệp ước biến Đông Nam Á thành khu vực không có vũ khí hạt nhân và mở rộng quan hệ quốc tế.

Trong khuôn khổ đó, ASEAN thống nhất vận động tổ chức Diễn đàn Á - Âu để mở rộng hợp tác với Liên minh châu Âu là một trong 3 đầu tàu của kinh tế thế giới, có vai trò quan trọng trên bàn cờ chính trị quốc tế.

Chẳng bao lâu sau khi nước ta trở thành thành viên ASEAN, trong một cuộc họp SOM bàn vấn đề này đã nẩy sinh câu chuyện nên gọi tắt Diễn đàn thế nào. Lúc đầu có người đề nghị gọi là AEM (nghĩa là Cuộc gặp Á – Âu) nhưng thấy không tiện vì trùng với tên gọi của Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN. Thay vào đó có bạn đề nghị gọi là EAM cho đỡ trùng. Thấy vậy tôi giơ tay xin phát biểu: đây là sáng kiến của ASEAN chúng ta, tại sao lại đưa châu Âu lên trước? Nên đưa ASEAN lên trước nhưng để đỡ trùng với tên gọi của Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN, ta nên bổ sung chữ “S” vào sau chữ “A” thành “ASEM” (Asia-European Meeting) thì hợp lý hơn. Mọi người lập tức tán thành, đáp lại, tôi bình luận: “Đây là đóng góp đầu tiên của Việt Nam vào ASEAN sau khi trở thành thành viên!”, làm cho cả hội nghị cười phá lên tán thưởng.

Thế rồi năm sau (1996) đã diễn ra cuộc gặp cấp cao đầu tiên của ASEM ở Bangkok (Thái Lan) đánh dấu sự ra đời của Diễn đàn quan trọng này. Đoàn đại biểu nước ta do Thủ tướng Võ Văn Kiệt dẫn đầu tham dự Hội nghị. Ấn tượng mạnh nhất còn lại trong tôi về sự kiện này là ông Sáu Dân (bí danh của Thủ tướng) phải tất bật tiếp xúc với các nhà lãnh đạo hai châu lục, nhất là từ các nước EU, thậm chí cả trong những phút giải lao ngắn ngủi. Chương trình hoạt động khẩn trương tới mức ông Sáu vốn là con người rất năng động và có sức khỏe tốt đã la tôi: Tại sao xếp lịch dồn dập như dzậy? Bị la nhưng trong lòng tôi lại thấy vui vì điều đó chứng tỏ đất nước không những đã thoát khỏi vòng vây ở khu vực mà đã vươn sang châu Âu và được họ “để mắt” tới! Bây giờ những chuyện như vậy quá bình thường song 20 năm trước thật quý biết bao.

Một sự kiện lớn liên quan tới ASEM là Hội nghị cấp cao ở Hà Nội năm 2004. Vị thế nước ta đã khác: không còn là nước nghèo đói, bị bao vây cô lập nữa mà đã trở thành một trong những quốc gia phát triển với tốc độ cao nhất lúc bấy giờ, là thành viên của ASEAN, APEC, đã ký BTA với Hoa Kỳ và đang đẩy mạnh đàm phán để gia nhập WTO. Với vị thế ngang ngửa như vậy thì phải tổ chức Cấp cao ASEM cho ra hồn!

Với tư cách Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực đối ngoại, tôi hiểu rất rõ trọng trách đó. Ngoài nội dung Hội nghị, tôi phải lo từng chi tiết của công tác tổ chức. Mà những chi tiết như vậy bao gồm hàng trăm đầu việc lớn nhỏ theo đúng nghĩa “thượng vàng hạ cám”. Chỉ xin kể lại một việc.

Số là Lễ khai mạc diễn ra tại Hội trường Ba Đình, còn Hội nghị giữa các nhà lãnh đạo sẽ tiến hành ở Trung tâm Hội nghị quốc tế Lê Hồng Phong. Thời gian rất eo hẹp, làm thế nào chuyên chở mấy chục vị lãnh đạo cấp cao cùng mấy trăm quan chức sang kịp? Để bảo đảm chắc chắn, chúng tôi đã phải tập dượt như thật trước và phát hiện ra không có cách nào làm gọn gàng được. Trong tình thế đó tôi bèn quyết định bố trí để mọi người đi bộ sang phố Lê Hồng Phong và con đường ngắn nhất là đi qua vườn hoa Bà Huyện Thanh Quan. Muốn vậy tôi đã yêu cầu dẹp sạch các ki-ốt nhếch nhác như quầy chụp ảnh và các quán ăn ở vườn hoa, bố trí các thiếu nữ Hà Nội mặc áo dài, cầm cờ hoa hình thành hàng rào hai bên đường chào mừng các đoàn.

Quả nhiên ai cũng thích thú cách chuyển dịch như vậy vì các vị lãnh đạo luôn bị “chăm sóc” quá mức, nay được xổ lồng, vừa đi vừa trò chuyện thân tình với nhau, vẫy chào các thiếu nữ kiều diễm, tạo ra không khí thoải mái, tự nhiên, đầy tình người.

Tăng cường đối thoại chính trị không chính thức và đưa ra các sáng kiến hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế và văn hóa-xã hội sẽ tiếp tục là ưu tiên của chúng tôi tại Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 11 được tổ chức tại Ulaanbaatar vào tháng 7 tới.

Điều này cũng đã được đề cập trong Khuôn khổ Hợp tác Á-Âu năm 2000 và các tài liệu cơ bản khác của ASEM. Hội nghị sẽ tập trung hợp tác vì những lợi ích hữu hình, nhằm đảm bảo tính liên tục của các sáng kiến. Hội nghị cũng sẽ có các cuộc đối thoại không chính thức nhằm bảo đảm những kết quả hữu hình có lợi cho người dân của hai châu lục. Bên cạnh đó, việc tăng cường tính kết nối sẽ được lồng ghép vào tất cả các khuôn khổ hợp tác và tất cả các khía cạnh của quan hệ đối tác trong ASEM, từ việc phát triển cơ sở hạ tầng trên khắp châu Á và châu Âu, kết nối công nghệ, liên kết về thể chế, chính trị, đối thoại an ninh... Cuối cùng, chúng tôi sẽ xem xét lại cách thức làm việc của ASEM để giải quyết hiệu quả các vấn đề phức tạp và đa dạng hơn hiện nay, để ASEM có thể thích ứng với những biến chuyển mới trong tình hình quốc tế.

(Avirmed Battur, Cố vấn của Tổng thống Mông Cổ về an ninh quốc gia và Chính sách đối ngoại)

Việc nhỏ này dạy cho tôi nhiều bài học. Trong ngoại giao không có việc gì không quan trọng; mọi việc cần được tính toán, thử nghiệm rất cụ thể và chọn phương án thích hợp nhất. Và ngoại giao tốt nhất là ngoại giao tình người, lòng dân. Những bài học ấy đã được vận dụng trong một sự kiện lớn khác là Cấp cao APEC Hà Nội 2006.

Tất nhiên Cấp cao ASEM 2004 không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh một nước Việt Nam năng động và hiếu khách, nâng cao hơn nữa vị thế quốc tế cho đất nước mà còn đem lại nhiều kết quả “tiền tươi thóc thật”. Một trong những kết quả nhãn tiền là chúng ta đã tận dụng dịp này để hoàn tất đàm phán với EU về việc Việt Nam gia nhập WTO, làm đòn bẩy thúc đẩy đàm phán với các nước khác. Đây là dấu ấn khác về ASEM cần nhắc tới.

Qua những câu chuyện nho nhỏ trên ta có thể thấy các diễn đàn đa phương, trong đó có ASEM, không phải là nơi chỉ có nói và nói (theo tiếng Anh là “talk and talk”). Chúng có thể đem lại nhiều kết quả vô hình và hữu hình quan trọng lắm, miễn là ta biết làm ăn.

“Trên cương vị là Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, mối quan tâm của tôi tập trung chủ yếu vào các công việc kinh doanh, cơ hội và các mối quan hệ của Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU). Việt Nam và châu Âu là một trong ba đối tác thương mại hàng đầu của nhau. Vừa qua, EU đã ký một thỏa thuận thương mại tự do với Chính phủ Việt Nam và 2 năm tới thỏa thuận này sẽ có hiệu lực. Đây là một cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam cũng như khu vực. Những gì tôi muốn thúc đẩy không phải chỉ là quan hệ giữa hai bên mà theo một góc nhìn rộng hơn, để mỗi công ty châu Âu đến đây đều có thể thấy cả các cơ hội tại khu vực. Như vậy, thị trường sẽ trở nên rộng lớn hơn nhiều.

Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung là môi trường tuyệt vời để đầu tư. Ở đây có những điều kiện rất tốt - một lực lượng lao động năng động cộng thêm sự ổn định về xã hội. Chắc chắn, điều mà mọi doanh nghiệp đều muốn thấy là sự ổn định. Đó là lý do vì sao nhiều đối tác lựa chọn Việt Nam. Trong tương lai, Việt Nam sẽ còn vươn xa hơn nữa, vượt ra ngoài thị trường Việt Nam, là một nhân tố nổi bật trong ASEM”.

(Đại sứ Michael Behrens, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam)

Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ.